Sau khi Tuổi Trẻ phản ánh, Đồn biên phòng Long Bình (H.An Phú, An Giang) bắt giữ vụ buôn lậu hơn 10 tấn đường cát - Ảnh: BỬU ĐẤU
Mời bạn đọc nghe chia sẻ của họ khi nhận giải thưởng "" tháng 8-2018.
Để bớt đi những cái chết đau lòng
Ở mục Tác phẩm báo chí, giải thưởng "Làm báo cùng Tuổi Trẻ" tháng 8-2018 được trao cho ông Trần Kiêm Hạ - tác giả bài báo "Hãy để đau thương phải dừng lại" (Tuổi Trẻ ngày 2-8-2018).
Là một tài xế có thâm niên, ông Hạ cho biết ngay sau vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở Quảng Nam khiến 13 người chết, ông viết bài báo nói trên gửi đến Tuổi Trẻ để chia sẻ về những kỹ năng của người cầm lái và cách lường trước nguy hiểm để có ứng phó kịp thời.
"Hầu hết các vụ TNGT đều do chính tài xế gây ra. Người lái xe phải biết được phương tiện mà mình điều khiển có tốt hay không, đường sá không tốt, thời tiết nguy hiểm thì đừng đi.
Có những tài xế còn vừa nghe điện thoại vừa qua đường ngang. Lái xe như vậy không khác gì đánh đổi tính mạng của mình và người ngồi trên xe" - ông Hạ nhìn nhận.
Trong 30 năm hành nghề lái xe, ông Hạ đã chứng kiến rất nhiều vụ TNGT và bản thân ông cũng không ít lần cứu người bị nạn nên ông hiểu nỗi đau, nỗi mất mát do TNGT gây ra không có gì bù đắp nổi.
Ông chia sẻ là tài xế nên ông có thể lường trước mọi tình huống nguy hiểm. Như trong lần đi xe khách về quê, ông đã cảnh báo tài xế nếu cứ tiếp tục phóng nhanh, vượt ẩu như thế sẽ bị tai nạn.
"Khi tôi nói vậy, những người ngồi bên cạnh tôi đều phản ứng vì cho rằng tôi nói chuyện xui xẻo. Nhưng chuyện gì đến sẽ đến.
Khi xe lao xuống dốc, tôi đã kịp thời nắm chắc lưng ghế phía trước nên không bị thương, còn những người khác đều bị thương, không nhẹ thì nặng. Chiếc xe đạp của tôi thì đang từ trên nóc xe đã phi lên tận ngọn cây" - ông Hạ nhớ lại.
Là tài xế có khả năng viết lách, ông Hạ đã nhiều lần viết bài chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng lái xe an toàn. Dịp này, một lần nữa ông chia sẻ:
"Kỹ năng phát hiện nguồn nguy hiểm có thể xảy ra trước đầu xe mình là điều tối cần cho người cầm lái. Và điều quan trọng nhất vẫn là mỗi tài xế trước hết phải biết yêu bản thân, có trách nhiệm với gia đình, với hành khách thì mới mong bớt đi những cái chết đau lòng do TNGT".
Nói lên sự thật giúp bà con
Đó là chia sẻ của ông N.V.T., cán bộ xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang, khi nhận giải thưởng "Làm báo cùng Tuổi Trẻ". Ông T. là người cung cấp tư liệu và hỗ trợ Tuổi Trẻ hai đêm liên tục để quay phim, chụp hình nhóm buôn lậu đường cát từ bên kia biên giới Campuchia vận chuyển đường lậu vào các kho đường phèn ven biên giới để phóng viên có bài viết "".
"Tôi cộng tác với Tuổi Trẻ là vì lợi ích của bà con. Người dân địa phương mất ăn mất ngủ do xe chở đường lậu chạy suốt đêm. Bà con cũng sản xuất, trồng trọt không được vì nguồn nước từ các lò đường phèn này thải ra. Nhờ báo Tuổi Trẻ phản ánh mà hiện nay tình trạng này đã giảm" - ông T. nói.
Sau bài viết nói trên, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại (BCĐ 389) tỉnh An Giang đã có buổi họp báo khẩn và thành lập đoàn kiểm tra lên tận biên giới Vĩnh Xương kiểm tra tình hình thực tế.
Sau đó, BCĐ 389 các địa phương liên tục bắt giữ nhiều vụ đường cát nhập lậu qua biên giới của An Giang.
Tin Tuổi Trẻ cứu được Cẩm
Đến thời điểm này, anh Trương Văn Hoài, chủ tịch xã Triệu Nguyên, H.Đakrông, Quảng Trị, vẫn chưa hết xúc động với những gì diễn ra sau tin nhắn của anh và bài viết ""Cõng mẹ" lên giảng đường" (Tuổi Trẻ ngày 25-8).
Anh Hoài là người nhắn tin tới báo Tuổi Trẻ nhờ cứu giúp em Mai Lê Hiền Cẩm, tân sinh viên Trường đại học Y dược Huế.
Anh Hoài kể: "Hoàn cảnh gia đình Cẩm tôi hiểu rõ. Khi Cẩm đi thi đại học thì mẹ Cẩm đã kiệt quệ vì căn bệnh tiểu đường và suy thận giai đoạn cuối. Dù đậu đại học nhưng con đường trước mắt Cẩm quá mù mịt.
Tôi nhớ ra là có chương trình học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ nên nhắn tin cho Tuổi Trẻ. Tôi tin chỉ có Tuổi Trẻ mới cứu được Cẩm lúc này".
Anh Hoài kể sau hôm câu chuyện về Cẩm được đăng trên báo Tuổi Trẻ, suốt mấy đêm liền anh không ngủ được vì quá vui mừng cho em.
"Thông qua Tuổi Trẻ, câu chuyện về Cẩm lan tỏa rất nhanh trong cộng đồng. Chỉ một vài giờ sau khi báo đăng, rất nhiều người từ khắp mọi miền đất nước đã gọi đến xã hỏi về trường hợp của Cẩm. Nhiều cánh tay đã dang ra để trợ giúp Cẩm" - anh Hoài kể.
Anh Hoài cũng thông tin thêm là cách đây hai tuần Cẩm đã về nhà đưa mẹ vô Huế sau khi xin được ca chạy thận cho mẹ ở đó. Cẩm thuê phòng trọ ở cùng mẹ, vừa đi học vừa chăm mẹ.
Trao thưởng cho đại úy báo tin giải cứu 12 ngư dân
Chiều 24-9, phóng viên Tuổi Trẻ thường trú tại Kiên Giang đã trao giải thưởng "Làm báo cùng Tuổi Trẻ" với số tiền 1 triệu đồng cho đại úy Nguyễn Tiến Vinh, công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh này.
Trước đó, đại úy Nguyễn Tiến Vinh đã kịp thời thông tin sự việc lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang giải cứu 12 ngư dân bị ép đi tàu đánh cá để trừ nợ.
Theo đại úy Vinh, những năm gần đây tình hình an ninh trật tự trên biển ngày càng phức tạp. Nổi lên trong đó là nạn buôn lậu xăng dầu, hàng hóa và gần đây là nạn cưỡng ép lao động đi biển làm việc cực nhọc.
K.NAM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận