01/08/2019 06:43 GMT+7

Cùng NASA nghiên cứu Việt Nam từ vũ trụ

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Nhiều người cho rằng khoa học vũ trụ là chuyện xa xôi liên quan đến sao Hỏa hay Mặt trăng nhưng trên thực tế, nó liên quan rất mật thiết đến các hoạt động hằng ngày của con người.

Cùng NASA nghiên cứu Việt Nam từ vũ trụ - Ảnh 1.

Vệ tinh MicroDragon, vệ tinh đầu tiên do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, chế tạo, được phóng vào vũ trụ tháng 1-2019 nhờ sự hỗ trợ của Nhật Bản - Ảnh: Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA)

Chúng tôi cho rằng dữ liệu thu thập từ các vệ tinh là một trong những dữ liệu đầu vào quan trọng giúp các cơ quan quản lý ở Việt Nam ra quyết định trong nhiều vấn đề.

PGS.TS Lê Trung Chơn

Những vấn đề như đất, nước, không khí, thông tin liên lạc, môi trường và nên mua nhà ở đâu để tránh ngập hay ô nhiễm cũng liên quan đến khoa học vũ trụ, cụ thể là dữ liệu vệ tinh viễn thám.

Đầu tư 1, lợi ích 4

Dù chi phí không rẻ nhưng nhiều nước vẫn quyết tâm đầu tư mạnh vào khoa học vũ trụ, điển hình là châu Âu và Mỹ. Năm 2014, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) thuê tư vấn đánh giá về tác động xã hội chương trình vệ tinh Ariane 5 ở châu Âu cho thấy 1 euro đầu tư mang về 4 euro lợi ích cho xã hội.

Mỹ và Pháp là hai nước đứng đầu thế giới về đầu tư cho các hoạt động vũ trụ dân sự với ngân sách hằng năm theo đầu người là 50 và 35 euro (báo cáo của Cơ quan Vũ trụ Pháp).

Trên toàn thế giới, việc đầu tư vào các vệ tinh thông tin đã góp phần mang lại cuộc cách mạng về công nghệ thông tin. Từ năm 2005 đến 2017, số người sử dụng Internet trên toàn cầu từ 1 tỉ lên 3,5 tỉ người. Khoa học vũ trụ giúp loài người hiểu hơn về Trái đất.

NASA và Việt Nam đã có ý định hợp tác từ năm 2012 và đến năm 2016, hai bên cùng nhau thực hiện một số nghiên cứu chung trong các lĩnh vực liên quan đến dự báo khô hạn, sạt lở đất, đô thị hóa, môi trường sinh thái, biến động rừng, đất đai, lưu lượng nước trên các con sông lớn... tại Việt Nam và khu vực.

Về quan hệ hợp tác cho giai đoạn sắp tới, phía Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ chủ động thiết kế các dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ và mời các nhà khoa học quốc tế cùng tham gia. Theo thời gian, Việt Nam sẽ không chỉ cung cấp dữ liệu và kiểm chứng thực địa mà còn chủ động chia sẻ hợp tác về thông tin dữ liệu.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, PGS.TS Lê Trung Chơn - giảng viên khoa kỹ thuật địa chất và dầu khí Trường đại học Bách khoa TP.HCM - cho biết hiện có 67 thành viên của 31 trường, cơ quan nghiên cứu của Việt Nam và quốc tế tham gia trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và NASA giai đoạn 2018 - 2021 với chủ đề "Thực trạng sử dụng đất, thay đổi và những tác động tại Việt Nam, Campuchia và Lào".

5.000

Vào năm 2019, có gần 5.000 vệ tinh các loại bay quanh Trái đất làm các nhiệm vụ quan sát khác nhau liên tục gửi dữ liệu về cho các nhà khoa học.

Chống ô nhiễm không khí nhờ vệ tinh

Hãy xem ví dụ về sự quan sát của vệ tinh với tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Vệ tinh sẽ đo tổng lượng formaldehyde (công thức hóa học là HCHO), một hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, có thể gây ung thư, từ bề mặt Trái đất đến không gian theo dạng cột dọc.

Nơi nào nhiều formaldehyde sẽ được thể hiện bằng mã màu đỏ. Theo đó, vào một số giai đoạn, Hà Nội được thể hiện bằng màu này vì không khí ô nhiễm báo động.

Tuy nhiên, làm sao chúng ta biết lượng formaldehyde vệ tinh ghi nhận ở Hà Nội là ở gần mặt đất và có trong không khí chúng ta hít thở? Các nhà khoa học nhìn vào những ngọn núi quanh thủ đô. Họ thấy rằng phía sau các ngọn núi không có formaldehyde. Chiều cao của đỉnh Hoàng Liên Sơn là hơn 3.000m, như vậy lượng formaldehyde nằm dưới độ cao này.

Thông tin này sẽ rất hữu ích cho các nhà quản lý, giúp họ đề ra các bước đi tiếp theo trong mục tiêu chống lại ô nhiễm không khí như xác định nguồn gây ô nhiễm và mức độ phát thải của mỗi loại để có giải pháp.

Kết hợp với dữ liệu mặt đất, thông tin từ vệ tinh còn hữu dụng trong công tác nghiên cứu về sụt lún đất. Dự án cụ thể thực hiện ở Trà Vinh cho thấy: "Trong giai đoạn 2015 đến 2019, tại thành phố Trà Vinh có những vị trí có tốc độ lún hằng năm vào khoảng 1cm, trong khi đó khu vực xã Dân Thành, huyện Duyên Hải có những nơi có tốc độ lún lên đến 3cm/năm. 

Một trong những nguyên nhân làm cho việc sụt lún đất với tốc độ nhanh như vậy là do việc khai thác nước ngầm quá mức cho phép tại các khu vực trên, đặc biệt là ở xã Dân Thành".

Tuy nhiên, thông tin và hình ảnh từ vệ tinh đôi lúc cũng cần phải kiểm chứng từ nhiều nguồn khác để có kết quả chính xác nhất. Ví dụ, từ ảnh vệ tinh chụp Trái đất ban đêm, các nhà khoa học thấy một số mùa trong năm, Long An và Bình Thuận sáng đèn hơn cả TP.HCM, đô thị có hơn 9 triệu dân.

Khu vực đô thị (sáng rực về đêm) tương đương với chỉ số tiêu thụ điện cao từ các hộ dân. Nếu chỉ dựa vào hình ảnh, Long An và Bình Thuận sẽ được tính là vùng đô thị. Tuy nhiên, kiểm chứng mặt đất cho thấy người dân ở hai nơi này dùng ánh sáng đèn điện để làm thanh long ra hoa kết trái nghịch mùa. 

Nếu Long An và Bình Thuận bị tính là đô thị và bị tính chỉ số phát thải cao, điều này không đúng với thực tế và có thể thiệt thòi cho Việt Nam trong cam kết về giảm phát thải với quốc tế.

Tàu NASA thăm dò sự sống trên mặt trăng sao Thổ

TTO - Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ đưa máy bay không người lái có tên Dragonfly lên mặt trăng lớn nhất của sao Thổ với hi vọng thăm dò sự sống và tìm manh mối về nguồn gốc loài người.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên