Khách tham quan tại một góc triển lãm trong buổi khai mạc - Ảnh: L.Điền |
“Gốm Nam Bộ” là cụm từ chỉ chung cho các loại gốm sứ sản xuất tại vùng Xóm Lò Gốm của Sài Gòn xưa, cùng với các sản phẩm của các lò gốm ở Biên Hòa (Đồng Nai) và Lái Thiêu (Bình Dương) từ giữa thế kỷ 19 đến nay.
Triển lãm lần này tập trung vào nội dung “minh văn trên sản phẩm gốm”, với cách hiểu minh văn là những câu chữ được nghệ nhân/ nhà sản xuất in, khắc trên sản phẩm.
Những câu chữ này mang thông tin của sản phẩm, và trong nhiều trường hợp còn chứa đựng cả phong cách sản xuất, hoàn cảnh ra đời sản phẩm, thú chơi của người xưa...
Cũng có những sản phẩm gốm mang câu chữ có nội dung ghi lại những sự kiện đặc biệt, như trường hợp chiếc chậu men xanh trắng mang dòng chữ Hán “Nghĩa An học hiệu huệ tồn, Nam Phong kính tặng” cho thấy đây là chiếc chậu được lò Nam Phong (ở Sài Gòn) làm để tặng cho trường Nghĩa An, niên đại còn ghi là năm Bính Tý (1936?).
Hay chiếc bình hoa của lò Nam Phong có các chữ ghi nội dung “nghĩa mãi cứu tai, vị quốc tranh quang” được giới nghiên cứu đoán định đây là sản phẩm làm ra nhân dịp kêu gọi mọi người mua để ủng hộ cho một đợt cứu giúp đồng bào bị tai nạn (nghĩa mãi cứu tai) có tầm quốc gia (vị quốc tranh quang - thi đua vì nước).
Trong loạt sản phẩm này có hai sản phẩm gốm Nam bộ nhưng dùng điển tích và thơ Trung Quốc, đó là chiếc đôn dạng trống, men xanh trắng có viết 2 bài thơ, một bài là Xuân hiểu của Mạnh Hạo Nhiên, và bài cổ thi “Xuân du phương thảo địa”; và thứ hai là chiếc độc bình của lò Chấn Hoa (Sài Gòn) vẽ tích “Uyên Minh ái cúc”.
Đây là một trong những dấu chỉ cho thấy phong cách tập cổ và dụng điển trên các sản phẩm gốm Nam bộ thời xưa.
Ngoài ra còn có các cụm sản phẩm độc đáo như bộ sưu tập thố, bình, gạc bù lệch là sản phẩm của họa sĩ/ nghệ nhân Lâm Đào Xương; bộ thố, đĩa, ống giắt đũa gốm men nhiều màu vẽ đề tài con gà.
Và đặc biệt là bức tượng danh nhân Nguyễn Trãi bằng gốm Biên Hòa men nhiều màu với đường nét hoa văn và tạo hình thật sinh động.
Trong số các sản phẩm gốm Lái Thiêu tại triển lãm có chiếc chóe men xanh ngọc cao gần 1m với dòng chữ nổi “Hứa Trạch Tây liệt sĩ”, bên trên còn dòng chữ “tinh trung báo quốc”.
Chiếc chóe này của nhà sưu tập Nguyễn Thành Nhân (TP.HCM) sưu tập được cách nay 3 năm tại miền Tây Nam bộ. Ông Nhân cho rằng có thể đây là sản phẩm thuộc dòng gốm làm để tưởng niệm, ghi nhớ công lao những người có công hoặc được người thân ngưỡng vọng.
Triển lãm được chung tay tổ chức bởi CLB Gốm Lái Thiêu, Bảo tàng gốm sứ Hà Nội và các nhà sưu tập từ các tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vũng Tàu, TPHCM, Bình Dương, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Đồng Tháp..., kéo dài đến ngày 12-8.
Độc bình với tranh vẽ đề tài "Uyên Minh ái cúc", của nhà sưu tập Trần Trọng Khải - Ảnh: L.Điền |
Chiếc đôn dạng trống có hai bài thơ chữ Hán - Ảnh: L.Điền |
Chiếc chậu do lò Nam Phong làm tặng trường Nghĩa An, của nhà sưu tập Đỗ Kim Quyên - Ảnh: L.Điền |
Tượng Nguyễn Trãi bằng gốm Biên Hòa, của nhà sưu tập Đức Huy - Ảnh: L.Điền |
Bộ thố, dĩa vẽ đề tài con gà - Ảnh: L.Điền |
Cụm sản phẩm của họa sĩ, nghệ nhân Lâm Đào Xương - Ảnh: L.Điền |
Nhà sưu tập Nguyễn Thành Nhân bên chiếc chóe gốm Lái Thiêu đặc biệt - Ảnh: L.Điền |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận