07/05/2011 06:17 GMT+7

"Cùng sào" mới vào khối C

T.HÀ - M.GIẢNG
T.HÀ - M.GIẢNG

TT - Thí sinh dự thi ĐH, CĐ chọn khối C nói riêng và khoa học xã hội nói chung ngày càng thưa vắng dần, đa số đến từ các tỉnh.

4afyOo6d.jpgPhóng to
Ngày càng ít học sinh các thành phố lớn chọn khối C. Trong ảnh: thí sinh dự thi khối C trong kỳ tuyển sinh năm 2010 vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM)- Ảnh: Như Hùng

Trên địa bàn Hà Nội, nơi tập trung nhiều các trường ĐH tuyển sinh khối C và đều là những trường lớn, tên tuổi, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) khối C của Hà Nội năm nay đã ít nhất so với các khối khác, lại còn giảm mạnh so với năm 2010. Sở GD-ĐT Hà Nội thu được tổng số 165.502 hồ sơ ĐKDT, tăng gần 4% so với năm trước. Trong đó, số hồ sơ ĐKDT vào khối C chỉ có 7.343 hồ sơ, chiếm 4,44%, còn thấp hơn so với tỉ lệ 5,2% của năm 2010. Tình hình này đã được dự báo trước khi có con số tổng kết khi Trường THPT Việt Đức, một trường nằm ở trung tâm TP Hà Nội, trong tổng số hơn 2.200 hồ sơ ĐKDT chỉ có vỏn vẹn... ba hồ sơ ĐKDT khối C.

Chỉ 1,4%

Đặc biệt, lượng hồ sơ ĐKDT khối C tại TP.HCM chỉ chiếm khoảng 1,4% trong tổng số 151.000 hồ sơ. Tại Đà Nẵng, dù số hồ sơ khối C tương đối hơn trong tương quan với các khối còn lại nhưng cũng chỉ chiếm chưa tới 4% tổng số hồ sơ.

Theo ông Trần Quốc Gia - trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Thái Bình), qua thực tế nộp hồ sơ của thí sinh năm nay và một vài năm gần đây cho thấy ĐKDT khối C hầu hết chỉ có nữ thí sinh, chủ yếu là HS các trường THPT ở những địa bàn nông thôn không có nhiều điều kiện ôn luyện thi ĐH. Tương tự, ông Bùi Đình Phúc (Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa) và một số cán bộ tuyển sinh của các sở GD-ĐT Bắc Giang, Ninh Bình, Nam Định... cũng đều có chung nhận xét: “Chịu ĐKDT khối C bây giờ chỉ có những thí sinh ít có điều kiện đi luyện thi ĐH vì các em cho rằng thi khối C chủ yếu là học thuộc lòng, có thể tự học qua sách giáo khoa, tài liệu ôn thi...”.

Thống kê ở các sở cho thấy ngay cả thí sinh ban xã hội, thí sinh chuyên văn cũng chọn thi khối D nhiều hơn khối C. Hồ sơ ĐKDT khối C của nhiều tỉnh là từ các trường THPT vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn... Qua công tác tư vấn tuyển sinh cho học sinh nhiều năm, ông Đặng Định Đại, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, cho biết năm nào trong số hơn 2.000 hồ sơ của trường cũng chỉ có dưới 10 hồ sơ ĐKDT khối C, chủ yếu là của những em đã đi dự thi học sinh giỏi các môn văn, sử, địa. Có những thí sinh ban đầu định dự thi khối C nhưng gia đình lại hướng đi thi khối D hoặc A.

Cán bộ đào tạo của một trường sư phạm nhận xét: “Trước đây có câu “chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nhờ có các chính sách thúc đẩy, tình trạng này đã thay đổi được dăm bảy năm. Nay quay lại xu thế chạy cùng sào mới vào khối C”.

Giảm dần đều

Số liệu từ các trường ĐH trong những mùa tuyển sinh gần đây cho thấy rõ sự phân hóa trong thí sinh ĐKDT. TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), cho biết những kỳ tuyển sinh gần đây, lượng hồ sơ ĐKDT của học sinh TP.HCM chiếm khoảng 1/4 tổng số hồ sơ vào trường. Tuy nhiên khối thi chủ yếu là D trong khi lượng hồ sơ khối C rất ít. Phần vì cơ cấu ngành nghề khối C tương đối hẹp, ít có sự lựa chọn. Những ngành khối C điểm cao học sinh nhắm không đủ khả năng vào, trong khi những ngành điểm thấp thí sinh lại không thích. Hơn nữa một ngành tuyển nhiều khối nên khối C cũng ít được lựa chọn hơn.

Tương tự, ThS Nguyễn Thanh Tùng - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM - cho biết hồ sơ xét tuyển của thí sinh TP.HCM vào trường tập trung vào các ngành nghệ thuật (khối năng khiếu) và du lịch, trong khi nhiều ngành khác hầu như không có. Tuy nhiên lượng hồ sơ này cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số hồ sơ nộp vào trường. Hầu hết hồ sơ đến từ các tỉnh.

Đánh giá về sự chênh lệch hồ sơ khối C giữa các thành phố và địa phương, cán bộ quản lý đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng học sinh ở các thành phố có điều kiện học tập tốt hơn, đồng đều các môn hơn nên việc lựa chọn khối thi rộng hơn. Trong khi đó rất nhiều học sinh ở các tỉnh ĐKDT khối C vì không đủ khả năng dự thi các khối còn lại. Do việc lựa chọn như thế nên rất nhiều thí sinh học khá yếu, điểm thi tuyển rất thấp. Trong khi đó, PGS Văn Như Cương - hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - cho rằng thường học sinh ở tỉnh có tâm lý ngại không "địch" lại học sinh thành phố ở các khối thi khác (do học sinh thành phố có điều kiện học tốt hơn) nên chọn khối C. Trong khi học sinh thành phố có điều kiện học tập tốt hơn nên việc chọn khối thi nhiều hơn, chọn ngành có đầu ra rộng hơn nên ít chọn khối C do đầu ra khá hẹp. Từ nhiều năm nay, Trường THPT Lương Thế Vinh tuyệt đối không có hồ sơ nào ĐKDT khối C.

Xã hội đang quay lưng

Ông Bùi Đình Phúc, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Thanh Hóa), cho biết: “Nếu tách riêng khối C ra để so sánh thì thấy tỉ lệ hồ sơ năm sau giảm so với năm trước”. Ông dẫn chứng năm 2009, tỉ lệ hồ sơ ĐKDT khối C của Thanh Hóa chiếm 12,7%, năm 2010 giảm còn 9,2%, năm nay xuống 8,3%... Tương tự, Nam Định cũng có số lượng hồ sơ khối C giảm đều ba năm liền, vốn đã ít ỏi, năm sau lại còn thấp hơn năm trước vài trăm bộ...

Theo cán bộ tuyển sinh của một số sở GD-ĐT và phòng đào tạo các trường ĐH tuyển sinh khối C, tình trạng đó là nghiêm trọng và đáng lo hơn việc sụt giảm đột biến của một năm. Vì nó cho thấy xu thế thí sinh, xã hội đang ngày càng quay lưng lại với khối C và các ngành khoa học xã hội và nhân văn, sư phạm...

T.HÀ - M.GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên