Ba khách mời trong buổi giao lưu - Ảnh: Hữu Khoa |
Tham gia chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Làm sao nhận biết được thực phẩm bẩn?”, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM và bà Phan Thị Việt Thu - phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - đã trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc về thực phẩm bẩn, những tác hại đối với sức khỏe con người và cách bảo vệ quyền lợi cho chính mình khi mua phải hàng kém chất lượng.
Nhận biết thực phẩm bẩn
* Thưa bác sĩ, có phải rau củ quả "xấu xấu" là an toàn? Có cách nào để nhận biết rau quả an toàn và không an toàn? (H.Mai, TP.HCM)
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Cần cẩn thận với những rau củ có thân to, mập, ngọn dài khác thường, màu quá đậm, quá mướt, bóng. Tuy nhiên không phải cứ rau củ quả xấu là an toàn. Khi lựa chọn rau nên có một số lưu ý sau:
1. Lựa chọn rau theo nguồn gốc
- Nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc từ các đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau quả an toàn hoặc giấy chứng nhận VietGAP (giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn GAP khác).
- Nên chọn những sản phẩm rau quả có bao gói, thùng chứa, dây buộc hợp vệ sinh; trên bao bì hoặc nhãn gắn trực tiếp vào từng sản phẩm tối thiểu phải có các thông tin của nhà sản xuất, nhà cung cấp.
- Nên lựa chọn thực phẩm ở những nơi cung cấp uy tín, chọn thực phẩm tươi mới, không bị dập nát.
2. Lựa chọn rau theo mùa vụ
- Mùa khô nguy cơ ô nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau sẽ cao hơn mùa mưa.
- Nên chọn rau vào vụ chính, là thời điểm cây trồng phát triển bình thường, ít bị sâu bệnh, dẫn đến số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực và phân bón ít.
- Ở vụ nghịch, để đạt năng suất cao phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón nhiều nên rau có khả năng có dư lượng thuốc bảo vệ, phân bón hóa học vượt quá giới hạn cho phép.
3. Lựa chọn theo hình thức bên ngoài
- Đối với rau ăn lá: không nên chọn những bó rau có màu xanh quá đậm, quá mướt, lá bóng, mà nên chọn màu xanh nhạt, cây rau có vẻ bình thường.
- Rau ăn ngọn (rau lang, rau muống, đọt bầu bí): không nên mua những bó rau có ngọn vươn ra quá dài, nếu mua về không sử dụng liền để ngày hôm sau ngọn rau sẽ vươn ra thêm một đoạn từ 5- 10cm.
- Đối với củ quả: không nên chọn những trái quá lớn, mà chọn những trái có kích thước vừa phải hoặc hơi nhỏ, không chọn những trái da căng và có vết nứt dọc theo thân, những trái da xanh bóng.
- Các loại quả đậu (gồm đậu đũa, đậu cô ve, đậu Hà Lan, đậu ván...): không nên chọn những trái khi bóng nhẫy, ít lông tơ...
* Xin hỏi BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, khi ra chợ rất khó để phân biệt đâu là rau củ quả an toàn, đâu là rau củ quả có tẩm hóa chất hoặc đã qua xử lý hóa chất... Bác sĩ có lời khuyên nào dành cho những bà nội trợ chúng tôi không? Cảm ơn bác sĩ! (Nguyễn Linh Như, 24 tuổi, jennynguyen@....)
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Tình trạng ngộ độc các loại hóa chất còn tồn dư trong các loại rau củ quả thường không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng nhưng đây là một tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng và chất lượng giống nòi.
Để tăng thêm lợi nhuận, một số nông dân đã không tuân thủ các quy định trong quá trình canh tác như bón quá nhiều phân đạm nitrat, phun thuốc trừ sâu lên rau cho đến sát ngày thu hoạch; phun hóa chất để kéo dài độ tươi cho hoa quả. Việc làm đó dẫn đến hậu quả làm tổn hại sức khỏe của người tiêu dùng. Ở mức độ nhẹ, nó gây ngộ độc thực phẩm, nặng sẽ ảnh hưởng đến quá trình hô hấp, thậm chí gây đột biến và phát sinh các căn bệnh ung thư.
Việc nhận biết rau an toàn bằng cảm quan không dễ̃ dàng. Thông thường, các loại rau ô nhiễm thuốc trừ sâu, phân hóa học, bạn có thể nhìn thấy những hạt bụi nhỏ, ngửi thấy mùi vị khác thường. Khi ăn, rau có mùi vị khác thường.
Dưới đây là một số thông tin bạn cần trang bị thêm để bảo vệ mình và gia đình khỏi các nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Rau cải
Đây là loại rau thu hút nhiều sâu bọ khi trồng trên đất. Vì vậy, các chủ vườn thường tăng cường tưới thuốc trừ sâu, phân đạm cho rau vào khoảng thời gian trước khi thu hoạch. Điều này rất nguy hiểm vì dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong rau còn rất cao do không có đủ thời gian để phân hủy.
Khi bạn cầm trên tay bó cải non mơn mởn, lá xanh ngắt, không dấu vết của sâu bọ và phần thân chắc mập, đều tăm tắp một cách bất thường, đó chính là rau cải được bón nhiều phân đạm nitrat. Bạn không nên sử dụng loại cải này, nhất là ăn sống.
Khổ qua (mướp đắng)
Khi mua, tốt nhất bạn nên tìm những quả mướp đắng nhỏ, dài, trên thân có nhiều sớ gân nhỏ li ti. Quả mướp đắng to, màu xanh đậm, mướt, thân phình nhưng sớ gân bóng loáng là những quả lạm dụng hóa chất làm tươi.
Đậu cô-ve
Những quả đậu cô-ve bóng, ít lông tơ, dài, đốt nào rõ đốt nấy là kết quả của việc lạm dụng phân bón lá. Nếu tất cả số đậu được bày bán đều không có vết sâu bọ, chứng tỏ đậu đã bị phun thuốc trừ sâu trước khi đưa ra tiêu thụ.
Giá đỗ
Cọng giá tròn lẵn, thân trắng phau, ít rễ thường hấp dẫn các bà nội trợ. Thế nhưng, đó là những cọng giá sản xuất từ một công nghệ không an toàn.
Khi hạt đỗ nảy mầm, người sản xuất đã dùng phân bón lá trộn với các loại thuốc trừ sâu có pha loãng, tưới lên mầm giá rồi ủ kín lại. Loại thuốc này giúp giá đỗ nảy mầm nhanh và phát triển nhanh. Loại giá đỗ này khi xào sẽ tiết ra thứ nước đục ngầu.
Rau cần nước
Nếu bị phun quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón, thân rau sẽ to, ngó trắng phau bất thường. Nếu để lâu không nhúng nước, rau sẽ khô héo, thân tóp lại.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
* Năm nào nhà tôi cũng mua táo về bày mâm ngũ quả nhưng chưng thôi chứ không dám ăn vì táo gì mà qua một tháng mấy vẫn còn tươi rói. Xin bác sĩ chỉ cho chúng tôi biết cách lựa chọn trái cây an toàn, tránh được những loại táo tươi hoài như vậy? (Tuyền Việt, 45 tuổi, [email protected])
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Tất cả các loại trái cây đều có lợi cho sức khỏe vì chứa nhiều vitamin rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là vitamin C… Tuy nhiên cũng nên biết cách lựa chọn và sử dụng một cách hợp lý.
Nên chọn mua trái cây ở những nơi uy tín, chọn trái cây tươi mới, tránh chọn mua trái cây bị rụng phần cuống đề phòng thuốc bảo quản có thể thâm nhập trái cây. Cũng tránh chọn những trái cây bị dập, nứt nẻ… vì hóa chất bảo quản có thể thấm qua các kẽ giập, nứt này. Không chọn những trái có độ bóng loáng khác thường. Chọn mua những trái cây đúng mùa, “mùa nào thức nấy” là cách lựa chọn sáng suốt mà ông bà ta đã dạy.
Khi ăn những loại trái cây có vỏ dày như táo, quýt, lê, chuối, cam… bạn chỉ cần rửa sạch, ngâm trong nước muối pha loãng, sau đó gọt hoặc tách bỏ phần vỏ dày là có thể ăn ngay được. Riêng những loại trái cây có vỏ mỏng như mận, nho, dâu tây… bạn cần ngâm rửa với nước rửa rau trái để bảo đảm an toàn.
Trái cây để lâu các vitamin sẽ bị hao hụt nhiều, vì vậy cần lựa chọn trái cây tươi và nên ăn sớm, gọt vỏ, cắt miếng xong ăn ngay để nhận được chất dinh dưỡng nhiều nhất. Gọt vỏ, cắt miếng trái cây để lâu sẽ làm quá trình oxy hóa và nhiễm khuẩn trái cây nhanh và dễ dàng hơn.
* Mứt tết thường sử dụng chất tẩy trắng hay phụ gia tạo mùi, tạo màu, chất bảo quản để sử dụng được lâu. Làm sao để nhận biết mứt nào an toàn, mứt nào không nên mua, xin bác sĩ chỉ giúp. Cảm ơn bác sĩ! (Khánh NT, 38 tuổi, nguyentrankhanhkh@...)
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Chào bạn.
Nếu chỉ căn cứ vào cảm quan thì rất khó có thể nhận ra các loại mứt tết nào là an toàn và mứt tết nào là không an toàn. Thông thường, bạn không nên mua các loại mứt nhìn có màu sắc tươi sáng, sặc sỡ bất thường, ví dụ quá trắng (mứt dừa, mứt bí…), quá đỏ (mứt cà chua, mứt cà rốt, các loại ô mai…), quá xanh (mứt kiwi…), quá vàng (mứt khoai, mứt dừa…) và để trong một thời gian quá hai tuần mà không chảy nước, không đổi mùi.
Bạn cũng nên ăn thử trước khi mua. Những loại mứt nào có vị đậm đà quá mức, mùi nồng hơn so với tự nhiên thì cũng không nên mua. Vì lý do rất khó nhận diện mứt không an toàn bằng cảm quan nên tốt nhất bạn hãy tự làm mứt để sử dụng trong gia đình, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe, vừa giúp các thành viên trong gia đình thêm gắn kết, sẻ chia và biết thêm kỹ năng chế biến các loại mứt.
Trong trường hợp bận rộn thì nên mua mứt ở các địa điểm hoặc cơ sở có uy tín, thương hiệu để hạn chế việc mua phải mứt không an toàn.
* Mấy ngày nay thú thật là tôi "nhức đầu" vì không biết chọn mua mứt tết làm sao cho an toàn. Xin bác sĩ chia sẻ cách bác sĩ chọn mua mứt... (Thanh Mai)
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Các loại mứt, ô mai thủ công thường không được giám sát chặt chẽ trong khâu sản xuất, kiểm nghiệm nên dễ nhiễm hóa chất độc hại. Chúng có thể gặp vấn đề ở nhiều khâu, cụ thể như từ chọn nguồn nguyên liệu không đảm bảo (bị giập, thối, nấm mốc, bị nhiễm thuốc trừ sâu, phân bón, dư lượng thuốc kích thích, hóa chất bảo vệ thực vật…); cơ sở chế biến không bảo đảm vệ sinh; quá trình chế biến dùng quá nhiều loại phẩm màu và chất bảo quản; quá trình vận chuyển và bảo quản không đảm bảo làm phát sinh nấm mốc, nhiễm vi sinh vật, bị hỏng…
Do đó, nên lựa chọn mua từ các thương hiệu lớn có uy tín trong nước, có nhãn mác rõ ràng, mua những sản phẩm đã được cơ quan y tế cấp giấy phép đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phải đọc kỹ nhãn mác, hạn sử dụng…, cần phải biết rõ nguồn gốc thông qua việc nhìn, ngửi, nếm để xem có nấm mốc hay không, có ngon hay không…
Mỗi gia đình có thể tự chế biến sản phẩm theo sách hướng dẫn, vừa không sử dụng nhiều chất cấm, chất bảo quản, vừa đảm bảo nguyên liệu sạch, rõ nguồn gốc lại khỏe mạnh.
* Tôi nghe nói có sản phẩm từ heo bệnh, có cách nào để nhận biết đâu là thịt heo bệnh, đâu là thịt heo bình thường không? Tôi nên làm gì để bảo quản các loại thịt ăn tết? (Yến Phượng, 33 tuổi, haylo@...)
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Chào bạn,
Thịt heo bệnh thông thường có màu hồng tái hoặc đỏ bầm, có các đốm xuất huyết, có thể có ánh xanh, có mùi lạ. Sờ vào thịt thấy nhớt, thớ thịt nhão, độ đàn hồi giảm. Khi cắt thịt ra có thể thấy những hạt trắng lạ trong thớ thịt. Bạn nên mua thịt của các cửa hàng có uy tín, thương hiệu.
Khi mua về nên rửa sạch thịt, chia thành các phần nhỏ đủ dùng, sau đó bảo quản trong ngăn đông đá của tủ lạnh. Thời gian trữ các loại thịt trong ngăn đá tủ lạnh không quá một tháng. Nếu nhà có trẻ em hoặc người cao tuổi thì không nên trữ thịt quá một tuần.
* Các chuyên gia cho em hỏi: Thực phẩm tươi sống khi mua ở dạng đông lạnh thì làm sao biết được có bẩn hay không? (Khang Lâm, 27 tuổi, denbenbin@...)
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Chào bạn.
Nếu bạn mua thực phẩm tươi sống đông lạnh được sản xuất bởi các nhà sản xuất có uy tín, có thương hiệu, có điều kiện sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm đông lạnh theo các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm thì bạn có thể an tâm về chất lượng của thực phẩm đông lạnh.
Bạn cũng cần chú ý nơi mua thực phẩm đông lạnh phải có các trang thiết bị để bảo quản các thực phẩm đông lạnh ở các điều kiện nhiệt độ phù hợp với các thực phẩm này.
Chú ý thứ hai là các thực phẩm đông lạnh phải được sử dụng trong thời hạn được nhà sản xuất quy định để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
* Có nên sử dụng kít thử hàn the trước khi mua thức ăn không, thưa bác sĩ? (An Nhơn, 36 tuổi, nhonan...@)
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Chào bạn.
Nếu bạn có kít thử hàn the để phát hiện thực phẩm có chứa hàn the thì bạn nên thử trước khi mua để đảm bảo có thể mua được sản phẩm tốt nhất cho sức khỏe của mình.
Trong điều kiện không có kít thử thì bạn nên chọn mua thực phẩm trong các siêu thị, cửa hàng có uy tín để hạn chế việc mua phải các thực phẩm có ô nhiễm hàn the.
Các thực phẩm thường bị bỏ hàn the trong quá trình chế biến là giò chả, thịt nguội, nem (kể cả thực phẩm chay),…
* Dịp tết, thời tiết thường lạnh hơn so với bình thường, việc bảo quản các loại thực phẩm như bánh tét, bánh chưng, các món ăn xào, kho sẽ có khác biệt như thế nào? Thời gian bảo quản sẽ trong bao lâu? (Hoàng Oanh, 25 tuổi tuổi, hoangoanhct@...)
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp:
Dù thời tiết lạnh thì bánh chưng, bánh tét đều không thể sử dụng nếu để quá một tuần. Các món kho chỉ nên sử dụng trong thời gian 3 ngày. Riêng các món xào chỉ nên sử dụng trong ngày để đảm bảo sức khỏe. Nếu các món bánh chưng, bánh tét, món kho được cấp đông trong tủ lạnh thì có thể sử dụng trong 10 ngày.
Tác hại của thực phẩm bẩn với sức khỏe con người
* Thưa bác sĩ Lưu Phương, nếu ăn phải những thực phẩm có hóa chất, có phụ gia quá liều như kể trên thì về lâu dài sẽ bị bệnh gì?... (Hoài Bảo, 29 tuổi, tuhoaibaolam@...)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương: Chào bạn. Nếu ngộ độc những kim loại nặng tích tụ dần trong cơ thể có thể gây ra:
- Suy gan, suy thận.
- Thoái hóa hệ thần kinh trung ương -> sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson, mất ngủ, lo âu, suy giảm trí nhớ.
- Suy tủy xương -> thiếu máu, giảm bạch cầu (tế bào để bảo vệ cơ thể chống lại các vật lạ xâm nhập).
Còn ngộ độc dư lượng kháng sinh hoặc thuốc kích thích tăng trọng của gia súc tích tụ dần trong cơ thể có thể gây ra:
- Phù, ứ nước trong cơ thể.
- Rối loạn nhịp tim.
- Kích thích hệ thần kinh làm lo âu, mất ngủ, căng thẳng, sau đó có thể gây suy nhược thần kinh.
- Cơ thể dễ bị đề kháng với các loại kháng sinh nên khi chúng ta bị bệnh sẽ khó điều trị.
- Suy gan, suy thận.
Ngộ độc những chất vô cơ như formol, ure, hàn the… có thể gây ra:
- Tổn thương gan thận mãn tính.
- Nguy cơ gây ung thư.
- Tổn thương tế bào não.
* Kính gửi BS Ngọc Diệp và BS Lưu Phương, BS có thể chỉ rõ việc sử dụng thực phẩm tẩm ướp hóa chất, thực phẩm sử dụng phụ gia quá liều... sẽ gây nên những nguy cơ gì về sinh sản và con cái sau này? (Lan TN, 32 tuổi, lanhodiep...@...)
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp:
Chào bạn. Việc sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm các phụ gia, chất bảo quản hóa học không được phép sử dụng cho người hoặc quá liều cho phép đều có thể gây tổn hại cho các tế bào trong cơ thể. Tế bào sinh sản của hệ sinh dục là một trong các tế bào dễ bị tổn thương nhất. Nếu bị tổn thương chắc chắn sẽ gây vô sinh.
Đối với phụ nữ đang mang thai, tác hại còn có thể gây ra cho thai nhi (ví dụ dị tật bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa, suy thai,…).
- Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương:
- Chào bạn. Các hóa chất và phụ gia thực phẩm quá liều cho phép hoặc những phụ gia không được phép sử dụng trên người ngoài việc gây tổn thương gan thân, hệ thần kinh gây nguy cơ ung thư còn ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào, nhất là tế bào của cơ quan sinh dục nên sẽ dễ gây ra những vấn đề sau đây:
- Dễ bị vô sinh do ức chế hoạt động của buồng trứng và tinh hoàn, tạo ra nhiều trứng non không đủ trưởng thành vẫn rụng trứng hoặc tạo ra các tinh trùng dị dạng khó thụ thai.
- Nếu thụ thai được thì nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn bình thường, thai chậm tăng trưởng, sảy thai, sinh non.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) tại buổi giao lưu - Ảnh: Hữu Khoa |
* Bác sĩ Lưu Phương có thể cho biết làm sao hạn chế được tác hại của những thực phẩm bẩn với cơ thể con người không? (Người tiêu dùng, 28 tuổi, nguoitieudung@....)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương: Chào bạn. Thực phẩm bẩn có hai nghĩa:
Một là thực phẩm bẩn bởi nhiễm những chất vô cơ, những chất phụ gia không nằm trong danh mục và giới hạn cho phép (các kim loại nặng, các chất phụ gia hoặc phẩm màu công nghiệp…).
Hai là bẩn theo nghĩa bị ô nhiễm bởi vi khuẩn hoặc các độc tố của vi khuẩn.
Đối với thực phẩm bẩn theo nhóm một thì điều nguy hiểm là thông thường chúng gây ngộ độc tích tụ một cách từ từ, cơ thể khó tự đào thải ra được. Do đó, vấn đề kiểm nghiệm và cấp phép lưu hành các loại thực phẩm bày bán trên thị trường rất quan trọng. Bạn nên tìm mua những loại thực phẩm được kiểm định chất lượng kỹ càng, tránh mua hàng trôi nổi. Về y học, thật sự chưa có cách nào hạn chế những độc hại của thực phẩm bẩn theo nghĩa này.
Đối với thực phẩm bẩn theo nhóm hai thì thường chúng sẽ gây những biểu hiện cấp tính như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói. Các triệu chứng này sẽ xảy ra sớm trong vòng 24 giờ sau khi bạn tiêu thụ thực phẩm bẩn.
Và thật sự cũng không có cách nào để hạn chế tác dụng tiêu cực một khi đã ăn phải những thực phẩm này. Có nhiều người cùng ăn nhưng mức độ ảnh hưởng nặng, nhẹ sẽ khác nhau, tùy thuộc vào đề kháng của cơ thể, lượng thức ăn bẩn nạp vào cơ thể và một số loại thuốc men đang dùng kèm theo (không liên quan đến vấn đề ăn uống). Do đó, vấn đề là phòng bệnh, ăn chín, uống sôi và rửa sạch.
* Bác sĩ có thể cho biết những tác hại của việc dùng trái cây bị tiêm thuốc bảo quản? Có thể nhận ra trái cây nào bị tiêm hóa chất hay không? (Minh, 29 tuổi, minh@...)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương: Khi dùng thuốc bảo quản trong trái cây có 2 nguy cơ sau đây:
1. Cấp tính:
- Nguy cơ bị dị ứng qua đường tiêu hóa.
- Ngộ độc thức ăn, gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.
2. Mãn tính:
Thông thường các chất bảo quản thức ăn sẽ có tính sát khuẩn mạnh, độc tính cao để tránh các loại vi sinh vật phát triển làm hư hại trái cây. Do đó chúng sẽ có khả năng gây biến đổi tế bào nếu dùng với liều cao vượt ngưỡng cho phép, từ đó gây nguy cơ vô sinh, sẩy thai hoặc ung thư về sau hoặc tích tụ dần dần gây độc gan, thận và hệ thần kinh.
Những lưu ý khi ăn, uống ngày ết
* Tôi bị tiểu đường và cao huyết áp, tôi có thể dùng được thực phẩm gì trong mùa tết? Nếu phát hiện thấy thực phẩm bẩn trong tết, tôi có thể phản ảnh đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng cách nào? (Hoàng Trung, 68 tuổi, trunghieuhoang.68.2000@...)
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Chào bác.
Người bị tiểu đường (đái tháo đường), tăng huyết áp hoàn toàn có thể thưởng thức hầu hết các món ăn ngày tết. Có một số lưu ý để có thể ăn tết mà không bị ảnh hưởng đến sức khỏe:
- Tăng cường ăn rau xanh trong các bữa ăn ngày tết, duy trì các bữa ăn điều độ.
- Lựa chọn các món ăn ít năng lượng, ít chất béo, thay thế cho các món ăn giàu năng lượng, giàu chất béo, ví dụ ăn giò lụa thay vì giò thủ, giò mỡ; ăn bún, hủ tiếu thay vì ăn xôi nếp, bánh chưng, bánh tét.
- Khi ăn các món có nhiều chất đạm, chất bột đường, chất béo (dù là chất béo có nguồn gốc thực vật) thì luôn ăn kèm với các loại rau xanh, dưa leo để hạn chế gia tăng đường huyết sau ăn, ức chế hấp thu chất béo. Ví dụ khi ăn chả giò luôn ăn kèm với các loại rau xà lách, rau thơm, dưa leo; ăn thịt kho nên ăn kèm với dưa giá hoặc các loại rau củ luộc.
- Ăn ít các món ăn giàu chất bột đường chuyển hóa chậm nhưng có chỉ số đường huyết cao như bánh chưng, bánh tét, bánh ít, bánh ú…
- Hạn chế các món ăn giàu chất béo như thịt kho hột vịt, giò thủ, giò mỡ, lạp xưởng, xúc xích, chả giò…
- Hạn chế tối đa các món ăn nhiều đường chuyển hóa nhanh như nước ngọt, mứt, bánh ngọt…
- Hạn chế tối đa các món có nhiều muối như các loại khô cá, khô mực, thịt ngâm nước mắm, các loại dưa muối như dưa món, dưa hành, dưa cải…
- Đối với bia, rượu: dù vui xuân vẫn không nên uống nhiều bia rượu vì bia rượu sẽ làm gia tăng đường huyết, huyết áp và có thể gây ra các tai biến tim mạch.
* Xin gửi câu hỏi cho bác sĩ Lưu Phương, dịp tết đến, bia rượu là chuyện khó tránh khỏi. Bác sĩ có lời khuyên gì để không bị ngộ độc rượu hay ảnh hưởng đến dạ dày khi uống quá chén so với ngày thường không, thưa bác sĩ? (Đông Phong, 34 tuổi, nhatdongphong982@...)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương: Chào bạn.
1. Nếu bạn chưa từng bị viêm loét dạ dày thì lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn hạn chế ngộ độc rượu: Trong trường hợp không thể từ chối được, với nam thì giới hạn sau đây là tương đối ít nguy cơ: 1 lần uống tối đa là 4 đơn vị rượu (1 đơn vị rượu tương đương 1 lon bia, 40-50ml rượu mạnh hoặc tương đương 150ml rượu vang, rượu khai vị). Và trong một tuần lễ chỉ được nạp tối đa là 14 đơn vị rượu.
Tuy nhiên, không uống là tốt nhất. Nếu bạn uống ở ngưỡng này thì vẫn có nguy cơ mắc nhiều bệnh tật liên quan đến rượu, bia chứ không chỉ là viêm loét dạ dày.
Đối với nữ, những chỉ số này phải giảm ½ so với nam giới.
2. Nếu bạn từng bị viêm loét dạ dày thì không có ngưỡng nào để bảo đảm là bạn không bị đau khi sử dụng rượu, bia.
* Ngày tết, làm sao hạn chế tác hại của bia rượu khi uống nhiều thưa bác sĩ? (minh hoàng, 30 tuổi, hoangminh.755@...)
BS Trần Ngọc Lưu Phương:
1 - Trước hết bạn nên tham khảo câu trả lời của tôi cho bạn Đỗ Phong ở trên để biết giới hạn tối đa của rượu bia khi sử dụng với nguy cơ ít nhất.
2 - Tuy nhiên có vài lưu ý:
- Không nên uống rượu bia lúc bụng đói vì rượu sẽ hấp thu vào máu nhanh hơn, nhiều hơn dẫn đến nguy cơ ngộ độc rượu sẽ cao hơn.
- Không nên uống rượu với các thuốc giảm đau đầu thông thường vì nguy cơ độc tính cho gan sẽ tăng lên.
- Không nên uống rượu bia chung với các thuốc thần kinh, các thuốc ngủ vì nguy cơ ức chế hệ thần kinh và hệ hô hấp sẽ tăng lên.
- Nên uống nhiều nước lọc khi uống bia để giảm khả năng hấp thu rượu vào máu và tăng cường cho thận thải bớt rượu bia.
* Khi phát hiện triệu chứng đau bụng, chóng mặt sau khi ăn thì có nên móc họng cho ói ra hết không thưa bác sĩ Phương? (Lê Kha, 40 tuổi, khaleag@...)
- Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: Triệu chứng đau bụng và chóng mặt sau ăn có thể do ngộ độc thức ăn, nhiễm bẩn bởi độc tố của vi khuẩn hoặc do bạn bị dị ứng với một loại thức ăn hoặc bạn bị ngộ độc bởi một loại hóa chất hoặc phụ gia thực phẩm có trong thức ăn có độc tính với hệ thần kinh, hoặc tình trạng ngộ độc thực phẩm gây ra cho bạn bị tụt huyết áp.
Như vậy việc bạn móc họng ói ra được hay không thì cũng không hiệu quả vì độc tố đã hấp thu và phát huy tác dụng, ngoại trừ trường hợp cơ thể bị phản xạ nôn ói thì không nên kiềm chế lại hoặc dùng những thuốc chống ói.
Nếu cơ thể không có phản xạ gây nôn ói mà bạn tự móc họng thì điểm hại nhiều hơn điểm lợi như: gây mất nước và điện giải, dễ gây trầy xước cổ họng, hoặc tự kích thích gây nôn ói quá mạnh sẽ gây rách xước thực quản nên có thể gây ói ra máu trong những lần ói kế tiếp.
* Những triệu chứng nào cho thấy đã bị ngộ độc rượu và phải đến cấp cứu ở bệnh viện, thưa BS? (Khánh Duy, 27 tuổi, khanhduyhoangkg@...)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương: Chào bạn,
* Giai đoạn sớm: chóng mặt; nôn ói liên tục.
* Giai đoạn muộn hơn: da tái xanh, vã mồ hôi; nằm li bì, lay gọi không tỉnh, tiểu ra giường.
* Bác sĩ Phương có thể cho tôi biết những triệu chứng của ngộ độc thực phẩm và cách xử lý như thế nào không? Cảm ơn bác sĩ rất nhiều. (Nguyễn Phạm Thanh Nguyên, 25 tuổi, tt.nguyen.sunny@...)
- Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương:
1. Ngộ độc sớm thường xảy ra trong vòng 6-8 giờ đầu sau ăn, nhưng một số trường hợp xảy ra sớm hơn, trong vòng 2 giờ đầu sau ăn:
Triệu chứng:
+ Đau bụng vùng trên rốn, buồn nôn, nôn ói, sau đó bớt đau bụng dần, cũng có khi triệu chứng xuất hiện nhiều đợt trong vòng vài giờ.
+ Các triệu chứng kèm theo: chóng mặt, nhức đầu, tê chi. Ít khi bị sốt.
- Xử lý:
+ Không nên dùng thuốc chống ói vì đây là phản xạ tự nhiên của cơ thể để đẩy độc tố ra ngoài.
+ Để giảm khó chịu: nằm nghỉ, uống một ít nước ấm với gừng hoặc dùng 1 gói hoặc 1 viên thuốc bảo vệ dạ dày và hấp thu độc tố (gastropulgite, hay carbophos chẳng hạn).
+ Nên dùng 1 gói oresol pha nước uống sau mỗi lần ói để tránh mất muối và mất nước.
2. Ngộ độc muộn thường xảy sau khi ăn 8-12 giờ đầu, thậm chí có khi sau 1 ngày.
Triệu chứng:
+ Đau bụng vùng rốn, đau quặn bụng, tiêu lỏng nước, có trường hợp phân có đàm nhầy, hoặc nặng hơn là có đàm máu.
+ Các triệu chứng kèm theo: chóng mặt, nhức đầu, vọp bẻ.
+ Thường bệnh nhân có sốt kèm theo.
- Xử lý:
+ Không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy vì đây là phản xạ tự nhiên của cơ thể để đẩy độc tố ra ngoài.
+ Nên dùng 1 gói oresol pha nước uống sau mỗi lần đi cầu để tránh mất muối và mất nước.
+ Để giảm khó chịu: nằm nghỉ, uống một ít nước ấm với gừng hoặc dùng 1 gói hoặc 1 viên thuốc bảo vệ ống tiêu hóa và hấp thu độc tố (Smecta hay Carbotrim chẳng hạn).
* Có phải ăn quá nhiều thực phẩm muối như dưa chua, kim chi, cá khô… thì nguy cơ ung thư sẽ tăng không thưa bác sĩ? (phan duy, 51 tuổi, caphao_dua@...)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
1 - Bản thân dưa muối, kim chi là những sản phẩm lên men của những loại vi sinh vật có lợi đã được người xưa dùng từ hàng ngàn năm nay. Những lợi khuẩn này rất có lợi cho sức khỏe của hệ tiêu hóa của chúng ta.
2 - Tuy nhiên, ngày nay do tính chất công nghiệp hóa nên chúng ta đã thêm vào đó những hóa chất để bảo quản đồng thời với những phương pháp lên men không như truyền thống của ông bà ta ngày xưa nên có tiềm ẩn nguy cơ. Do đó nếu bạn tự chế biến các sản phẩm này với số lượng vừa phải không cần bảo quản lâu dài thì không tiềm ẩn nguy cơ ung thư.
Bảo quản thực phẩm ngày tết
* Tết năm nào nhà tôi cũng mua gà về để sẵn trong tủ lạnh, mùng 3 sẽ mang ra nấu cúng. Làm sao để trữ gà trong tủ lạnh an toàn và vẫn đảm bảo độ ngon, thưa bác sĩ? (Yến Oanh, 30 tuổi, yenoanhlht@...)
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Đối với thịt gia cầm hàng đông lạnh nên giữ nguyên bao bì, bảo quản riêng trong ngăn hoặc hộp chuyên để thịt và chỉ sử dụng trong khoảng 2 ngày. Nếu cần để lâu hơn, nên gói kỹ chúng và cho vào ngăn đông.
Còn với thịt gà tươi, gà sau mổ phải được rửa thật sạch, để ráo nước, sau đó dùng nilông bọc thức ăn bọc kín nhiều lớp trước khi bảo quản đông lạnh để giữ được độ tươi ngon và bảo vệ thịt không bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Khi bao bọc thịt cần chú ý bọc thật chặt, tránh không cho không khí lọt vào bên trong để miếng thịt không có nhiều lớp đá bám vào.
Khi để thịt trong ngăn mát cần giữ cho nhiệt độ của tủ lạnh ở mức khoảng 2 độ C (chỉ để được tối đa 3 - 4 ngày). Đối với ngăn đông, nhiệt độ phải xấp xỉ ở mức -25 độ C. Phải luôn nhớ kiểm tra nhiệt độ thường xuyên để đảm bảo thịt luôn tươi. Lưu ý không xếp quá đầy các ngăn khiến luồng khí lạnh không thể lưu thông, dẫn đến nhiệt độ ở một số vị trí trong tủ có thể tăng cao, làm hỏng thức ăn.
Trước khi sử dụng thịt gà để đông lạnh, chúng ta nên chú ý đến cách rã đông cho hợp lý, phải để gà rã đông xong rồi mới chế biến.
Ông Hàng Phước Long - thư ký tòa soạn Tuổi Trẻ - trao hoa và báo Tuổi Trẻ Xuân đến các khách mời - Ảnh: Hữu Khoa |
* Tôi mua rau về thường rửa sạch, ngâm nước muối 15 phút rồi sau đó lại rửa 2 lần dưới vòi nước chảy. Như vậy đã đủ an toàn chưa, thưa bác sĩ? (Ngọc Hân, ngochan2907...@... tuổi, 37) - (T.Thúy, Vĩnh Long)
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Trước khi rửa sạch rau củ quả, bạn cần sơ chế trước: đầu tiên nhặt lá vàng úa, lá sâu, cắt rễ, rửa sạch đất, cát, bùn dính; với các loại rau có bẹ như cải, cải thảo... ngoài cắt bỏ phần gốc, nhặt bỏ lá sâu cần tách rời từng lá.
Sau đó, bạn ngâm rau vào nước muối hoặc nước hòa thuốc tím khoảng 15 phút rồi rửa kỹ từng lá, nhất là ở các kẽ lá cho thật sạch dưới vòi nước chảy ít nhất 3 lần trước khi đưa vào chế biến tiếp. Các nhánh rau nhỏ như rau muống, tần ô... phải rửa nhiều lần, sau đó rửa từng bó nhỏ bằng nắm tay dưới vòi nước chảy.
Phương pháp này tuy đơn giản nhưng có thể làm sạch thuốc trừ sâu, phân bón bám trên rau, nhất là ở các kẽ lá. Ngoài ra, nó còn giúp làm sạch được trứng giun, sán và các chất bẩn bám trên rau.
Rau ăn trái khi mua về không nên ăn liền mà hãy rửa sạch từng trái rồi bọc nilông cho vào tủ lạnh, ăn sau 2 ngày. Các loại rau quả cần ăn ngay phải ngâm kỹ trong nước muối pha loãng, sau đó rửa sạch.
Rau ăn củ nên rửa sạch đất trước khi ngâm với nước muối pha loãng, sau đó gọt vỏ và rửa lại lần nữa.
* Tôi nên làm như thế nào để bảo quản hải sản cho an toàn và vệ sinh để có thể dùng được nhiều ngày trong dịp Tết âm lịch? Cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị Hậu, 53 tuổi, chumphuongvy.365.ngay@...)
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Chào bạn,
Các loại hải sản tươi sống cần rửa sạch, sơ chế, chia thành các phần vừa đủ dùng cho mỗi lần sử dụng, sau đó bảo quản trong các loại bao bì chuyên dụng. Nếu chưa ăn ngay, bạn nên bảo quản trong ngăn đông đá của tủ lạnh. Mỗi lần chỉ lấy từng phần ra sử dụng.
Khi đã rã đông hải sản thì không nên cấp đông trở lại vì hàm lượng các chất dinh dưỡng đã giảm đi sau mỗi lần rã đông, tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm do lượng vi khuẩn tăng lên khi cấp đông trở lại.
Thời hạn sử dụng các loại hải sản được cấp đông bằng tủ lạnh gia đình không quá một tháng.
* Với các món dưa chua, tiêu chí lựa chọn là như thế nào? Khi mở lọ sử dụng rồi thì bảo quản trong thời gian bao lâu? (Thu Dung, 30 tuổi tuổi, dung2911@...)
- Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Chào bạn,
Chọn các món dưa chua có màu tự nhiên, ví dụ: dưa cải có màu vàng hổ phách, dưa kiệu có màu trắng ngà, dưa hành có màu trắng vàng; nước muối dưa không nổi nấm mốc; dưa có độ giòn, vị chua vừa phải. Chỉ nên sử dụng các loại dưa muối trong thời gian khoảng 2 tuần.
Khi tự làm dưa chua thì nên sử dụng các hũ thủy tinh, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại hũ bằng nhựa để muối dưa vì quá trình lên men chua, các loại dưa có thể làm thôi nhiễm các thành phần hóa học từ hũ nhựa, không tốt cho sức khỏe.
Nên tẩy chay thực phẩm bẩn để bảo vệ chính mình
* Tôi đọc trên báo thấy có nói, muốn kiểm nghiệm sản phẩm mà mình nghi ngờ thì sản phẩm đó phải còn nguyên, chưa khui. Vậy nếu khui sản phẩm ra mới phát hiện nó có vấn đề thì Hội sẽ bảo vệ người tiêu dùng ra sao thưa bà Thu? (Lê Chung, 29 tuổi, lechungct290886@...)
- Bà Phan Thị Việt Thu: Theo nguyên tắc, muốn kiểm nghiệm 1 sản phẩm thì sản phẩm đó phải còn nguyên chưa khui.
Nếu khui sản phẩm ra mới phát hiện sản phẩm có vấn đề thì người tiêu dùng vẫn liên hệ với đơn vị sản xuất để phản ảnh, đồng thời có thể thông báo đề nghị với cơ quan chức năng hoặc nhờ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cho kiểm nghiệm chất lượng của sản phẩm này.
Cơ quan chức năng sẽ yêu cầu nhà sản xuất cung cấp mẫu lưu của lô hàng cùng loại để kiểm nghiệm.
* Kính gửi cô Việt Thu,
1. Nếu cháu phát hiện hàng hóa cháu mua không đảm bảo chất lượng thì Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể bảo vệ quyền lợi của cháu như thế nào thưa cô?
2. Trong trường hợp nào thì người tiêu dùng sẽ được bồi thường thiệt hại thưa cô? (Vì không phải lúc nào người tiêu dùng cũng chứng minh được rõ ràng mình bị thiệt hại về sức khỏe, tinh thần khi sử dụng sản phẩm)(Lâm Thành, 28 tuổi, lamthanhnguyenbg@)
- Bà Phan Thị Việt Thu:
Trong trường hợp muốn được bồi thường thiệt hại thì người tiêu dùng phải chứng minh có sự thiệt hại cụ thể. Đây là một thiệt thòi rất lớn của người tiêu dùng vì đúng là không phải lúc nào cũng có thể chứng minh sự thiệt hại rõ ràng, nhất là trong bối cảnh thị trường có quá nhiều sản phẩm không an toàn gây tác hại cho sức khỏe người tiêu dùng như hiện nay. Sự tác hại lại ngấm ngầm lâu dài có thể gây nên những bệnh như là bệnh ung thư mà không chứng minh được nguyên nhân gây bệnh.
* Kính gửi bà Việt Thu, Nếu tôi ra chợ mua đồ mà phát hiện đồ mình mua không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì tôi có thể mang mẫu hàng đó tới Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để hội đòi lại quyền lợi cho tôi không thưa bà? Xin cảm ơn bà. (Phương Khánh, 36 tuổi, lamphuongkhanh...@)
- Bà Phan Thị Việt Thu: Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức xã hội được pháp luật cho phép, giữ vai trò trung gian hòa giải giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người tiêu dùng.
Trong trường hợp người tiêu dùng mua nhầm sản phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mình thì người tiêu dùng trực tiếp thông báo với: Ban quản lý chợ nếu mua tại các chợ truyền thống hoặc Ủy ban nhân dân phường nơi cửa hàng tọa lạc; hoặc Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố để nhờ can thiệp thì sẽ hiệu quả và nhanh chóng bảo đảm quyền lợi của mình.
Bởi vì Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này cũng chỉ có thể kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết bảo vệ cho người tiêu dùng.
Bà Phan Thị Việt Thu - Phó chủ tịch Hộ Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
* Nếu tôi khiếu nại về chất lượng sản phẩm đến Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì bao lâu sẽ được giải quyết? (tấn, 26 tuổi, tanrobert@...)
- Bà Phan Thị Việt Thu: Thông thường, sau khi nhận đơn khiếu nại của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, văn phòng giải quyết khiếu nại của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ gửi thư mời cho doanh nghiệp có trách nhiệm đến dự buổi hòa giải với người tiêu dùng. Tùy theo sự hợp tác của doanh nghiệp mà vụ việc được giải quyết nhanh hay chậm, có khi chỉ trong 1 tuần nếu thái độ của doanh nghiệp tích cực nhưng cũng có khi kéo dài do doanh nghiệp lần lựa thoái thác.
* Thưa bà Việt Thu, trong dịp tết, nếu phát hiện thực phẩm không an toàn, tôi có thể đến Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để khiếu nại, phản ảnh không? Hay phải qua tết mới được? Vì thực phẩm tết để qua tết có thể bị hư luôn rồi.(nhật linh, 32 tuổi, reida_wayback@...); (trọng hoàng, 61 tuổi, HoangT.Trong.ll@...)
* Khi đi du lịch trong nước, nếu dùng phải thực phẩm bẩn thì tôi nên liên hệ với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào, hay các cơ quan chức năng nào?(dương trí, 34 tuổi, will.23@...)
- Bà Phan Thị Việt Thu:
Tôi xin trả lời chung cho những câu hỏi có cùng nội dung.
Đối với thực phẩm không an toàn, vấn đề giải quyết cần phải nhanh chóng trong khi Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ có chức năng hòa giải giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, cho nện người tiêu dùng trong trường hợp này nếu phát hiện, nên đến trực tiếp ngay với các cơ quan chức năng như Ban quản lý chợ, Ủy ban nhân dân phường hoặc Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm để vừa bảo vệ quyền lợi của chính mình, vừa thông báo cho các cơ quan quản lý kịp thời ngăn chặn nhằm bảo vệ quyền lợi chung của cộng đồng.
* Hàng hóa được bán trong siêu thị liệu có thể chắc chắn là không phải thực phẩm bẩn hay không? Và nếu phát hiện thực phẩm bẩn sẽ giải quyết như thế nào? (Phạm Đình Trung, 21 tuổi, dinhtrung0312@...)
- Bà Phan Thị Việt Thu: Đã có những trường hợp hàng hóa bán trong siêu thị bị phát hiện không đảm bảo an toàn vệ sinh. Tuy nhiên các siêu thị hiện nay vẫn là nơi cung cấp hàng hóa đảm bảo được chất lượng.
Nếu người tiêu dùng phát hiện thực phẩm bẩn mua tại siêu thị thì việc giải quyết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ dễ dàng vì sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có nghĩa là có người chịu trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Nhà sản xuất hoặc là nhà phân phối sẽ là người chịu trách nhiệm đối với quyền lợi của người tiêu dùng.
* Tại sao các ngành chức năng không tổ chức kiểm tra chặt chẽ thực phẩm đầu vào mà để người dân phải tự tìm nơi mua thực phẩm sạch "bằng mắt thường". Phải chăng nhà nước không kiểm soát nổi hàng hóa và đây cũng là việc góp phần cho bệnh ung thư Việt Nam cao nhất thế giới. (Lê Võ Khánh Mai, 25 tuổi, cuunon@...)
- Bà Phan Thị Việt Thu:
Trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là của toàn xã hội, người tiêu dùng trước hết phải tự bảo vệ chính mình, sử dụng những quyền mà luật pháp đã dành cho mình trong đó có quyền chọn lựa, quyết định mua những sản phẩm an toàn cho sức khỏe của mình.
Việc kiểm tra chặt chẽ thực phẩm đầu vào trên thực tế là một việc rất khó khăn ngay cả ở các nước tiên tiến cũng vẫn chưa đảm bảo được tuyệt đối chất lượng sản phẩm trong bối cảnh thị trường đa dạng như hiện nay. Do đó người tiêu dùng cần nâng cao kiến thức để có thể chọn lựa 1 cách tốt nhất sản phẩm an toàn cho chính mình.
* Cứ vào dịp cuối năm là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại nóng lên, vậy chúng ta đã có biện pháp căn cơ nào để xử lý mạnh tay với vấn đề này chưa? Xin cảm ơn. (Hoàng Thị Hường, 25 tuổi, dohoang_1986@...)
- Bà Phan Thị Việt Thu:
Các cơ quan quản lý nhà nước cụ thể như là Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố và các đơn vị chức năng ở cấp quận huyện và phường xã đều thường xuyên kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố và đã có biện pháp xử lý như tiêu hủy sản phẩm, phạt tiền người bán...
Tuy nhiên sự hợp tác của người tiêu dùng rất cần thiết, thể hiện qua việc phát hiện, thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng, đồng thời tẩy chay không mua những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, cũng sẽ góp phần khắc phục tình trạng thực phẩm bẩn.
* Không biết cô Thu có theo dõi vụ án "con ruồi" với 500 triệu của anh Minh ở Tiền Giang với cty Tân Hiệp Phát không? Cô Thu cho hỏi là nếu phát hiện sản phẩm có vấn đề thì quy trình khiếu nại như thế nào là đúng luật?(Bảo Hòa, 28 tuổi, lebaohoagl@)
- Bà Phan Thị Việt Thu:
Tôi có theo dõi vụ án "con ruồi".
Nếu phát hiện sản phẩm có vấn đề thì theo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng trước hết phải liên hệ với đơn vị sản xuất hoặc đơn vị phân phối để phản ảnh và đề nghị giải quyết bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đó là giai đoạn gọi là "thương lượng".
Nhà sản xuất có trách nhiệm phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Nếu không thương lượng được, người tiêu dùng tiếp bước thứ 2 là liên hệ với tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nhờ can thiệp.
Tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ tổ chức phiên hòa giải giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp trên cơ sở luật pháp để tìm giải pháp giải quyết hợp lý.
Trong trường hợp không hòa giải được thì người tiêu dùng có quyền khởi kiện tại tòa án.
* Xin hỏi bà Phan Thị Việt Thu, hiện nay trên thị trường hàng nhái hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tràn lan vậy ai là người chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Khi phát hiện sản phẩm không đảm bảo an toàn thì báo cho ai? Ai sẽ xử lý? Chứ nếu mà báo cũng như không, hay làm qua loa thì cũng chả ăn thua gì, mà còn lại đi tù như vụ "con ruồi trong chai nước " của Tân Hiệp Phát nữa thì mệt lắm.
Qua vụ chai nước ngọt của THP có ruồi thì Hội bảo vệ người tiêu dùng có động thái gì để giúp anh Minh chưa?(Thái Khang, 29 tuổi, maiyeu_dt_dk@...)
* Bà Phan Thị Việt Thu: Chào bạn,
Đối với hàng nhái, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, thực phẩm bẩn...hiện đang tràn lan trên thị trường thì dĩ nhiên trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên người tiêu dùng cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì nếu người tiêu dùng sử dụng đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo luật pháp. Nên tẩy chay hàng nhái hàng giả, hàng bẩn, chỉ nên mua những loại hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, có hóa đơn chứng từ...và sẵn sàng thông báo khi phát hiện hàng giả hàng nhái... cho các cơ quan quản lý nhà nước để có biện pháp xử lý kịp thời thì cũng sẽ góp phần rất lớn ngăn chặn tình trạng này.
Người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm không đảm bảo an toàn thì báo cho cơ quan chức năng như: Ban quản lý chợ, chính quyền địa phương hoặc Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời cũng có thể phản ảnh cho các phương tiện truyền thông để thông báo rộng rãi cho toàn xã hội.
Đối với vụ "con ruồi" thì người tiêu dùng phải yêu cầu THP giải thích, và đề nghị cho kiểm nghiệm chai nước có chứa con ruồi cũng như mẫu lưu của lô hàng này, đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra việc sản xuất của THP.
Bởi vì người tiêu dùng không chỉ vì quyền lợi riêng mình mà còn vì quyền lợi chung của tất cả người tiêu dùng khác. Trong trường hợp này thì người tiêu dùng đã quên nghĩa vụ của mình đối với toàn xã hội và có ý muốn thỏa hiệp với doanh nghiệp để bao che cái không đúng.
* Xin cung cấp địa chỉ, điện thoại, cách liên lạc nhanh... với Hiệp Hội bảo vệ người tiêu dùng để người dân biết. (Lê Văn Quảng, 50 tuổi, ltquang53...)
- Bà Phan Thị Việt Thu:
Văn phòng Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM đang tạm đặt tại số 524/3 Hà Huy Giáp, Phường Thạnh Lộc, Quận 12 TP.HCM và đang dự kiến chuyển đến một địa điểm khác sẽ thông báo sau. Để liên lạc nhanh, có thể gọi số 0908 320 991.
Cám ơn bạn đọc đã quan tâm theo dõi và đặt câu hỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận