Trung tâm phát sóng quốc tế (IBC) nơi 4 trọng tài làm việc - Ảnh: H.Đ.
Từ Moscow, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã đưa thắc mắc này lên FIFA và dưới đây là giải thích tường tận của ông Giovanni Marti - người đại diện truyền thông của FIFA:
Đầu não VAR ở Moscow
Ngoài các trọng tài và trợ lý trọng tài trên sân thì mỗi trận đấu ở World Cup còn có một đội ngũ trọng tài VAR ngồi trong phòng kỹ thuật. Đội ngũ này gồm trọng tài chính - trọng tài VAR và ba trợ lý trọng tài - AVAR1, AVAR2, AVAR3.
Chỗ ngồi của họ không phải trên sân, mà là trong Trung tâm phát sóng quốc tế (IBC) đặt tại Moscow. Toàn bộ dữ liệu, video về trận đấu trên khắp 11 thành phố sẽ chuyển về máy chủ ở đây.
Nhóm này được quyền truy cập vào toàn bộ các camera của ban tổ chức trên sân để xem lại những tình huống gây tranh cãi.
Đặc biệt ba AVAR không có quyền quyết định nào. Công việc của họ chỉ là xem lại các tình huống và góp ý cho trọng tài VAR, từ đó trọng tài VAR sẽ trao đổi với trọng tài chính trên sân.
Có VAR, quyết định cuối cùng vẫn của trọng tài
Thứ nhất, trọng tài chính trên sân cảm thấy cần thiết coi lại vì không chắc chắn về một tình huống nào đó. Khi đó trọng tài chính chủ động liên lạc với đội ngũ VAR thông qua bộ đàm.
Thứ hai, là do chính đội ngũ làm VAR đề xuất, cũng qua bộ đàm, rằng trọng tài chính nên coi lại tình huống. Có ba lựa chọn cho trọng tài chính lúc này: 1. Nghe lời VAR và lập tức đảo ngược quyết định. 2. Dừng trận đấu và đến màn hình dành riêng cho trọng tài chính đặt ở khu kỹ thuật trên sân, coi lại băng ghi hình. 3. Giữ nguyên quyết định ban đầu.
Điều này nghĩa là VAR nói chung cũng chỉ là một công nghệ hỗ trợ trọng tài có thể đưa ra quyết định chính xác hơn. Nếu bạn nghi ngờ tính trung thực của trọng tài, VAR vẫn chẳng thể thỏa mãn được điều gì. Bởi mọi quyết định vẫn nằm trong tay đội ngũ trọng tài.
Trung tâm phát sóng quốc tế - Ảnh: H.Đ.
VAR xem lại những tình huống nào?
Có bốn loại tình huống mà VAR có thể can thiệp vào:
1. Những tình huống liên quan, dẫn đến bàn thắng - gồm cả việt vị.
2. Những tình huống tranh cãi về việc có phạt đền hay không.
3. Những tình huống phạt thẻ đỏ trực tiếp.
4. Những nhầm lẫn khi phạt thẻ
Bên trong phòng VAR, các trọng tài làm việc thế nào?
Trọng tài VAR và ba AVAR sẽ xem 4 màn hình khác nhau trong phòng làm việc. Với trọng tài VAR, ông sẽ theo dõi màn hình chính và một màn hình chia thành 4 khung nhỏ.
AVAR1: Tập trung vào camera chính và thông báo về việc sử dụng VAR nếu xảy ra sự cố, hoặc đang xem xét một tình huống nào đó
AVAR2: Tập trung vào các tình huống việt vị
AVAR3: Tập trung vào nguồn cung cấp dữ liệu, hỗ trợ trọng tài VAR trong việc đánh giá các tình huống. Đảm bảo sự kết nối giữa trọng tài VAR và AVAR2
33 camera ở mỗi sân phục vụ VAR
Trên sân, có cả thảy 33 camera dành riêng cho đội ngũ VAR. Trong số này, có 8 camera chuyển động siêu chậm (super slow motion), 4 camera chuyển động cực kỳ chậm (ultra slow motion), 2 camera chuyên biệt cho các tình huống việt vị.
Khi bước vào giai đoạn đấu loại trực tiếp, 2 camera ultra slow motion sẽ được đặt phía sau khung thành. Chỉ những tình huống quan trọng liên quan đến bàn thắng hoặc phạm lỗi trong vòng cấm, trọng tài mới sử dụng đến các camera siêu chậm này.
Chỉ duy nhất một máy quay mà đội ngũ VAR không được truy cập vào nguồn dữ liệu video của FIFA đó là máy quay từ trực thăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận