Đó là PGS.TS Trần Hữu Tá, người đã khai sinh lễ trưởng thành và tri ân cho các học sinh tuổi 18; thầy Cao Huy Thảo, nguyên hiệu trưởng Trường quốc tế công lập Việt - Úc; tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang; bạn Lưu Vĩnh Trinh, 18 tuổi, người đoạt giải nhất “Thực hiện ước mơ 2014”, giải ba “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” và chị Nguyễn Thị Hạnh, mẹ của Trinh.
Giáo dục không làm tốt vai trò, tuổi 18 cũng chẳng làm được gì |
Thầy TRẦN HỮU TÁ |
Có nhiều tuổi 18
Nhà báo Huy Thọ đặt vấn đề: “Tuổi 18 được coi là tuổi đã trưởng thành, nhưng bao năm qua hình ảnh “những cô cậu bé tuổi 18” được cha mẹ và cả xã hội chăm chút trong kỳ thi đại học vẫn chưa thay đổi mà ngày càng bé hơn, đặt ra một vấn đề không hề nhỏ cho xã hội và đất nước. Cách nào để chúng ta có một thế hệ tuổi 18 trưởng thành hơn?”. Ý kiến đầu tiên được nhường cho cô bạn tuổi 18.
- Lưu Vĩnh Trinh: Tôi có những người bạn rất trưởng thành, đã có thể vừa học vừa làm để có cuộc sống tự lập. Tôi cũng có những bạn được gia đình bảo bọc thái quá, cha mẹ đến tận lớp học thêm để đút ăn, lau mặt... dù bạn là con trai. Vậy nên tôi nghĩ tuổi 18 có trưởng thành hay không là tùy vào chính bạn và phụ thuộc ít nhiều vào cha mẹ bạn. Có lẽ ở tuổi này, cha mẹ muốn chăm sóc hơn cho con trước khi con vào đời.
Năm ngoái, khi may mắn đạt được một học bổng ở Úc trong năm tuần, tôi thấy các em học sinh ở đó học lớp 1, 2 đã tự đi xe buýt đến trường, rất khác với chúng tôi. Tôi nghĩ cha mẹ nên lỏng dần vòng tay từ khi còn nhỏ để chúng tôi trưởng thành và vào đời. Ngược lại, ở phương diện con cái cũng cần có trách nhiệm với gia đình, bản thân để được tin tưởng.
- Chị Nguyễn Thị Hạnh: Năm rồi Trinh được học bổng đi Úc, gia đình rất mừng nhưng đến ngày đi thì lại quá lo vì con chưa từng xa gia đình. Qua năm tuần, khi về nhà con đã trưởng thành hẳn. Tôi nhận ra: khi mình dám buông tay, con sẽ tự lớn lên.
Ngày xưa nhà nghèo đông con, chúng tôi tự đi học, tự đi chơi, tự đi lĩnh thưởng và vì vậy trưởng thành từ rất sớm. Ngày nay con cái được cha mẹ chăm chút hơn, lại thành mãi thơ bé. Có phần lỗi của cha mẹ, nhưng cũng có phần do xã hội ngày nay phức tạp, nhiều nguy cơ hơn xưa.
- PGS.TS Trần Hữu Tá: 50 năm trước, tôi đưa các sinh viên tuổi 17, 18 đi học, sơ tán ở các vùng quê, ở trong nhà dân, tự lực trong mọi sinh hoạt, tăng gia sản xuất, học cách ứng xử, giữ gìn bản thân, nhân cách, phẩm giá... Các em rất tháo vát, tự lập, đến khi tốt nghiệp đều xung phong “tam bất kỳ”: đi bất kỳ nơi đâu, nhận bất kỳ việc gì...
Ở phương Tây, thanh niên 18 tuổi đã tự xách vali ra khỏi nhà sống một đời độc lập, tự chủ. Muốn được như thế, trẻ em đã được tập phong cách tự lập, linh hoạt, dạn dĩ từ năm, sáu tuổi bằng việc cha mẹ dần lùi về phía sau không làm thay con mọi thứ, bằng việc đi làm những việc vừa sức vài buổi một tuần...
Sự trưởng thành của tuổi 18 phải được chuẩn bị từ cả bốn bên: gia đình - nhà trường - xã hội - bản thân.
- Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang: Tôi nhớ khi tôi bốn, năm tuổi cha mẹ không đưa đến trường mẫu giáo được, tôi chạy theo cô hàng xóm đến năm tuổi thì tự đi. Sau này tự đi học, đi thi, đi chơi, tự xin việc, đi làm... Tôi tự hào nói rằng tôi đã có điều kiện để tự phấn đấu, trưởng thành. Công việc giảng dạy cho tôi tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ. Có em tuổi 14 đã biết phát biểu sau khi nghe thảo luận: “Con đã hiểu rằng mình làm việc không chỉ cho mình mà cho xã hội, cho đất nước”. Lại có những sinh viên sau buổi học chỉ đọc truyện Conan, Bảy viên ngọc rồng hay đánh bài. Có kỳ dạy kỹ năng mềm ở ngoại tỉnh, mẹ học sinh thuê xe đi theo chăm sóc, bảo vệ con...
Thế hệ nào cũng có những em trưởng thành hơn các bạn, và sự khác biệt đó là do sự lựa chọn, giáo dục của cha mẹ. Ngày nay có nhiều cha mẹ nghĩ rằng con sẽ trưởng thành hơn thông qua những kịch bản như học kỳ quân đội, học làm nông dân... Nhưng các em chỉ có thể trưởng thành trong những thử thách của chính cuộc đời mình. 18 tuổi là lớn và là bắt đầu sự trưởng thành. Từ khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy dành thời gian để dạy con những gì cần cho cả cuộc đời.
Chạy theo điểm số, thành tích... sẽ không thể có nền giáo dục nhân bản để chúng ta có một tuổi 18 trưởng thành |
Ông CAO HUY THẢO |
Người lớn cũng cần học trưởng thành
- Thầy Cao Huy Thảo: 18 tuổi là cái mốc mà con người từ bỏ thời thơ ấu, bắt đầu rời bỏ cánh cửa gia đình bước vào cuộc đời nhiều chiều hơn, xây dựng cuộc đời và chuẩn bị cho thế hệ sau. Nhưng các phụ huynh thường cho rằng con không có đủ kinh nghiệm nên cha mẹ sẽ quyết định. Hãy cho phép con thử thách để có kinh nghiệm, trải nghiệm để có kinh nghiệm. Kinh nghiệm của cha mẹ sẽ khác với kinh nghiệm của con cái. Kinh nghiệm các bạn trẻ cần là kinh nghiệm toàn cầu. Không gì tốt hơn tuổi trẻ để trải nghiệm. Đừng lấy kinh nghiệm của chúng ta để đè lên tuổi trẻ, lấy mình làm khuôn mẫu. Người lớn hãy lắng nghe thế hệ trẻ, lập lại văn hóa nghe - nói trong gia đình, nhà trường. Phải thay đổi triết lý giáo dục trên diện rộng.
- TS Lê Thị Linh Trang: Liên Hiệp Quốc nhận xét VN phát triển nhanh, mạnh nhưng không bền vững. Kỹ năng mà sinh viên VN bị đánh giá kém nhất là giao tiếp và ứng xử phù hợp với công việc.
Tôi cho rằng mỗi người, với công việc của mình, đều sẽ làm được việc gì đó để góp phần vào sự trưởng thành này, cho con em mình, cho một thế hệ trẻ. Một hòn sỏi ném xuống nước sẽ có những gợn sóng. Mỗi phụ huynh, ngay hôm nay, hãy thay đổi, hãy sửa đổi chính bản thân mình, cách nhìn, cách nghĩ, cách cư xử với thế hệ trẻ. Hãy xóa bỏ định kiến, áp đặt với con.
Và giải pháp quan trọng nhất nằm ngay trong các cô cậu tuổi 18, trong những đứa trẻ sẽ có tuổi 18. Chúng ta hãy cùng khẳng định với các bạn trẻ: Các bạn đã lớn, đang bắt đầu một sự trưởng thành cho bản thân và xã hội. Các bạn không thể dừng lại ở những suy nghĩ: ăn gì, mặc gì, xem phim gì, diễn viên nào hot... Bạn chính là chủ của sự trưởng thành và phải có trách nhiệm với sự trưởng thành đó.
- Lưu Vĩnh Trinh: Người lớn nên tin ở chúng tôi. Khi chúng tôi tự nói lên suy nghĩ của mình ở gia đình, trong lớp học, ngoài xã hội và được lắng nghe, được phân tích, chúng tôi mới có thể trưởng thành. Năm nay, kỳ thi quốc gia cho phép thí sinh tự chọn môn thi nhưng có nhiều gia đình lại can thiệp, ép buộc, lựa chọn giúp khiến nhiều bạn bị rơi vào khủng hoảng. Điều đó rất không nên. Ở nước ngoài, lên cấp III học sinh có quyền lựa chọn môn học, tự định hướng nghề nghiệp... Việc học dàn trải mười mấy môn suốt 12 năm học thật sự không cần thiết, khiến học sinh thiếu thời gian trang bị các kỹ năng sống tối cần thiết khác cho sự trưởng thành.
Tất nhiên, bản thân chúng tôi cũng phải biết tiết chế để không lạm dụng lòng tin của người lớn, phải lắng nghe những lý lẽ đúng sai để tự rút ra quyết định của mình.
- Thầy Trần Hữu Tá: Tôi rất đồng ý. Người lớn phải tin vào lớp trẻ và cũng phải tự lớn lên để lớp trẻ tin mình.
Muốn con 18 tuổi trưởng thành phải có sự chuẩn bị suốt mười mấy năm trước đó |
Bà LÊ THỊ LINH TRANG |
Vai trò của giáo dục
- Thầy Cao Huy Thảo: Khi làm hiệu trưởng Trường Việt - Úc, tôi thường bị giằng co giữa hai quan điểm giáo dục phương Tây và VN.
Cách giáo dục phương Tây là người thầy không phải là người truyền thụ kiến thức, kỹ năng mà chính đứa trẻ phải tìm ra những gì nó muốn học. Giáo dục bằng chính cuộc sống, trẻ tự tìm kiến thức, câu trả lời và giáo viên sẽ giúp phân tích, đánh giá. Trẻ phải tự tìm đến thầy để hỏi, thảo luận... Chính từ đó các em sẽ trưởng thành.
Với những em đã quen lối giáo dục thụ động sẽ dẫn đến hổng kiến thức do không chủ động, phụ huynh phản ứng... Các giáo viên nước ngoài yêu cầu tôi phải thay đổi phụ huynh để không làm phá sản quan điểm giáo dục của họ.
Khẩu hiệu giáo dục của mình rất nhiều, giám sát rất chặt chẽ nhưng thiếu lòng tin... Phụ huynh và các cấp quản lý, xã hội đều muốn học sinh có thành tích cao, gây áp lực với giáo viên. Trên thực tế, các ý kiến trái chiều, thảo luận trong học sinh sẽ không thể làm được trên lớp. Một tiết học 45 phút, 50 học sinh, nếu tạo điều kiện cho ý kiến trái chiều, tiết học sẽ phá sản.
* Nhà báo Huy Thọ: Bạn Trinh đã bao giờ tranh luận với các thầy cô chưa?
- Lưu Vĩnh Trinh: Tôi đã có vài lần tranh luận về một bài tập với cô. Chúng tôi không ngại, nhưng thật ra việc đó rất ít khi xảy ra, vì sau những tranh cãi như vậy thầy cô sẽ không vui, quan hệ căng thẳng... Chính thái độ của thầy cô sẽ khuyến khích hay tạo rào cản với các cuộc tranh luận.
- Thầy Trần Hữu Tá: Nền giáo dục phải đổi mới một cách quyết liệt từ triết lý, quan niệm giáo dục rồi mới đến cấu trúc, hệ thống, phương pháp, chương trình, thi cử. Hiện giờ mới chỉ đổi mới phần ngọn. Nếu cứ đà này, thực trạng tụt hậu sẽ còn gay gắt hơn.
Bản thân Âu, Mỹ đang quay về với truyền thống gia đình, học hỏi văn hóa phương Đông. Chúng ta nói thoát Á thì cũng phải nghĩ thoát Âu, nói tự lập phải nghĩ đến gia đình... Cha mẹ lúc nào cũng yêu thương con mênh mông, hồn nhiên, không điều kiện nhưng thiếu tri thức về tâm lý, giáo dục sẽ trói chân tay, tâm hồn con. Các bậc làm cha mẹ phải học và tự đào tạo trước, tuổi 18 sẽ thay đổi.
- Thầy Cao Huy Thảo: Vâng, giáo dục nhất định phải thay đổi. Tôi cho rằng giáo dục phải chịu trách nhiệm chính, kể cả việc trang bị kiến thức cho phụ huynh. Chạy theo điểm số, thành tích... sẽ không thể có nền giáo dục nhân bản, quan tâm đến số phận con người, không thể có văn hóa tranh luận, nói không với điều không đúng... để chúng ta có một tuổi 18 trưởng thành.
Cắn răng bỏ con ra, con mới nên người |
Bà NGUYỄN THỊ HẠNH |
Nếu người lớn không tin tưởng, dù tuổi có lớn tụi con cũng không lớn nổi đâu |
Bạn LƯU VĨNH TRINH |
Muốn trẻ biết bơi sao cứ sợ chìm? Chuyên gia tâm lý Lê Thị Linh Trang kể lại hai câu hỏi thể hiện sự khác nhau trong gia đình. Đó là khi chỉ có mình bà với con trai thì con trai sẽ hỏi: “Má ăn sáng gì để con mua?”. Nhưng khi con trai ở với bà ngoại thì câu hỏi sẽ từ bà ngoại: “Con ăn sáng cái gì để bà mua?”. Rồi bà Linh Trang kể lại trong một khóa dạy kỹ năng hè cho trẻ em, trong khi cả lớp dạo bộ thăm phố cổ thì bà mẹ (người duy nhất “kè kè” theo hai con để “bảo vệ”) đón... taxi đi theo. Sau đó, người mẹ này giữa đường “vớt” hai chị em lên taxi đi luôn vì “không thể thấy con cực”! Bà Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: Năm 2014 Trinh được học bổng du học Úc mừng lắm, rồi gia đình, người thân lại lo nhiều hơn bởi từ trước đến giờ “úm” kỹ quá chưa buông con ra. Lần này đi nước ngoài chứ không phải trong nước, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, cả hai vợ chồng phải làm sẵn passport để có chuyện gì là bay qua với con. “Ngày đầu tiên sang bên đó, Trinh lạc tuyến xe buýt, gọi điện về nhà khóc làm cả gia đình sợ hết hồn nhưng động viên con bình tĩnh. Sang hôm sau, cháu ý thức được nên tự nấu ăn, tự đi xe buýt đến chỗ học. Rồi mọi chuyện tốt đẹp suốt năm tuần. Giờ tôi thấy cắn răng bỏ con mình ra thì con mới nên người” - bà Hạnh nói. “Muốn bơi sao cứ sợ chìm? - PGS.TS Trần Hữu Tá đặt vấn đề và nói - Muốn trẻ biết bơi nhưng lại sợ ướt chân, sợ trẻ chìm thì làm sao có thể bơi được. Đành rằng lúc đầu có thể sặc nước, có khó khăn, nhưng dần mới trưởng thành được”. Đồng ý kiến, ông Cao Huy Thảo cũng cho rằng: “Muốn biết bơi phải xuống hồ, không thể sợ ướt chân”. Bà Linh Trang nói thêm: “Nếu chúng ta nói “con còn bé lắm” thì con sẽ nhỏ hoài. Nhưng nếu chúng ta thay cách nói và cách ứng xử rằng “con lớn rồi” thì chính chúng ta và các bạn trẻ sẽ nhìn nhận khác đi và trưởng thành”. |
Hàng trăm phản hồi, chia sẻ, hàng chục bài viết tham gia diễn đàn Sau một tuần xuất hiện trên trang Nhịp sống trẻ, diễn đàn “Tuổi 18 đã lớn chưa?” nhận được rất nhiều bài viết nêu ý kiến của bạn đọc. Trên tuoitre.vn có bài viết nhận đến 145 phản hồi. Các bài của diễn đàn cũng được chia sẻ, bình luận trên các trang mạng xã hội, các trang diễn đàn, với nhiều góc nhìn và tranh luận, cho thấy đây là vấn đề đáng quan tâm của xã hội. Chúng tôi tạm khép lại diễn đàn này và chân thành cảm ơn quý bạn đọc, các chuyên gia giáo dục, xã hội và tâm lý, các phụ huynh, thầy cô giáo, các bạn trẻ... đã luôn đồng hành cùng Tuổi Trẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận