Phóng to |
Bìa CD Cung Tiến Art Songs |
TT - Đêm 17-5, tại thị xã Wallisellen (Thụy Sĩ), ban tam tấu Zurich (OrchesTrio) và Camille Huyền trình diễn một số nhạc phẩm, trong đó có những ca khúc đã được thu thanh trong CD Cung Tiến Art Songs. <?xml:namespace prefix = o />
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Đây là buổi biểu diễn khởi đầu trước khi ban nhạc lên đường sang VN tham dự Festival Huế 2008. Vậy là hành trình về quê hương của Cung Tiến Art Songs đã khởi đầu thuận lợi.
Còn nhớ mùa xuân năm ngoái, trong buổi gặp gỡ với các văn nghệ sĩ trí thức Huế tại “Bến Xuân” - một địa chỉ văn hóa đang hình thành phía trên chùa Thiên Mụ, lần đầu tôi được nghe Camille Huyền (còn gọi là Cẩm Hồng) - cựu nữ sinh Đồng Khánh, Huế - hát bài Đôi bờ của Cung Tiến, lời thơ Quang Dũng: “Thương nhớ ơ hờ… thương nhớ ai/Sông xa từng lớp lớp mưa dài... Xa lắc rồi em người mỗi ngả/Bên này đất nước nhớ thương nhau...”. Một giọng điệu lạ, dịu dàng mà ma mị hút hồn người nghe.
Trong lời tựa cho CD này, Cẩm Hồng kể lại duyên may hình thành nên Cung Tiến Art Songs: “Venice, năm 2004, tình cờ Camille nắm trên tay tập nhạc Cung Tiến... rồi tập hát mỗi đêm từng nốt với cây đàn guitar trong suốt một năm trời. Càng ngày càng đam mê trước ý tưởng sâu - sang - đẹp của những bài thơ, trước tài nghệ phi thường của anh Cung Tiến. Từng dấu thăng đầy sức sống, hi vọng và những dấu giáng thê lương, ảm đạm, hiu hắt đều có linh hồn...”. Và duyên may cô được thầy Walther Giger (trưởng ban tam tấu Zurich) nhận làm học trò, nhưng việc cô nhờ thầy soạn hòa âm thì phải một năm sau thầy mới đồng ý.
Chắc thầy muốn biết Camille có thật đam mê để dấn thân... để hiểu và rung động. Thầy bảo: “Tôi sẽ soạn phù hợp với tính tình của cô học trò”. Hèn chi thỉnh thoảng sau giờ học, Camille được thầy mời đi uống nước để nghe kể chuyện gió trăng mưa nắng ở tuốt ngoài xứ Huế xa lắc... Đôi khi thầy bảo: “Tiếng hát của Camille là ảo là mây và tiếng đàn của tôi là trần thế” hay: “Tiếng hát là tình cảm kín đáo của phương Đông và tiếng đàn của tôi là sự xáo động phản kháng của phương Tây”…
Duyên may nữa, Cẩm Hồng có chồng là anh Trương Đình Ngộ - một người quê Quảng Trị, du học tại Đức từ 35 năm trước, hiện là giám đốc và là chuyên viên hàng đầu bộ phận chứng khoán derivative ngân hàng lớn nhất ở Thụy Sĩ - nhưng lại mê Cung Tiến và rất yêu các hoạt động văn học nghệ thuật, nên mới đủ sức theo đuổi việc làm CD Cung Tiến và đưa nhạc Cung Tiến cùng ban tam tấu Zurich về dự Festival Huế 2008.
Trò chuyện với anh Ngộ bên sông Hương trong dịp anh đưa CD Cung Tiến Art Songs vừa thực hiện tại Thụy Sĩ về Huế, anh hào hứng nói: “Mình thấy trong nhạc anh Cung Tiến đậm chất cổ điển, bác học. Tiếng Việt quê hương được chuyên chở một cách tài tình bằng giai điệu phương Tây. Để viết hòa âm, thầy Walther Giger đã bỏ gần một năm nghiền ngẫm những bài hát của Cung Tiến. Một sự kết hợp rất thú vị: hòa âm được viết dựa trên nhạc ngũ cung phương Đông, trong khi nhạc lời phương Đông lại viết theo nhạc thất cung phương Tây”. Anh Ngộ dừng lời. Ngôn ngữ dành không gian yên lặng cho Hương xưa:“Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa?/Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò/Còn đó tiếng tre êm ru/Còn đó bóng đa hẹn hò...”.
Nếu không có gì trục trặc vào phút chót, trước khi vào Huế trình diễn hai tối 5 và 8-6 tại nhà hát Duyệt Thị Đường trong Đại Nội Huế, ban tam tấu Zurich và Camille Huyền sẽ phục vụ người yêu âm nhạc Hà Nội đêm 31-5 và sau đó tại Hội An đêm 13-6, TP.HCM đêm 17-6.
Nhạc sĩ Cung Tiến không kịp sắp xếp để về thăm quê hương trong dịp này theo lời mời của Học viện Âm nhạc Huế. Dù sao, sau bao nhiêu cách trở, tiếng hát của anh được bay dọc theo đất nước là một tín hiệu thật vui, có thể xem là món quà của những “fan” mê Cung Tiến mừng thọ người nhạc sĩ tài danh tròn 70 tuổi.
Nguyễn Khắc Phê
Phóng toNhạc sĩ Cung Tiến Nhạc sĩ Cung Tiến, tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh ngày 27-11-1938 tại Hà Nội. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, chuyên viên kinh tế tiểu bang Minnesota, từng làm việc trong ban giám đốc diễn đàn các nhà soạn nhạc Mỹ (1992-1999). Tác phẩm âm nhạc: Thu vàng, Hương xưa, Hoài cảm, Hoàng hạc lâu, Vang vang trời vào xuân, Lệ đá xanh, Kẻ ở, Mắt biếc, Đôi bờ, Nguyệt cầm, Khói hồ bay, Thuở làm thơ yêu em, Vết chim bay, Tổ khúc Bắc Ninh soạn cho dàn giao hưởng…
Nhạc Cung Tiến đã được trình diễn và ghi âm ở VN, Mỹ, Pháp, Đức, Úc. Như vở Ballad of an Warriors Wife đã được nhiều dàn nhạc giao hưởng của nhiều nước trình diễn.
Đặc biệt, thị trưởng Houston đã công bố ngày 2-10-1993 là "Ngày Cung Tiến", như là món quà tặng của thành phố cho người nhạc sĩ đã có những đóng góp vô giá cho nền âm nhạc VN (nguyên bản tiếng Anh: "…composers invaluable contribution to Vietnamese music").
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận