22/05/2011 06:50 GMT+7

Cuộc "cách mạng" về làm luật

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Cách đây năm năm, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Quốc hội (QH) VN, trong bài “Vì một QH thật sự đại diện cho dân”, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết: “Thật ra một đất nước với 82 triệu dân hoàn toàn xứng đáng có được một QH chuyên nghiệp".

"Thông thường công việc càng khó khăn, càng đòi hỏi trình độ chuyên nghiệp cao. Làm đại biểu QH là một trong những công việc như vậy. Đa số các vị đại biểu (trên 75%) hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm hay cũng có thể gọi là theo chế độ nghiệp dư. Hoạt động nghiệp dư thì rất khó thạo việc”.

AwqkCVHP.jpgPhóng to
Nguyên phó chủ tịch QH Mai Thúc Lân từng phát biểu trên Tuổi Trẻ rằng nghị trường phải có tính chiến đấu, QH phải tận dụng được quyền mà luật cho phép, hiến pháp quy định để đáp ứng sự mong mỏi của cử tri - Ảnh: Việt Dũng

Kỳ 1: Kỳ 2:

Đại biểu phải chuyên nghiệp

Muốn có một Quốc hội chuyên nghiệp phải có các vị đại biểu chuyên nghiệp. Và chỉ hoạt động chuyên nghiệp thì các đại biểu mới có đủ thời gian để thực hiện chức năng đại diện. Chuyên trách và chuyên nghiệp là hai chuyện khác nhau. Thế nhưng, không chuyên trách thì không có điều kiện thời gian và điều kiện tích lũy kinh nghiệm để trở thành chuyên nghiệp.

Trích “Vì một Quốc hội thật sự đại diện cho dân” - Võ Văn Kiệt

Dấu ấn

Trong trí nhớ của ông nghị nổi tiếng cương trực Mai Thúc Lân thì “QH khóa IX, khóa X có những đổi mới mạnh mẽ, nhưng với tôi khóa VIII (1987-1992) là dấu ấn không bao giờ phai”. Khi ấy, đang làm chủ tịch tỉnh Hà Bắc, ông Lân được điều động về QH làm đại biểu chuyên trách.

Ông kể: “Khóa VIII chỉ có mấy người chuyên trách thôi: anh Lê Quang Đạo (chủ tịch QH), anh Nguyễn Việt Dũng (tổng thư ký), chị Ngô Bá Thành (chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật). Lúc đó anh Đạo và anh Vũ Oanh (trưởng Ban Kinh tế trung ương kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách - NV) thấy kinh tế, ngân sách là vấn đề rất lớn, cần người làm chuyên trách nên điều tôi từ Hà Bắc về, anh Nguyễn Hòa từ Tổng cục Dầu khí sang, rồi anh Phùng Văn Tửu là phó chủ tịch chuyên trách”.

“Chỉ có từng ấy người, khi đổi mới QH thì thấy hẻo quá” - ông Lân cười. Cơ sở vật chất của QH khi ấy cũng không có gì. Ủy ban không có vụ chuyên môn giúp việc mà cả QH chỉ có một vụ là Vụ Hội đồng và các ủy ban. Sau này thấy như vậy chưa đáp ứng được yêu cầu, lại điều thêm ông Nguyễn Tài từ Tổng cục Hải quan về Ủy ban Pháp luật.

Tháng 12-1987, ông Vũ Mão từ Trung ương Đoàn sang nhận nhiệm vụ chủ nhiệm văn phòng QH và Hội đồng Nhà nước. Ông cũng không ngờ rằng nghiệp “nghị sĩ” lại gắn bó với ông suốt 20 năm. “Trước đó, nói về đại biểu chuyên trách đúng nghĩa thì chỉ có bà Ngô Bá Thành là chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, người tiền nhiệm của bà Thành là ông Trần Quang Huy. Các ủy ban khác đều do các trưởng ban đảng kiêm nhiệm” - ông Mão nói.

Ông Lân cho biết: “Khóa VIII đi giám sát rất khổ, vì ủy viên các ủy ban gần như là kiêm nhiệm, mà toàn giữ vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và Chính phủ. Khi thành lập đoàn giám sát nhiều người từ chối tham gia, có người nhận lời rồi nhưng đến lúc đi lại cáo bận. Khóa IX có hơn 30 đại biểu chuyên trách, gồm các chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban, các vụ chuyên môn phục vụ ủy ban cũng được thành lập. Công việc bắt đầu có những tiến bộ. Khóa X có khoảng 40 đại biểu chuyên trách. Việc thảo luận để khóa XI có 25% chuyên trách gay cấn lắm. Tôi nói là thông thường các luật, vấn đề ngân sách phải được đưa ra các ủy ban của QH để thẩm tra. Nhưng các ủy ban quá ít đại biểu chuyên trách nên làm không kỹ, khi đưa ra QH nhiều trường hợp không đạt yêu cầu nên QH lại thảo luận từ đầu. Lẽ ra các thảo luận về chi tiết, kỹ thuật phải làm ở ủy ban, QH chỉ thảo luận những vấn đề lớn và ra quyết định”.

Hình thức cũng thay đổi

Trước kia QH họp trên chủ tịch đoàn lại có Thủ tướng ngồi ở đó. Sau này nhiều đại biểu có ý kiến là sao QH họp mà Thủ tướng lại ngồi ở khu vực điều hành? Sau đó Thủ tướng mới không lên trên ngồi nữa. Hay chuyện vì không có tranh luận nên trước đây cứ ai phát biểu thì phải lên bục đọc, rồi tiến đến mỗi bàn có một micro để đại biểu phát biểu cho tiện.

Nhà báo Thái Duy

Sáu ngày thông qua một đạo luật

Ông Lân tự nhận khóa IX ông ngồi ở ghế phó chủ tịch QH điều khiển các phiên thảo luận để thông qua dự án luật là ghế nóng, vì phải suy nghĩ để từng bước bỏ những thói quen không còn phù hợp trong sinh hoạt QH.

Ông Lân kể: “Nhớ thời anh Trường Chinh làm chủ tịch QH thì anh yêu cầu trước khi thông qua phải đọc toàn văn dự thảo luật trước QH, mà có nhiều luật rất dài nên đọc rất lâu. Đến khóa IX vẫn quy định QH phải thông qua từng điều. Tôi ngồi ghế điều hành thấy có thể gộp ba, bốn điều thông qua một lần vì những điều ấy đại biểu dễ thống nhất với nhau. Cách làm của tôi bị đại biểu Lê Thị Nga phê bình là không đúng luật. Rốt cuộc phải trở lại thông qua từng điều một. Năm 1999, Chính phủ trình dự án Luật doanh nghiệp, QH phải mất sáu ngày mới thông qua được đạo luật chỉ có 124 điều này. Tôi sốt ruột quá mà không làm gì được. Vì phải thảo luận để rồi thông qua từng điều một của từng dự thảo luật, có trường hợp chỉ một từ mà tranh luận mất hàng giờ, một câu mà thảo luận gần nửa buổi họp, nhưng kết quả chỉ sửa một dấu phẩy. Người ta gọi QH làm văn tập thể là vì vậy, vì quá mất thời gian”.

Ông Nguyễn Văn Yểu - phó chủ tịch QH khóa XI - nói: “Với cách làm tốn kém thời gian như vậy, QH không thể đáp ứng được đòi hỏi xây dựng pháp luật thời kỳ mới. Năm 2005 chúng ta đạt kỷ lục là thông qua tới 29 đạo luật, nếu cứ thảo luận và biểu quyết từng điều một thì QH chỉ có thể làm được 5-6 luật mỗi năm thôi. Năm 2001 khi QH làm Luật tổ chức Chính phủ, mặc dù lúc đó QH đã cho phép chỉ biểu quyết những điều còn ý kiến khác nhau, vậy mà khi biểu quyết có tới 165 ý kiến phát biểu, QH mất ba ngày mới thông qua được đạo luật này”.

Theo ông Yểu, từ năm 2002 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được QH sửa đổi, bổ sung đã tạo nên cuộc “cách mạng” về cách thức làm luật ở QH. Cùng với việc tăng cường đại biểu chuyên trách, tăng cường bộ máy thường trực các ủy ban, QH đã chấm dứt thời kỳ “làm văn tập thể”. Năm 2004, với cách làm luật mới, sau hơn hai ngày thảo luận, QH đã thông qua Bộ luật dân sự với hơn 800 điều. “Nếu làm theo cách cũ thì một tháng chưa chắc đã thông qua bộ luật đồ sộ như vậy” - ông Yểu quả quyết.

______________________

Có một từ mà lúc đầu ai nói lên cũng bị coi là “Tây quá”, nhưng nghe dần thấy quen và khi Hội đồng dân tộc và các ủy ban thí điểm làm thì thấy đúng và cần thiết, tạo nên không khí rất mới trong hoạt động của QH: điều trần!

Kỳ cuối: Phiên điều trần đầu tiên

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên