TTCT - Từ mùa xuân 2021, giới kinh tế đã bắt đầu nhận thấy một hiện tượng lạ - người lao động ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới lũ lượt tự nguyện nghỉ việc - và gọi đó là “cuộc bỏ việc quy mô lớn” (The Great Resignation). Ảnh: Hiệp hội Quản trị nhân sự Hoa KỳTheo số liệu của Bộ Lao động Mỹ do The New York Times dẫn lại, gần 4,3 triệu lao động Mỹ đã tự nguyện nghỉ việc trong tháng 8 năm nay, tăng 300.000 người so với tháng 7 và cũng là con số cao kỷ lục trong hai thập niên kể từ khi chính phủ nước này bắt đầu triển khai thống kê. Lũy kế từ tháng 4 đến đầu tháng 9, số lao động nghỉ việc ở Mỹ đã vượt 15 triệu người, theo một báo cáo hồi đầu tháng 9 của Hãng tư vấn McKinsey.40% trong số 4.929 lao động được McKinsey khảo sát ở Úc, Canada, Singapore, Vương quốc Anh và Mỹ cho biết họ có khả năng sẽ bỏ việc trong vòng 3 đến 6 tháng tới; 18% cho biết ý định nghỉ việc của họ dao động từ “có khả năng” đến “gần như chắc chắn”. Một khảo sát trên 30.000 lao động tuổi từ 18-25 thuộc 31 quốc gia của Microsoft hồi tháng 6 cho thấy 41% đang cân nhắc nghỉ việc trong năm nay.Ai tạo sóng?Theo Bộ Lao động Mỹ, trong số lao động nghỉ việc có những người đã tìm được việc mới trước khi nghỉ, có người chưa có chỗ mới nhưng tự tin mình sẽ tìm được việc, và cả những người lựa chọn hoàn toàn rời bỏ thị trường lao động dù chưa đến tuổi hưu. Nhóm đối tượng thứ 2 - nghỉ ngang dù chưa tìm việc mới - chiếm 36% trong khảo sát của McKinsey.Thống kê của Bộ Lao động Mỹ và số liệu của McKinsey đều cho thấy các doanh nghiệp trong ngành giải trí và khách sạn có nguy cơ mất nhân viên cao nhất. Cụ thể, gần 7% lao động trong ngành lưu trú và ăn uống đã bỏ việc trong tháng 8, tức “cứ 14 nhân viên khách sạn, nhà hàng, quán bar thì có 1 người nói lời tạm biệt chỉ trong 1 tháng” - cây bút Derek Thompson viết trên tạp chí The Atlantic.Bên cạnh đó, nhiều nhân viên trong lĩnh vực y tế và nhân viên cổ cồn trắng tham gia khảo sát của McKinsey cũng cho biết họ có kế hoạch nghỉ việc trong tương lai gần. Thậm chí 1/3 nhân viên trong ngành giáo dục - những người được cho là ít có xu hướng nghỉ việc nhất - khi được hỏi cũng trả lời rằng “hơi có khả năng” họ sẽ bỏ việc. Tỉ lệ tương ứng đối với nhân viên các ngành sản xuất hàng hóa và thương mại - vận tải - tiện ích là 43% và 38%.Khảo sát của McKinsey cũng tìm ra nhiều nguyên nhân khiến người lao động lựa chọn nghỉ việc. Đáng lưu ý, “được công ty công nhận”, “được quản lý xem trọng” và “có cảm giác gắn kết với công ty” là 3 yếu tố mà người lao động cho là quan trọng nhất và có tác động lớn đến quyết định nghỉ việc của họ, nhưng lại bị người sử dụng lao động đánh giá thấp.Vì sao người lao động muốn đổi việc trong năm 2021. Dữ liệu tính đến tháng 2-2021. -Nguồn: Hiệp hội Quản trị nhân sự Hoa Kỳ Người trẻ hăng hái ra điMark Hamrick, nhà phân tích kinh tế cấp cao của công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng Mỹ Bankrate, cho rằng người trẻ, cụ thể là thế hệ Z (18-24 tuổi) và kế đó là thế hệ thiên niên kỷ (25-40 tuổi) đang dẫn đầu trong cuộc nghỉ việc quy mô lớn, bởi họ khao khát thay đổi và không có nhiều vướng bận với chỗ làm cũ.Khảo sát trên 2.452 người tìm việc của Bankrate hồi tháng 8 cho thấy 77% người được hỏi thuộc thế hệ Z và 63% thế hệ thiên niên kỷ có dự định sẽ nghỉ việc; trong khi đó tỉ lệ này ở thế hệ “bùng nổ trẻ em” (57-75 tuổi) chỉ là 33%.“Thế hệ Z và thế hệ thiên niên kỷ là những thành viên dễ chuyển chỗ nhất trong lực lượng lao động vì nhiều lý do. Họ không kiếm được nhiều tiền như những người đồng nghiệp lớn tuổi hơn, cấp cao hơn, nên họ mong muốn tìm được công việc được trả lương cao hơn và họ có xu hướng hiểu biết về công nghệ hơn, vì vậy họ có lợi thế tốt hơn để tận dụng cơ hội làm việc từ xa” - Hamrick nói với CNBC.Thompson cũng cho rằng “các gói hỗ trợ liên quan đến đại dịch, chính sách hoãn tiền thuê nhà và xóa nợ học đại học đã giúp mọi người, nhất là người trẻ và thu nhập thấp, có thể tự do rời công việc họ ghét để tìm một cái gì đó mới mẻ”. Gió đổi chiềuTheo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số lượng vị trí cần tuyển dụng trong tháng 8 vào khoảng 10,4 triệu, đã giảm so với mức kỷ lục 11,1 triệu vào tháng 7. Đặt con số này cạnh 4,3 triệu lao động nghỉ việc trong cùng tháng, The New York Times nhận định đây là bằng chứng mới nhất cho thấy cán cân quyền lực trên thị trường việc làm đang nghiêng về phía người lao động chứ không phải bên sử dụng lao động.Tương tự, tạp chí Time cũng nhận xét “một điều lớn lao” đang diễn ra trong thị trường lao động ở Mỹ: người lao động đang chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp, vốn đang vật lộn để khôi phục kinh tế sau gần 2 năm lao đao vì đại dịch. “Từ các văn phòng cao cấp đến nhà máy, người lao động đang đòi lương cao hơn, giờ làm việc linh hoạt hơn, phúc lợi và đãi ngộ tốt hơn” - Time viết. Và họ đang nắm đằng chuôi, bởi nếu giới chủ không thể hoặc không đồng ý đáp ứng các yêu cầu trên, “nhiều người sẽ đình công, nghỉ việc hoặc tìm chỗ khác tốt hơn”.Thompson, cây bút chuyên về kinh tế của The Atlantic, cũng nhìn nhận từ “great” trong “the great resignation” theo nghĩa “tuyệt vời” đối với người lao động, thay vì (quy mô) lớn. “Ngày càng nhiều người nghỉ việc để có một khởi đầu mới. Họ ra đi vì tin rằng họ có thể làm tốt hơn, được đối đãi tốt hơn. Cuộc bỏ việc quy mô lớn đang tăng tốc và nó đã tạo ra một thời điểm quan trọng trong lịch sử kinh tế Hoa Kỳ” - Thompson viết.Cũng với góc nhìn đó, Ryan Rolansky - giám đốc điều hành mạng xã hội việc làm LinkedIn - cho rằng những gì đang diễn ra nên được gọi là “cuộc đại cải tổ” (The Great Reshuffle), tức người lao động thay đổi chỗ làm hàng loạt, kèm theo đó là thay đổi tư duy của cả nhân viên và doanh nghiệp.“Ngay lúc này, tất cả các công ty, giám đốc điều hành đang suy nghĩ lại về cách thức hoạt động và văn hóa doanh nghiệp (...). Mặt khác, các nhân viên trên toàn cầu đang suy nghĩ lại về cách họ làm việc, tại sao họ làm việc và điều họ muốn làm nhất với sự nghiệp và cuộc sống của họ” - Rolansky nói với Time.Cụ thể, nhiều công ty bắt đầu nhận ra lương cao không còn là liều thuốc hữu hiệu giúp khích lệ tinh thần làm việc và sự gắn bó của người lao động. Thay vào đó, họ bắt đầu chú trọng vào quyền tự chủ của nhân viên nhiều hơn, công nhận họ nhiều hơn, sắp xếp giờ làm việc linh hoạt hơn và ngày nghỉ hợp lý hơn, cũng như thực hiện bất cứ điều gì làm cho cuộc sống làm việc thú vị hơn.Chính LinkedIn và các công ty công nghệ như Bumble và đã đóng cửa một tuần trong năm nay để nhân viên nghỉ ngơi và chống lại tình trạng kiệt sức. Công ty dịch vụ tài chính Fidelity Investments đang thử nghiệm cho phép một số nhân viên làm việc 30 giờ một tuần, chịu giảm lương một chút nhưng vẫn giữ đầy đủ phúc lợi của họ. Công ty Highwire Public Relations, có văn phòng tại một số thành phố lớn của Mỹ, đang cố bỏ 30% các cuộc họp để nhân viên khỏi phải tốn nhiều thời gian tương tác qua ứng dụng Zoom, và lý tưởng nhất là giúp ngày làm việc ngắn hơn và hiệu quả hơn. Tương tự, các nhà tuyển dụng khác đã triển khai nhiều chương trình thúc đẩy sự đồng cảm, với hy vọng làm cho nhân viên cảm thấy họ được đánh giá cao và xem trọng.■Làn sóng lan ra toàn cầu Theo Washington Post ngày 18-10, “cuộc nghỉ việc quy mô lớn” ở Mỹ đã dần trở thành hiện tượng toàn cầu, và nguyên nhân chính có vẻ là chuyện tiền lương.Theo số liệu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) do Politico Europe dẫn lại, lực lượng lao động tại 38 nước thành viên của tổ chức này đã giảm đi khoảng 20 triệu người so với trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Trong số đó, 14 triệu người đã rời bỏ thị trường lao động và hiện không đi làm hay tìm kiếm bất cứ cơ hội việc làm nào. Con số này cao hơn 3 triệu so với năm 2019.Một khảo sát được công bố vào tháng 8 cho thấy 1/3 các công ty ở Đức gặp phải tình trạng khan hiếm nhân viên lành nghề. Cùng tháng đó, Detlef Scheele - cục trưởng Cục Việc làm Liên bang Đức - nói với tờ Süddeutsche Zeitung rằng nước này sẽ cần nhập khẩu 400.000 lao động có tay nghề cao mỗi năm để bù đắp sự thiếu hụt trong một loạt các ngành, từ chăm sóc điều dưỡng đến công nghệ xanh.“Thẳng thắn mà nói thì vấn đề nằm ở tiền lương” - Andrew Watt, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Âu tại Viện Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Quỹ Hans Böckler của các công đoàn Đức, nói với Politico Europe. “Muốn người lao động quay lại những công việc vốn khó khăn với đồng lương ít ỏi này thì tiền lương phải tăng trước đã”.Ở các nước Mỹ Latin và vùng Caribe, 26 triệu người đã mất việc làm vào năm ngoái trong bối cảnh đại dịch khiến nhiều hoạt động phải tạm ngừng, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) của Liên Hiệp Quốc. Phần lớn các công việc được phép hoạt động lại là các ngành nghề phi chính thức, điều này đồng nghĩa với việc mức lương thậm chí còn thấp hơn và mức độ bấp bênh cao hơn trong khi các lĩnh vực này vốn đã chịu sự bất bình đẳng kinh tế sâu sắc.“Những công việc này nói chung không ổn định, lương thấp, không được bảo trợ xã hội hay bất kỳ quyền lợi nào” - Vinícius Pinheiro, giám đốc khu vực của ILO, cho biết trong một cuộc họp báo hồi tháng 9. Pinheiro cũng lưu ý về tác động không cân xứng của đại dịch đối với thanh thiếu niên trong khu vực. Theo một nghiên cứu hồi đầu năm nay, cứ 6 người trong độ tuổi từ 18 đến 29 ở Mỹ Latin và Caribe thì có 1 người đã nghỉ việc kể từ khi đại dịch bắt đầu.Các nền kinh tế đa dạng ở châu Á cũng đang gánh chịu những vấn đề khác nhau. Một phiên bản khác của “cuộc nghỉ việc quy mô lớn” đang diễn ra tại Trung Quốc, nơi mà thế hệ lao động trẻ có cái nhìn chán nản với triển vọng tương lai và chẳng mấy hào hứng với mức lương tương đối thấp tại các đô thị sản xuất vốn là những vùng thúc đẩy phát triển kinh tế của quốc gia này.Và tất nhiên là cả Việt Nam, khi khoảng 1,3 triệu lao động rời các thành phố lớn để về quê trong giai đoạn cao điểm của dịch đã không trở lại, theo Tổng cục Thống kê. Nhiều người lao động nghèo ở châu Á cũng đã chọn về quê sống, vì ít nhất họ vẫn có nhà để ở và thức ăn để ăn. Đây cũng là một dạng nghỉ việc. CBSNews ngày 13-10 dẫn dữ liệu của công ty về dịch vụ quản trị nhân sự Gusto cho biết 5,5% lao động nữ ở Mỹ bỏ việc vào tháng 8, so với tỉ lệ 4,4% của nam. Còn trong tháng 9, Gusto ghi nhận gần 300.000 phụ nữ đã rời bỏ thị trường lao động ở Mỹ; phần lớn vị trí bị bỏ trống được nam giới lấp đầy.Phụ nữ là đối tượng gặp khó khăn nhiều nhất khi đại dịch diễn ra. Họ phải gánh vác nhiệm vụ chăm sóc con cái khi trường học vẫn chưa mở cửa lại, trong khi các điểm giữ trẻ thì hiếm hoi và đắt đỏ. Thêm vào đó, công việc của họ chủ yếu là các ngành nghề tiếp xúc trực tiếp với khách hàng - vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch mới nhất do biến thể Delta.Tỉ lệ phụ nữ chịu đựng hội chứng “cháy sạch” (burnout) nơi làm việc cũng cao hơn nam giới, theo McKinsey và Tổ chức Lean In - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với phương châm giúp đỡ phụ nữ thành công hơn trong sự nghiệp.Theo một báo cáo hồi tháng 9 của Lean In, khoảng 1/3 phụ nữ cho biết họ đã cân nhắc rời khỏi lực lượng lao động hoặc chuyển hướng sự nghiệp của mình trong năm nay, tỉ lệ này cao hơn con số 1/4 khi bắt đầu đại dịch. Tags: Nghỉ việcBỏ việcCuộc bỏ việc quy mô lớn
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...