TTCT - Các nhà phát hành Pháp đã đúng khi dịch Cuộc chia tay của Simin và Nader thành Cuộc chia tay chung chung, bởi đằng sau cái tựa định danh nhằm thoát qua kiểm duyệt kia là bóng dáng nhiều cuộc chia tách khác... Phóng to Diễn viên Sarina Farhadi trong vai Termeh - Ảnh: Allocine.fr Chuyện rất nhỏ Une Séparation, giải Gấu vàng Liên hoan phim Berlin 2011, mở đầu bằng cuộc đối chất với đại diện luật pháp - thật ra là đối diện với máy quay - của giáo viên tiếng Anh Simin và Nader - chồng cô, nhân viên ngân hàng. Simin muốn ly dị vì Nader không đồng ý ra nước ngoài sinh sống. Trong thời gian Simin bỏ đi, Nader phải thuê Razieh - một phụ nữ nghèo - chăm sóc người cha bệnh mất trí nhớ. Một ngày nọ, bắt gặp cha bị bỏ rơi ở chân giường, Nader nổi điên xô đuổi người giúp việc. Razieh sẩy thai. Câu hỏi đặt ra là Nader có biết Razieh có thai không, nếu biết, Nader có thể mang tội giết người. Nader nói không. Simin quyết định bồi thường để nguyên đơn bãi nại. Vợ chồng Razieh đồng ý, nhưng giờ chót Razieh sùng tín không dám thề trên kinh Coran bởi nhớ ra mình có thể bị sẩy thai trước đó do bị xe tông chứ không phải lúc bị Nader xô đuổi. Kết phim cặp Nader - Simin tan vỡ, quan hệ vợ chồng Razieh cũng tan nát. Và những chia tách lớn Une Séparation là sự kiện chưa từng có đối với phim Iran ở Pháp: từ tuần chiếu đầu tiên 106 rạp, thu hút hơn 100.000 lượt người xem, phim bước qua tuần thứ hai với số phòng chiếu tăng gấp đôi. Các chủ rạp còn ghi nhận hiện tượng khán giả vỗ tay khi phim chấm dứt! Mạnh mẽ, thực tế, pha chút hình sự, Une Séparation mặc dù khởi đi từ mâu thuẫn vợ chồng, là cái nhìn về xã hội Iran Hồi giáo toàn trị với các xung đột giai cấp, xung đột truyền thống và hiện đại. Ta thấy trong phim Simin đội khăn che tóc hớ hênh, trong lúc Razieh liên tục sửa khăn như một nghi lễ đức hạnh. Làm nghề giúp việc nhưng Razieh phải gọi điện cho tư vấn tôn giáo để đảm bảo việc thay tã cho bệnh nhân không phải là tội lỗi, luôn dùng găng để không chạm vào cơ thể đàn ông... Với nhiều chi tiết như vậy, Une Séparation như hình ảnh xã hội Iran thu nhỏ. Thoát thai từ nền tảng văn hóa thi ca, điện ảnh Iran mang thế mạnh ngụ ý - thế mạnh đã giúp các đạo diễn tiên phong như Abbas Kiarostami, Mohsen Makhmalbaf... làm nên nhiều tuyệt tác. Là thế hệ kế tiếp, Asghar Farhadi vừa phát huy tính sâu sắc truyền thống, vừa quan tâm tính hấp dẫn. Vẫn là những nhân vật - tấm gương của đất nước nhiều mâu thuẫn, vẫn là thứ điện ảnh luôn khiến ta bần thần khi thưởng thức, Une Séparation còn làm ta bị thôi miên bởi diễn xuất cừ khôi của diễn viên - khía cạnh lâu nay là thứ yếu trong dòng phim ẩn dụ. Khán giả khó quên những tích tắc nhận thức của ông lão, khó quên cái nhìn riết róng của con gái Nader trước người cha gian dối... Chính các đột phá diễn xuất này đã buộc giám khảo Liên hoan phim Berlin phải cho ra một giải thưởng chưa từng có: Gấu bạc cho toàn bộ diễn viên nam nữ chính của phim! Có thể hơi quá đáng khi báo Le Monde gọi Une Séparation là “bộ phim quan sát các người lớn tiếp nhau nói dối dưới cặp mắt hoảng hốt của hai đứa trẻ”, nhưng rõ ràng hai đứa trẻ trong phim là thế hệ hoang mang chân lý. Trong lúc con gái 5 tuổi của Razieh chỉ biết nhìn căm uất những kẻ xa lạ, thì Termeh - đứa con trưởng thành hơn của Nader - đã tận lực truy vấn cha, buộc người cha luôn dạy con tôn vinh lý lẽ, tẩy chay các giáo điều giả dối phải hàng phục. Đạo diễn Asghar Farhadi vốn là dân kịch nghệ, người từng được giải đạo diễn Liên hoan phim Berlin 2009 với phim Về Elly rất chỉn chu trong đối thoại. Lập luận thuyết phục của các bên trong phim khiến người xem liên tục phải phân vân, liên tục bị xô đẩy vào mê cung kịch tính. Une Séparation là phim xung đột căng thẳng, và việc đạo diễn chọn ống kính télé - tạo thêm căng thẳng - để quay hầu hết phim là một lựa chọn tài tình. Riêng - chung Trong phim có trường đoạn rất hay là khi Nader tắm cho cha và bật khóc. Asghar Farhadi nói đó là hình ảnh anh ông làm vệ sinh cho ông nội bị bệnh Alzheimer - một ký ức ấm về anh nhưng cũng là nỗi ân hận không chăm sóc ông đúng mực của chính mình. Kịch bản Une Séparation khởi đi từ nỗi ân hận này, nhưng qua cuộc chia tay của đôi vợ chồng cụ thể, Farhadi muốn đề cập đến phân hóa xã hội, nơi tầng lớp trung lưu luôn hướng về phía trước văn minh, trong lúc giới bình dân bám chặt vô truyền thống và tôn giáo - những thứ dễ bị nhân danh cho những mục tiêu phi nhân bản. Vừa mô tả đời sống vụn vặt, vừa nói lên được những vấn đề xã hội sâu sắc, điện ảnh Iran được/bị xem là chiến cụ phê bình mạnh nhất, do vậy cũng chịu kiểm duyệt hà khắc nhất. Nhưng các đạo diễn Iran rất khôn ngoan, thiện tâm và nhẫn nại, như cách Farhadi trả lời phỏng vấn tuần báo Journal du Dimanche: “Đôi khi mệt mỏi, tôi cũng muốn rời đất nước như bao người khác để tìm cuộc sống tự do hơn. Song tôi đứng về phía những người ở lại trong nước vì muốn làm thay đổi hiện trạng của nó. Không chỉ nhà nước phải thay đổi mà cả não trạng của người Iran nữa, để không đặt lợi ích cá nhân trước lợi ích chung. Ở đây, điện ảnh có vai trò quan trọng, không chỉ truyền tải thông điệp của phim, các đạo diễn phải làm sao để khởi động được tư duy công dân của khán giả”.
Ông Medvedev: Mỹ và các nước NATO đã tham gia hoàn toàn vào chiến sự Ukraine NGHI VŨ 23/11/2024 Ông Medvedev cáo buộc phương Tây đã tham gia vào cuộc chiến chống lại Nga, cảnh báo Nga sẽ có đáp trả việc Ukraine không kích vào Nga.
Chân dung đại gia Malaysia, Hàn Quốc muốn mua lại dự án của bà Trương Mỹ Lan BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Một doanh nghiệp bất động sản Hàn Quốc và một vị đại gia Malaysia muốn đàm phán để nhận chuyển nhượng dự án liên quan bà Trương Mỹ Lan.
2 xe máy tông nhau, 2 người nước ngoài tử vong ở Phan Thiết ĐỨC TRONG 23/11/2024 Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra lúc chiều 23-11 trên đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Nhặt ve chai, phát hiện 1.500 viên ma túy ở bãi biển TRẦN MAI 23/11/2024 Người đàn ông nhặt ve chai trên bãi biển Quảng Ngãi phát hiện túi ni lông có 1.500 viên ma túy. Cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc.