Em Tẩn A Việt, Tẩn A Đông và Xìn Thị Giang trên đường đến trường
Đường đá gập ghềnh
Những em nhỏ ở Ngam La (Yên Minh, Hà Giang) phải thức dậy từ lúc trời chưa sáng để băng rừng, vượt đá đến trường. Đôi chân nhỏ bé trên những con đường quanh co và dốc đứng vài giờ đồng hồ chỉ để đổi lấy ước mơ con chữ.
Trường Phổ thông Dân tộc Tiểu học Ngam La chính là điểm đến của hành trình "Cùng em thắp sáng tương lai" do ILA tổ chức. Nơi đây đang chăm lo cho 442 em nhỏ thuộc diện nghèo và cận nghèo của xã, với 97% dân cư là người đồng bào thiểu số.
Đường đến trường gập ghềnh như thế nào thì "đường" đến với ước mơ của các em cũng gian truân như thế. Cô giáo Mùng Thị Hương (34 tuổi) đã gắn bó hơn 10 năm với việc đem chữ đến bản làng. Từng công tác tại điểm trường khắc nghiệt nhất Pờ Chừ Lủng, cô Hương như người mẹ thứ hai của các em. Không chỉ dạy cái chữ, con số, cô còn kiêm cả việc tắm rửa, giặt giũ, nấu ăn cho học sinh.
"Nhà các em không có nước đâu. Sáng nào các cô cũng rửa mặt mũi chân tay mới vào lớp. Nhiều em lâu không tắm gội, đầu đầy chấy, mình cũng gội cho chứ để ngứa ngáy thương lắm", cô Hương chia sẻ.
Em Tẩn A Đông (ngoài cùng, bên phải)
Câu chuyện của em Tẩn A Đông (lớp 4) để lại nhiều cảm thương. Ba mẹ bỏ nhau từ khi em còn nhỏ. Không nhà, không hộ khẩu, hai mẹ con đành nương nhờ nhà bác. Nhưng gia cảnh của bác cũng không khá hơn, bữa cơm gia đình phải lâu lắm mới có thịt.
Nhờ ở với bác, Đông mới được đi học, đến trường. Nhưng con đường đến với cái chữ của Đông sao mà gian nan. Nhà cách trường 10km đường núi, em mất gần 3 tiếng băng rừng, lội suối.
Nhưng tất thảy những khó nhọc ấy không thể đánh gục ý chí và niềm ham học của Tẩn A Đông. "Đông không nghỉ học đâu. Chỉ hôm nào ốm lắm mới nghỉ. Còn ngày nào em cũng đến trường", mẹ Đông chia sẻ.
Cũng như Đông, em Xìn Thị Giang vẫn nuôi dưỡng tình yêu với tri thức dù hoàn cảnh đầy khó khăn. Ba mẹ em mỗi ngày lưng chắn mặt trời, mặt giáp đá để kiếm tiền chăm lo cho hai chị em Giang.
Đời sống nhiều thiếu thốn. Đường đến trường nhiều gian nan. Nhưng đó chính là lý do thôi thúc các em tiếp bước và ấp ủ hy vọng về một tương lai tươi sáng.
Hoa nở trên đá
Khu nội trú sau khi nâng cấp
"Cùng em thắp sáng tương lai" mang đến Ngam La những phần quà gồm dụng cụ học tập và nhu yếu phẩm gửi tặng các em học sinh và nhà trường. Trong đó, nhà ở nội trú của hơn 200 học sinh đã được nâng cấp với diện mạo mới, khang trang và kiên cố hơn. Không chỉ vậy, những thành viên của ILA đã khéo tay tô vẽ cho ngôi nhà thêm sinh động và gửi gắm đến các em những thông điệp ý nghĩa về việc học.
Cầm trên tay những món quà từ chương trình "Cùng em thắp sáng tương lai", gương mặt anh em Tẩn A Việt (lớp 4) và Tẩn Thị Hoa (lớp 3) ánh lên nét rạng ngời và vui vẻ.
Quà từ ILA
Cách nhau 1 tuổi nên Việt và Hoa nhìn không chênh lệch nhiều lắm về chiều cao. Hoa chưa nghe rõ được tiếng Việt nên em còn ngại ngùng. Việt lớn hơn, chững chạc hơn với vai trò người anh, thành tích học tập cũng tốt hơn.
"Điều gì làm con vui nhất khi đi học?", tôi hỏi.
"Đi học là vui nhất!", Việt đáp.
Với các em, niềm vui đơn giản và hạnh phúc chẳng ở đâu xa. Mỗi ngày, các em được đến trường, học cái chữ, ăn no và ngủ ấm đã là điều tuyệt vời. Khi đó, các em mới dám ước mơ về điều mình sẽ làm trong tương lai. Hoa nói rằng em muốn học đến lớp 5, còn Việt lại ước muốn hoàn thành tất cả bậc học.
Em học sinh cầm vở ILA
Chữ và số không chỉ còn là các ký tự, mà được các em và chúng tôi ký thác vào đó ước mơ, hy vọng và niềm tin. Đó chính là bằng chứng xác đáng nhất cho triết lý ILA Việt Nam đã xây dựng và theo đuổi suốt 25 năm qua - Giáo dục thay đổi cuộc đời.
"Nhìn thấy các em đi học đầy đủ sĩ số là mừng lắm. Mong cho các con biết đọc, biết viết, biết tính toán căn bản là chúng tôi hạnh phúc lắm rồi", cô Hương tâm sự.
Mỗi em nhỏ như một nụ hoa. Đâu chỉ cần dinh dưỡng từ đất mẹ, các em còn cần rất nhiều sự chung tay góp sức từ cộng đồng để biến điều đó thành sức mạnh giúp hoa bung nở trên đá cứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận