Một số bệnh viện nhi tại TP.HCM cho hay mùa hè lượng trẻ đến phòng khám tâm lý điều trị tăng từ 20-30%, đa phần các bệnh lý của trẻ đều liên quan đến sử dụng thiết bị điện tử.
Đủ cách cấm cản con chơi game
Sáng sớm, mẹ con chị A.N. (39 tuổi, Vũng Tàu) đã tranh thủ đón xe sớm đến khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để đưa cậu con trai 8 tuổi đi điều trị tâm lý.
Mọi sinh hoạt, tính tình của con vẫn diễn ra bình thường cho đến khi gia đình bắt đầu thấy con mới 8 tuổi có những biểu hiện lạ như: sống thu mình, không tiếp xúc với bạn bè, không tập trung, hay cáu gắt, thậm chí có hành vi chống đối, quát nạt lại cha mẹ...
"Vợ chồng tôi bận rộn công việc, do vậy mỗi khi làm việc gì tôi đều đưa điện thoại cho con chơi để ngồi yên một chỗ. Đến lúc phát hiện con khác thường thì mới ý thức được sự nghiêm trọng", chị N. chia sẻ.
Chị N. cho hay ban đầu thấy giáo viên chủ nhiệm gọi điện về nhà phàn nàn con đi học không tập trung nghe giảng. Khi quan sát ở nhà, chị thấy con thường xuyên "vồ" lấy điện thoại chơi game, mắt dán vào màn hình, tay bấm, miệng lẩm bẩm...
Chị liền tìm cách đổi mật khẩu điện thoại, quy định số giờ dùng điện thoại thì con bắt đầu phản ứng bằng thái độ cáu gắt, thậm chí quát mắng lại cha mẹ. Chỉ được vài hôm, con vẫn làm cách nào đó để có mật khẩu điện thoại chơi game, chị đã đánh con một trận.
Sợ con tìm đến các quán net, chị N. phải thường xuyên đưa đón con đi học. Tuy nhiên, cứ mỗi lần cấm cản dùng điện thoại là tính tình con lại cáu gắt, cãi cha mẹ nhiều hơn nên gia đình quyết định đưa con đến bệnh viện để điều trị tâm lý.
Trường hợp khác, gia đình chị M.T. (34 tuổi, ngụ Đồng Nai) tâm sự rằng cũng đã thấy sự thay đổi từ thái độ của cậu con trai đang theo học lớp 9. Chị T. nhận thấy con mình nghiện game.
Sự việc chỉ vỡ lẽ khi một lần con trai thừa nhận hành vi lấy cắp tiền của ông bà để đi chơi game. Sau đợt đó, gia đình đã đánh con một trận và cấm con chơi game. Thế nhưng chỉ được vài hôm, khi cha mẹ đi vắng, cậu lại tiếp tục dán mắt vào điện thoại, trốn vào phòng để chơi game.
Trẻ rối loạn chống đối
ThS Mai Thị Nguyệt - khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết mùa hè lượng trẻ đến thăm khám tâm lý có xu hướng tăng khoảng 20-30%. Đa phần là trẻ có rối loạn chống đối, cư xử do liên quan đến game, kể cả những trẻ chậm nói và tăng động do tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử.
Qua quá trình thăm khám nhiều trẻ nghiện game tâm sự rằng: "Ở nhà con không được cha mẹ tôn trọng lắng nghe", "Lúc nào cha mẹ cũng so sánh con với anh chị em ruột, anh chị em họ", "Ba mẹ đi công tác hoài không quan tâm đến con", "Con cảm thấy rất buồn rất bí mà không thể chia sẻ với ai", thậm chí nhiều phụ huynh chửi con là "Đồ hư, đồ bỏ đi"...
Phần lớn trẻ đều cho rằng khi bước vào thế giới ảo trẻ có thể thể hiện được giá trị của bản thân mà không bị phán xét, lâu dần trẻ bị cuốn hút vào các trò chơi game hoặc bị lôi kéo bởi các đội nhóm dẫn đến nghiện game.
Phụ huynh cần làm gì?
ThS Nguyệt cho biết khi thấy con mình nghiện game cha mẹ bình tĩnh tìm hiểu con, có thể bước vào thế giới của con, đồng quan điểm với con, trên cơ sở đó dẫn dắt và chỉ đường cho con để trẻ không lầm đường lạc lối.
Chỉ khi bản thân tự ý thức được tác hại lúc đó trẻ mới tự giác, nếu cấm đoán, càng làm cho trẻ có hành vi chống đối, rối ren thêm.
Ngoài nghiện game, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Bệnh viện Nhi đồng thành phố - cho hay hậu quả của việc nghiện Internet có thể đưa đến tình trạng có những thay đổi tiêu cực về mặt cảm xúc của trẻ như chán nản, cáu gắt, lo âu, căng thẳng...
Từ đó, nhiều rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm có thể xuất hiện và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, sử dụng Internet liên tục, kéo dài còn có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Cha mẹ cần quy định thời gian sử dụng thiết bị điện tử phù hợp cho từng độ tuổi và cần kiểm soát nội dung trẻ tiếp cận.
Các biểu hiện của trẻ nghiện game
Theo ThS Nguyệt, một số biểu hiện của trẻ nghiện game như: lúc nào cũng nghĩ về game, cầm điện thoại liên tục, khi không có điện thoại thì bồn chồn, ủ rũ, khó chịu trong người, dễ cáu giận... từ đó bỏ bê học hành hoặc học cho có.
Nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến kết quả học tập sa sút ảnh hưởng đến tương lai của trẻ hoặc trẻ chống đối gia đình, thậm chí chống đối xã hội, không muốn tiếp xúc với ai, hay cáu bực mình khi bị làm phiền, hoặc có thể dẫn đến trầm cảm, tự tử...
Khi con chơi game 2-3 tiếng mỗi ngày, cha mẹ cần can thiệp ngay
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc khuyến cáo cha mẹ khi thấy con có hành vi chơi Internet 2-3 tiếng mỗi ngày không phải vì học tập hay làm việc thì cần phải can thiệp ngay chứ đừng để con nghiện game rồi mới vội vã điều trị.
Vì tác động tâm lý, điều chỉnh hành vi rất khó khăn và có khả năng tái phát nếu như không có sự kiên trì điều trị. Khi đó, cha mẹ nên tăng cường cho con tham gia các hoạt động ngoài trời, tăng cường tương tác, trò chuyện với con, đừng để con trốn tránh trong thế giới game một mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận