Có lẽ hình ảnh những ngày Tết vừa qua đã phần nào xác thực thêm thông tin rằng chỉ trong tháng 12-2023 doanh thu các sản phẩm áo dài trên bốn sàn thương mại điện tử kinh doanh tại Việt Nam đạt 41,4 tỉ đồng.
Gần 20 năm trước khi nghe một chị đồng nghiệp nói Tết nào về nhà chị cũng mặc áo dài đi chúc Tết, tôi ngạc nhiên hết sức. Cái thuở mới chia tay thời áo trắng được 5-6 năm, tôi cứ ngỡ áo dài sẽ nhanh chóng thành dĩ vãng của mình.
1. Gần 20 mùa xuân ăn Tết sau đó ở Sài Gòn, ở thành phố trẻ sôi động này, tôi đã không còn ngạc nhiên khi thấy người người mặc áo dài đi chúc Tết, đi lễ chùa đầu năm.
Áo dài đã từ từ trở lại trong tủ áo của bao người, không chỉ là đồng phục, không chỉ ở trên sân khấu, trên màn hình tivi hay trong các dịp lễ lạt.
Một cách rất dịu dàng, nhẫn nại, áo dài bước ra khỏi phạm vi đồng phục, trở thành trang phục đời sống. Nhất là dịp Tết, áo dài càng có một đời sống bừng sắc nhất có thể.
Và cho tới những ngày chào xuân Giáp Thìn 2024, khởi đầu tháng chạp, áo dài đã hiện diện ở bao điểm "check-in" Tết để góp mặt trong các bộ ảnh xuân.
Rồi từ 30 tháng chạp, nắng xuân in bóng trên bao vạt áo dài, ở đường hoa, ở hội hoa. Ở những ngôi chùa trầm mùi hương khói, có cả những gia đình cùng nhau đi chùa lễ Phật đầu năm trong trang phục áo dài.
Ngay cả hội bạn áo trắng một thời của tôi, những người đã chia tay áo dài gần 30 năm, Tết này cũng đã may và mua áo dài, rủ nhau chụp hình.
Sức hút của chiếc áo dài không phải đến từ việc người chụp muốn khoe eo thon dáng đẹp bởi chúng tôi đều đã đi qua tuổi thanh xuân, mà có lẽ là từ vẻ đẹp tự nhiên của tấm áo.
Vẻ đẹp mà những bộ đầm, những bộ áo quần tân thời tới đâu cũng khó thể thay thế được trong tiết trời những ngày Tết cổ truyền này.
2. Người ta từng tranh cãi qua các mùa Tết rằng áo dài có nên cách tân không, cách tân thế nào… nhưng có lẽ điều đó không quyết định được cho một đời sống tự nhiên của áo dài.
Cái gì phi thẩm mỹ tự khắc sẽ bị thay thế, sự cách tân nào không phù hợp sẽ ít được lựa chọn. Nên còn lại vẫn là nét đẹp của áo dài, một nét đẹp tôn dáng người mặc, một nét đẹp từ sự uyển chuyển khoan thai trong từng dáng đi dáng đứng, đến cả lời ăn tiếng nói.
Những nét đẹp "vô hình" đó như nhắc người mặc áo dài thêm phần đằm lại, thong dong hơn, cẩn ngôn hơn trong những giờ khắc giao mùa.
Tuy nhiên, áo dài nào đâu chỉ thuộc về "phe sống chậm". Nếu các bạn trẻ muốn khoe sự tinh nghịch, nhí nhảnh trong các kiểu ảnh Tết với áo dài hẳn cũng là chuyện bình thường.
Bởi đời sống vốn vậy, áo dài không đứng yên, để sống được quan trọng hơn là chỉ chăm chú vào việc bảo tồn nguyên vẹn. Nên nếu yêu vạt áo truyền thống, người mặc sẽ chọn áo truyền thống. Ai thích tinh nghịch hiện đại hơn sẽ chọn phom áo hợp với mình.
Để rồi áo dài tiếp tục hiện diện trong đời sống như một trang phục, người thường mặc sẽ chọn mặc trong các dịp phù hợp, người ít mặc hơn có thể chọn mặc vào dịp quan trọng hoặc dịp Tết.
Để rồi áo dài còn là tấm áo mà người mặc trước có thể để lại cho người sau, mẹ để lại cho con gái như một món quà của nếp nhà, của những tháng năm người mẹ đã chắt chiu. Có mùa xuân nào đẹp hơn mùa xuân ngày con gái mặc vừa chiếc áo của mẹ…
Và chắc chắn mùa xuân nào cũng đẹp khi nhiều "tâm hồn quê hương" (như cách gọi của bài hát Một thoáng quê hương) góp phần tô thắm mùa xuân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận