Nhân viên y tế Bệnh viện Việt Đức thu dọn các máy thở dòng cao "đã thất nghiệp" để chuyển về Hà Nội - Ảnh: TỰ TRUNG
Bắt đầu nhận bệnh nhân đầu tiên từ ngày 11-8, trong hơn hai tháng, các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (có thêm sự tham gia của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Bưu Điện) đã tiếp nhận điều trị 971 bệnh nhân COVID-19 nặng và rất nặng từ các bệnh viện tầng dưới chuyển đến, cho xuất viện hơn 600 bệnh nhân.
Hôm nay 13-10, tại bệnh viện còn 36 bệnh nhân với 12 người đang thở máy, 21 người cần trợ thở oxy, 3 người đã ổn định chờ xuất viện được bàn giao lại.
Nói lời chia tay, TS.BS Lưu Quang Thùy - phó giám đốc trung tâm - xúc động: "Chúng tôi là nhân viên y tế thì phải có trách nhiệm với bệnh nhân, là người Việt Nam thì phải có trách nhiệm với TP.HCM. Lá phổi của miền Nam bị bệnh thì chúng tôi đến, lá phổi lành thì chúng tôi về".
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - giám đốc Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - cũng giản dị trả lời: "Các bác sĩ của chúng tôi tuy vẫn rất bận rộn với trung tâm hồi sức của bệnh viện, nhưng đã chủ động đến tận đây để chuẩn bị cho cuộc bàn giao từ mấy hôm trước. Bệnh viện Việt Đức làm rất bài bản khiến chúng tôi rất tự tin để nhận thêm trung tâm này. Tất cả những gì tốt nhất là dành cho bệnh nhân".
BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết Trung tâm hồi sức 13 sẽ phối hợp với Bệnh viện dã chiến số 13 bên cạnh để hình thành bệnh viện điều trị cả ba tầng.
Ông Lê Hòa Bình, phó chủ tịch UBND TP.HCM, xúc động nhắc: "Mấy tháng thành phố trải qua nạn dịch, các anh chị đã cho chúng tôi được chứng kiến sự lớn lao và hùng mạnh của y đức, của lời thề Hippocrates. Tất cả là vì bệnh nhân".
Ông Lê Hòa Bình - phó chủ tịch UBND TP.HCM - phát biểu tại buổi bàn giao trung tâm hồi sức - Ảnh: TỰ TRUNG
"Thành phố sẽ đề nghị được giữ lại cả 5 trung tâm hồi sức tích cực đã hoạt động, đã cứu sống người dân thành phố để xây dựng thành những trung tâm hồi sức, bệnh viện hiện đại, những viện đào tạo y tế và cả điểm tham quan ghi dấu ấn những ngày lịch sử của thành phố.
Một lần nữa tôi xin nói lời cảm ơn từ đáy lòng một người con của TP.HCM đến những ân nhân của thành phố - không chỉ là các y bác sĩ mà cả những doanh nhân, doanh nghiệp đồng hành đã dốc của dốc sức khi thành phố kêu gọi", phó chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ.
12h trưa 13-10, các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức hoàn thành nhiệm vụ mà họ đã tình nguyện lao vào để góp sức cứu những người dân TP.HCM. Chiều 13-10, các bệnh nhân còn lại tiếp tục được các y bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM chăm sóc. Cuộc chiến sinh tử vẫn tiếp tục.
Nhân viên y tế gấp rút bàn giao hệ thống cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân trước 12h trưa 13-10 - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhân viên y tế Bệnh viện Việt Đức thu dọn các máy thở dòng cao đã "thất nghiệp" để chuyển về Hà Nội - Ảnh: TỰ TRUNG
Đội ngũ nhân viên y tế Việt Đức bàn giao công việc và chào tạm biệt để rút về sau kỳ công tác đặc biệt - Ảnh: TỰ TRUNG
Ký kết bàn giao giữa Trung tâm hồi sức tích cực do Bệnh viện Việt Đức điều hành cho Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM với sự chứng kiến của Sở Y tế và lãnh đạo UBND TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Bác sĩ Lê Minh Khôi (trái), bác sĩ Lưu Quang Thùy (phải) - người tiếp nhận, người chia tay Trung tâm hồi sức tích cực (Bình Chánh) từ 12h ngày 13-10 - Ảnh: TỰ TRUNG
Sau khi bàn giao, Trung tâm hồi sức tích cực còn lại những bệnh nhân nhẹ (bên phải). Trước đây nơi này điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng (trái) - Ảnh: TỰ TRUNG
Các điều dưỡng Bệnh viện Việt Đức bàn giao công việc lại cho đồng nghiệp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM với dòng chữ yêu thương "Tạm biệt Sài Gòn" - Ảnh: TỰ TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận