Trạm hoạt hình

Cuộc chiến chống chó hoang: Liệu Ấn Độ có thể ra khỏi... ngõ cụt? (Kỳ 2)

HỮU THIỆN

Đăng lúc 07:02 | 19/05/2023

Khi chuyện chó hoang săn người và tỉ lệ bệnh dại cao nhất thế giới đã trở thành mối hiểm họa kép ở Ấn Độ, tiếc là họ vẫn... mắc kẹt trong cái 'ngõ cụt' hết sức đặc trưng.

Họ cứ loay hoay giữa các giải pháp trái ngược hẳn nhau: Cần tiêu hủy hàng loạt chó hoang để bảo vệ sự an toàn của cư dân và sức khỏe cộng đồng, hay cần đảm bảo phúc lợi động vật mà không được làm hại vài chục triệu con chó đang lang thang khắp các thành phố và làng quê?

'Cứu người Delhi', và cuộc chiến ở Bihar, Kerala...

Rất lâu trước khi xảy ra cái chết thương tâm của cậu bé Pradeep, 5 tuổi, ở thành phố Hyderabad, bang Telangana trong ngày chủ nhật 19-2-2023, các phương tiện truyền thông địa phương đã đăng những câu chuyện tương tự về 'những con chó sát thủ' ở Ấn Độ.

Sau đó, những câu chuyện ấy thường được các hãng tin quốc tế chọn lọc để đăng lại, hoặc thực hiện thêm những phóng sự điều tra của riêng mình.

Cuộc chiến chống chó hoang: Liệu Ấn Độ có thể ra khỏi... ngõ cụt? (Kỳ 2) - Ảnh 1.

Các đàn chó hoang vẫn lang thang trên đường phố khắp vùng nông thôn và thành thị Ấn Độ. Quan trọng không chỉ là số lượng chó hoang cứ tăng lên, mà là hành vi bất thường của chúng theo hướng trở thành những động vật săn mồi theo bầy đàn (nguồn: Reuters)

Chẳng hạn, tác giả Gardiner Harris đã viết trên tờ The New York Times (7-8-2012): 'Các nạn nhân của những cuộc tấn công bất ngờ đã khập khiễng bước vô một trong những bệnh viện công lớn nhất của thành phố ở New Delhi. Trong số hàng trăm nạn nhân ấy vào một ngày gần đây, có trẻ em bị dồn vào chân tường, học sinh bị phục kích trên đường tới trường, và cả người già đi làm về. Tất cả đều kể cùng một câu chuyện đáng sợ: Chó hoang đã cắn họ'.

11 năm sau, vẫn ở New Delhi. Kênh truyền hình Ấn Độ NDTV cho biết: Bà thị trưởng Shelly Oberoi đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 14-3-2023, sau khi hai cậu bé, 5 và 7 tuổi, đã thiệt mạng vì bị chó hoang tấn công trong hai vụ riêng biệt, diễn ra chỉ trong vòng ba ngày.

Bà Oberoi đã yêu cầu: Trong vòng một tuần, các nhà chức trách, các chuyên gia thú y cùng các tổ chức phi chính phủ liên quan tới phúc lợi động vật phải đưa ra kế hoạch hành động về vấn đề 'Cứu người Delhi khỏi chó hoang'.

Trước đó, trong năm 2022, nạn khủng bố 'chó ăn thịt người' đã xuất hiện lại ở bang Bihar, với 9 phụ nữ bị chó hoang cắn chết, cùng hơn 10 phụ nữ và trẻ em bị chúng tấn công, gây thương tích nặng nề.

Bước qua năm 2023, ngay ngày đầu năm 1-1, lũ chó hoang lại tấn công dẫn tới cái chết của một phụ nữ ở quận Begusarai, bang Bihar. Ngay hôm sau, 2-1, một bầy chó hoang cũng đã cắn ba người phụ nữ khác khi họ đang làm việc trên cánh đồng của mình.

Dân làng đã rất phẫn nộ, gửi đơn khiếu nại tới đồn cảnh sát địa phương. Sau đó, chính quyền quận Begusarai đã thuê những tay súng tư nhân - những người 'có đăng ký với Sở Môi trường và Lâm nghiệp' - theo dõi và tiêu diệt chó hoang. Bước đầu, đã có 24 con chó hoang bị bắn hạ ở khu vực Bachhwara trong quận này, theo báo The Times of India (5-1-2023).

Cuộc chiến chống chó hoang: Liệu Ấn Độ có thể ra khỏi... ngõ cụt? (Kỳ 2) - Ảnh 2.

Sau ba năm tìm hiểu nhau, chàng cựu phi công Eureka Apta và nàng nha sĩ Joanna Wang đã quyết định tổ chức một 'đám cưới đơn giản' trong đền thờ vào ngày 25-9-2020, cùng một 'bữa tiệc hoành tráng' cho khoảng 500 con chó hoang trong thành phố Bhubaneswar (bang Odisha) - với sự hợp tác của Tổ chức Phúc lợi động vật Ekamra. Đôi vợ chồng mới này cho biết thêm: Món quà cưới tuyệt vời nhất dành cho họ sẽ là một... bác sĩ thú y có kinh nghiệm, để làm việc cho cơ sở trú ẩn đang nuôi khoảng 130 con chó đi lạc, theo kênh truyền hình (12-10-2020).

'Mọi người đang la hét: Giết chúng, giết chúng, giết chúng đi, nhưng ngay cả khi bạn tiếp tục giết chó hoang hằng ngày, bạn cũng không bao giờ đạt được tới con số chó hoang bằng 0', ông Kishore Janardhanan, bác sĩ phẫu thuật thú y tại một bệnh viện kiểm soát sinh sản cho chó, xác nhận giữa lúc người dân ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ, tuyên chiến với chó hoang hồi năm 2016, theo báo The Washington Post (21-10-2016).

Vào năm ấy, hàng trăm con chó lang thang đã bị giết trên khắp bang Kerala, nơi tự gọi mình là 'một thỏi nam châm thu hút khách du lịch'. Đám đông thường xuyên đánh chó tới chết, hoặc mướn những người bắt chó chuyên nghiệp đi săn lùng chó hoang. 

Các thành phố đều có những bảng quảng cáo khổng lồ, do các nhà hoạt động chống chó hoang trả tiền, mô tả lũ chó hoang nhe răng nanh, cùng hình ảnh khủng khiếp của những người bị chúng cắn. 

Các tờ báo địa phương có xu hướng đăng lại mọi vết cắn của chó hoang, kể cả những bức tranh biếm mô tả cảnh máu chảy ra từ miệng những con chó. Thậm chí, các cử tri trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Kerala đã được khuyến khích bầu chọn những ứng cử viên hứa sẽ... giết những con chó lang thang trên đường phố.

'Hãy nhìn các nước phương Tây đi: họ có chó thả rông ngoài đường chăng? Chúng tôi muốn đường phố Kerala không còn chó hoang, vì ngày nào cũng có trẻ nhỏ và người già bị chúng cắn', ông Jose Maveli, người sáng lập Hiệp hội Diệt trừ chó hoang ở bang Kerala, tuyên bố.

Là người bảo trợ chính cho phong trào chống chó thả rông ở Kerala, ông Maveli đã trả tiền cho 10 người bắt chó trong thành phố, những người đã giết 300 con chó hoang trong năm 2015. Theo ông, khoảng 250.000 chó hoang trong bang Kerala là mối nguy hiểm cho an toàn công cộng, và gây tổn hại cho cả nền kinh tế của bang này.

Tuy vậy, cuộc xung đột gay gắt giữa người và chó ở bang Kerala hồi năm 2016 không chỉ vấp phải sự phản đối từ những người yêu động vật trên khắp Ấn Độ, mà còn bị Tòa án tối cao của đất nước chỉ trích gay gắt, vì việc giết hại chó hoang trên diện rộng là 'không thể chấp nhận được'.

Tòa án tối cao đã ra lệnh cho bang Kerala triệt sản những con chó trên đường phố. Tuy vậy, cư dân Kerala nói rằng họ không đủ kiên nhẫn để làm điều đó!

Cuộc chiến chống chó hoang: Liệu Ấn Độ có thể ra khỏi... ngõ cụt? (Kỳ 2) - Ảnh 3.

Khi được thần Indra đề nghị lên cỗ xe để tới thiên đàng, Yudhisthira đã từ chối vì không thể phản bội và bỏ rơi con chó là bạn đồng hành của mình (Minh họa: Hindi Gita Press Mahabharata)

Vẫn còn đó tấm gương Yudhisthira...

Aishwarya Prem, một nhà hoạt động vì phúc lợi động vật, kể với báo The Washington Post rằng cô đã từng bị đám đông giận dữ đẩy xuống đất và đá vào người, khi cô cố gắng giải cứu một con chó hoang hồi cuối năm 2015 ở Kerala.

'Khi tôi nghe người ta đang giết một con chó, tôi chạy tới đó và ôm nó vào lòng, và hỏi họ: Bạn có thấy con chó này thật sự giống một con chó hung dữ không?', Prem kể.

Từ nhiều năm qua, chó lang thang ngày càng trở thành một mối phiền toái phổ biến trên khắp Ấn Độ. Nhiều người vẫn cho chúng ăn, dù không nhận chúng làm thú cưng. Có các chương trình triệt sản cho chó hoang, nhưng nhiều chương trình không được tài trợ đầy đủ. Trong khi đó, luật pháp Ấn Độ không cho phép thực hiện cái chết nhân đạo với chó hoang.

Bởi Shvana, nghĩa là con chó trong tiếng Phạn, được nhắc tới khá nhiều trong những chuyện thần thoại Vệ Đà, và sau này cũng xuất hiện trong thần thoại của đạo Hindu (Ấn Độ giáo).

Nổi bật nhất là câu chuyện Yudhisthira - nhân vật trung tâm của sử thi Ấn Độ Mahabharata thời cổ đại, sau là hoàng đế của vương quốc Kuru - đã dứt khoát rằng ông chỉ bước vô Svarga (thiên đàng) cùng với con chó đã theo ông trong suốt cuộc hành trình đến thiên đàng.

Câu chuyện ấy được kể trong Mahaprasthanika Parva (tiếng Phạn, có nghĩa là Cuốn sách về cuộc hành trình vĩ đại - tức cuốn thứ 17, cuốn sách ngắn nhất trong 18 cuốn sử thi Mahabharata).

Sách kể về cuộc hành trình của năm anh em nhà Pandava, với Yudhisthira là người anh cả, đã cùng người vợ chung của họ là nàng Draupadi lên dãy Himalaya để tìm tới thiên đường trên núi Sumeru (tức núi Tu Di). 

Khi họ rời khỏi vương quốc của mình, một con chó đã kết bạn và theo họ trong suốt cuộc hành trình ấy. Trên đường đi, nàng Draupadi chết trước. Bốn anh em nhà này cũng lần lượt chết giữa đường. Cuối cùng, chỉ còn người anh cả Yudhisthira và con chó đi bộ lên tới đỉnh núi Tu Di. 

Lúc đó, Thần Indra - vua của chư thiên - phái người đánh xe thần thánh Matali của ông đưa một cỗ xe tới đón Yudhisthira. Tuy vậy, Matali chỉ mời Yudhisthira lên xe, còn con chó thì 'không được chào đón'.

Yudhisthira nói rằng trong trường hợp đó, ông cũng sẽ không lên xe. Matali đành phải thỉnh Thần Indra đích thân xuất hiện. Vua của chư thiên hiện ra, và cũng chỉ mời Yudhisthira lên xe. Tuy vậy, ông vẫn từ chối nếu không có con chó cùng lên theo.

'Tôi không bao giờ từ bỏ một kẻ đang sợ hãi, một kẻ tận tụy với tôi, cũng như một kẻ tìm kiếm sự bảo vệ của tôi, cũng như một kẻ đau khổ hay cơ cực, cũng như một kẻ yếu đuối trong việc bảo vệ chính mình. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ một kẻ như vậy cho tới khi cuộc sống của tôi kết thúc', Yudhisthira tuyên bố (trích chương 3, sách Mahaprasthanika Parva).

Rốt cuộc, Thần Indra... mỉm cười hài lòng. Và bất ngờ làm sao, con chó chợt biến thành... Yama (Thần Chết) - và cũng là cha ruột của Yudhisthira.

Sau khi nhận lời chào của con trai mình, Thần Chết báo rằng Yudhisthira đã xuất sắc vượt qua... 'một bài kiểm tra' dành cho ông. Rồi Thần Chết biến mất, và Thần Indra đưa Yudhisthira lên thiên đàng trên cỗ xe của mình.

Việc Yudhisthira tuyên bố sẽ là một tội lỗi lớn nếu bỏ lại con chó - bạn đồng hành của ông, đã tạo ra một niềm tin phổ biến lâu đời trong nhiều người Ấn Độ theo đạo Hindu, rằng việc chăm sóc hay nhận nuôi chó cũng có thể giúp... mở đường lên thiên đàng.

Khi quy tắc abc bị coi là... thảm họa!

Với số lượng lớn chó không có chủ ở những nơi công cộng, các nhóm bảo vệ quyền động vật đã gây quỹ để cung cấp thức ăn cho chúng. Tuy vậy, những người khác cho rằng làm vậy sẽ khuyến khích chó hoang tụ tập, đe dọa sự an toàn của mọi người khi sử dụng những không gian công cộng ấy. 

Những người phản đối cũng cho rằng việc cho chó hoang ăn là điều gợi ý rằng... việc bỏ rơi chó là chuyện bình thường, bởi chó hoang có thể sống bằng thức ăn thừa trên đường phố, trong bối cảnh Ấn Độ vẫn quản lý rác thải rất tệ hại.

Vào năm 2001, Ấn Độ đã ban hành Quy tắc kiểm soát sinh sản của động vật (Animal Birth Control Rules trong tiếng Anh, viết tắt là Quy tắc ABC) nhằm giảm số lượng chó hoang, do mối đe dọa về sức khỏe và an toàn mà chúng gây ra cho con người.

Khổ nỗi, Quy tắc ABC lại trái với Đạo luật Phòng chống ngược đãi động vật (PCA) ban hành vào năm 1960, và trái với cả Đạo luật thành phố của bang. Bởi cả hai đạo luật ấy đều bắt buộc phải loại bỏ hoặc tiêu hủy những con chó không có chủ trên đường phố. Trên thực tế, Quy tắc ABC đã chuyển đổi vấn đề an toàn và sức khỏe con người thành một chính sách lấy cảm hứng từ... quyền động vật.

Cụ thể, Quy tắc ABC đã tạo ra một thực thể pháp lý có tên là 'chó đường phố' và hợp pháp hóa tình trạng vô gia cư, duy trì những con chó không có chủ ở nơi công cộng. 

Từ đó, nếu một con chó không có chủ cắn một đứa trẻ, con chó không thể bị lãnh 'án tử' vì đã được Quy tắc ABC bảo vệ. Thay vào đó, nó phải được triệt sản, chích ngừa dại và được thả trở lại đường phố. 

Ngay cả với những loài động vật trong Danh mục 1 (mức bảo vệ cao nhất) của Đạo luật Động vật hoang dã năm 1972, như cọp và voi, cũng có thể bị giết nếu chúng gây hại nghiêm trọng cho con người. Tuy nhiên, những con chó đường phố dường như được trao nhiều quyền hơn cả cọp và voi, thông qua Quy tắc ABC.

Thêm một so sánh khác: Nếu những con chó đi lạc cắn chết động vật hoang dã quý hiếm, quy trình tương tự cũng sẽ được áp dụng. Điều trớ trêu là nếu một thành viên của một bộ lạc bản địa ở Ấn Độ phạm tội tương tự, họ có thể phải lãnh tới 7 năm tù, theo trang web The Wire - India (28-9-2022).

Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ khi được ban hành, song Quy tắc ABC vẫn bị coi là... 'một thảm họa từ góc độ phúc lợi động vật', vì đã cho phép gia tăng sự đau khổ của động vật bằng cách cho phép số lượng chó hoang tăng lên không ngừng ở Ấn Độ.

Đặc biệt, vấn đề chó hoang 'sát thủ' còn gắn liền với vấn đề về phòng ngừa bệnh dại vẫn rất gian nan ở Ấn Độ hiện nay. Để có thể giảm bệnh dại trong quần thể chó hoang, cần bắt và triệt sản, chích ngừa dại cho chúng, càng nhiều thì càng tốt.

Chính phủ Ấn Độ dành trung bình chi phí triệt sản tương đương 11 USD cho mỗi con chó. Tuy vậy, nhiều bang đều cho là mức chi đó không thỏa đáng, khiến các thành phố thiếu tiền để triệt sản những con chó hoang.

'Khi triệt sản chó hoang, chúng tôi chỉ chích ngừa bệnh dại một lần rồi thả chúng ra. Đó là tất cả số lần chích ngừa mà một con chó hoang được chích trong đời, và như vậy là không đủ', cô bác sĩ thú y Sarungbam Devi, người sáng lập và ủy thác của Animal India Trust, bật mí với mạng truyền hình cáp Hoa Kỳ CNN (1-4-2023).

Cuối cùng, mời các bạn cùng suy ngẫm về một câu hỏi do trang Insights On India nêu ra vào ngày 19-11-2015:

'Bạn là ủy viên thành phố và trong những ngày gần đây, văn phòng của bạn đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình của cư dân đòi giết tất cả chó hoang, do chúng đã cắn chết trẻ nhỏ trong ba trường hợp riêng biệt. Theo họ, những con chó trước đó đã bị bắt rồi lại thả ra, nên đã quay lại địa điểm tụ tập quen thuộc của chúng. Họ cũng phàn nàn rằng các ca triệt sản cho chó hoang đã không có kết quả, trong khi những con chó mới từ các vùng mới vẫn tiếp tục đến.

Trong tình huống này, bạn có ra lệnh tiêu hủy chó hoang không? Biện minh trong 200 từ'.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Trạm Hoạt Hình