Phóng to |
Ông Trương Tấn Sang - khi là ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - đến thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Pò Hèn (Quảng Ninh) ngày 26-5-2010 - Ảnh tư liệu |
* Thưa giáo sư, là một trong những người biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) lịch sử hiện hành, xin giáo sư cho biết ý kiến về việc rất nhiều công dân là phụ huynh và học sinh đề nghị nên có sự chỉnh sửa, đổi mới SGK lịch sử, nhất là bổ sung và làm rõ những tư liệu lịch sử về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979?
- GS Vũ Dương Ninh: Không chỉ SGK nói riêng mà nhận thức chung của mọi người dân VN cần phải biết về sự thật lịch sử. Cuộc chiến tranh biên giới diễn ra đã khá lâu, đủ độ lùi lịch sử để đưa vào SGK phổ thông cho thế hệ con cháu của chúng ta hiểu được đã xảy ra một sự việc: người Trung Quốc đã tấn công người VN, xâm lược lãnh thổ VN và chúng ta đã phải tiến hành một cuộc kháng chiến để bảo vệ lãnh thổ. Tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để bổ sung bài học về sự kiện này vào SGK.
GS Vũ Dương Ninh - Ảnh: Ngô Vương Anh |
- Để đưa vào SGK, phải bảo đảm tính chân thực lịch sử, tính chân thực thể hiện ở cách tường thuật lại sự kiện, ở những phân tích thấu đáo về nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh, tại sao đối phương lại xâm lược và tại sao chúng ta chống lại.
Bài học trong SGK cũng phải đưa ra được những tấm gương cụ thể, những chiến công cụ thể trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Những tấm gương và những chiến công ấy phải được vinh danh như những anh hùng trong suốt chiều dài lịch sử như các anh hùng chống Nguyên Mông, Minh, Thanh, Pháp, Mỹ... Điều quan trọng nhất của bài học lịch sử trong SGK là phải làm rõ được lòng yêu nước và tính chính nghĩa trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đó
* Nhưng cũng có không ít ý kiến e ngại rằng đưa cuộc chiến tranh biên giới vào SGK sẽ dạy cho trẻ em sự thù hận và làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu hảo với láng giềng mà chúng ta đang muốn gìn giữ, giáo sư nghĩ sao về điều này?
- Tôi không nghĩ như vậy. Chúng ta vừa kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris, 45 năm sự kiện Mậu Thân, và như thế hoàn toàn không có nghĩa là khơi dậy hận thù với Mỹ. Ngược lại, nhìn lại và phân tích những bài học từ cuộc chiến, hai bên hiểu nhau hơn và cùng khép lại quá khứ để hướng tới một tương lai hợp tác tin cậy hơn.
Cuộc chiến tranh biên giới không nên bị né tránh như vậy, chúng ta phải cho con em chúng ta biết là lịch sử đã xảy ra như thế. Vấn đề là cách chúng ta viết sao cho học sinh nhận biết được đúng sự thật lịch sử một cách khách quan. Quan trọng hơn các em sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm về xây dựng quan hệ bang giao với các nước để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.
* SGK lịch sử hiện tại chỉ có không đến 10 dòng về cuộc chiến biên giới, theo giáo sư thì sự thay đổi nên có liều lượng như thế nào và bắt đầu từ bao giờ?
- Đúng là hiện tại SGK nhắc đến chiến tranh biên giới quá ít. Thật ra vào thời điểm viết sách cách đây 7-8 năm thì đưa được chừng ấy dòng vào SGK cũng là một sự quyết tâm của các tác giả. SGK lịch sử phổ thông phần hiện đại có hai vòng: vòng lớp 9 và vòng lớp 12. Vòng nào chúng ta cũng phải đưa sự kiện chiến tranh biên giới vào, với những mức độ khác nhau, phụ thuộc trình độ nhận thức của học sinh.
Ở lớp 9 cần thông tin sự kiện với mức độ để các em biết được có một cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc đã diễn ra trong thời điểm như vậy, tổn thất và chiến thắng ra sao. Ở lớp 12 thì phân tích có ngọn ngành nguyên nhân, tính chất cuộc chiến, những bài học lịch sử như tôi đã nói ở trên.
Hiện tại tôi không còn ở trong hội đồng biên soạn SGK lịch sử, nhưng với tư cách một người nghiên cứu lịch sử, tôi đề nghị Bộ GD-ĐT nên tiến hành việc bổ sung SGK lịch sử càng sớm càng tốt. Cách viết thì tùy thuộc từng tác giả nhưng sự việc năm 1979 nhất thiết phải đưa vào SGK, làm cho học sinh hiểu rõ tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và phải vinh danh những chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh trên trận tuyến này.
GS NGUYỄN MINH THUYẾT: Có thể đưa sớm vào SGK tiếng Việt Chiến tranh biên giới phía Bắc, sự kiện lịch sử ngày 17-2-1979 và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước giai đoạn đó chắc chắn là nội dung cần phải đưa vào sử nước nhà. Để thể hiện nội dung này ở SGK lịch sử dạy cho học sinh trong nhà trường phổ thông thì trước hết nó cần phải được thể hiện trong thông sử. Vì người viết SGK phải dựa vào thông sử để viết sách. Tuy nhiên, là một người chủ biên SGK tiếng Việt, quan điểm của tôi là nếu có một cuộc biên soạn SGK phổ thông mới và được đảm nhận trách nhiệm chủ biên, tôi sẽ đưa vào SGK những bài liên quan đến sự kiện đấu tranh chống giặc ngoại xâm ở biên giới phía Bắc. Nếu như SGK lịch sử cần phải dựa vào thông sử, phải chính xác, cụ thể thì ở phân môn tiếng Việt nói riêng và môn ngữ văn nói chung, hoàn toàn có thể đưa vào những câu chuyện, bài thơ, bài viết ca ngợi cuộc đấu tranh của dân tộc, ca ngợi những người con đất Việt đã chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc ở giai đoạn lịch sử bi tráng này. VĨNH HÀ ghi |
Ông ĐỖ NGỌC THỐNG (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, thường trực Ban biên soạn chương trình - SGK sau năm 2015) Giáo dục lòng yêu nước là một định hướng xây dựng SGK Là người bao quát chung việc biên soạn chương trình - SGK sau năm 2015, tôi cho rằng những vấn đề đang nóng, có tính thời sự, được đông đảo người dân quan tâm và đó lại là vấn đề có thể giáo dục ý thức tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ thì hoàn toàn có thể tính đến việc đưa vào SGK. Nhưng đưa như thế nào, liều lượng ra sao thì cần phải nghiên cứu, cân nhắc thận trọng. Cụ thể việc đưa hay không đưa nội dung về chiến tranh biên giới phía Bắc và sự kiện 17-2-1979 vào SGK lịch sử, ban soạn thảo cần phải tham khảo ý kiến của Hội Khoa học lịch sử, các chuyên gia về lịch sử. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện bản định hướng chung để xây dựng chương trình - SGK áp dụng cho tất cả các môn học. Một trong những định hướng chúng tôi đặt ra là giáo dục tư tưởng, lòng yêu nước cho học sinh. Với định hướng này, không chỉ SGK lịch sử mà ở các môn học khác cũng có thể nghiên cứu đưa các nội dung mới phù hợp. Ví dụ như ở SGK địa lý hoàn toàn có thể đưa vào các nội dung mới hơn về biển đảo, giáo dục ý thức về bảo toàn lãnh thổ VN. VĨNH HÀ ghi |
Tin bài liên quan:<?xml:namespace prefix = o />
Một ngày xuân bi tráng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận