12/04/2015 08:47 GMT+7

​Cùng dân làm giàu trên vùng đất cằn

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TT - Quyết định mang hết vốn liếng về vùng núi trọc (xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) để an cư của kỹ sư Nguyễn Đức Tuệ nhận được những lời can ngăn của tất cả những ai biết anh.

Anh Tuệ (trái) trao đổi kinh nghiệm với anh Thế (một hộ dân trồng cà gai leo) về cách chăm sóc - Ảnh: Trần Mai

Bởi chẳng ai nghĩ rằng ở vùng đất cằn cỗi này, khi nhà nhà phải “Nam tiến” mưu sinh, anh Tuệ (38 tuổi) lại có thể biến đất thành tiền.

Đó là một mô hình kinh tế rất mới mẻ và đạt hiệu quả cao. Hội nông dân đang liên kết với anh Tuệ để mở rộng mô hình này. Nhất là các vùng đồi cằn cỗi đang bỏ hoang
Ông NGUYỄN SINH 
(chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Trung)

Khốn đốn vì tin đồn

Núi trọc giờ đã được phủ xanh bởi cà gai leo, cả một vùng đất từ vườn nhà lên đến đỉnh đồi được người dân chăm trồng. Để được quả ngọt ngày hôm nay, có thời gian anh Tuệ “đơn thương độc mã” trước tin đồn anh lừa người dân trồng cà gai leo bán cho Trung Quốc.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hơn 15 năm làm việc kinh doanh máy tính, Tuệ kiếm được số tiền kha khá, anh quyết định khăn gói về quê khi công việc đang diễn ra rất tốt đẹp.

Lý giải việc này, Tuệ nói: “Tôi là con cả trong dòng họ. Nếu ở trong TP.HCM mãi thì mồ mả ông bà không ai chăm. Và tôi nghĩ chỉ cần tìm được hướng đi phù hợp thì ở đâu cũng có thể làm giàu được”.

Để chuẩn bị một công việc trên vùng đất mà người dân phải rời làng đi để có cuộc sống khấm khá hơn, anh Tuệ lên mạng tìm hiểu cây trồng thích hợp có thể làm giàu được. Những ngày đó, báo chí đăng tin người dân đang “tận diệt” cây cà gai leo ngoài tự nhiên để bán cho thương lái.

Tìm hiểu, anh biết có nhiều công trình khoa học về giá trị dược liệu của loài cây này. Nhiều công ty dược liệu đang cần nguồn hàng lớn để chế biến thuốc chữa bệnh gan.

Năm 2013, anh liên hệ với trung tâm cung cấp giống cà gai leo mang về trồng thử nghiệm tại vườn nhà mình. Cây phát triển tốt, sau ba tháng anh thu về 16 triệu đồng/1.000m2 vườn nhà.

Lúc này anh bắt đầu thuê đất ở các khu đất đồi để trồng. Đồng thời anh phổ biến cho người dân cùng trồng, bởi anh có thể ký được nhiều hợp đồng cung ứng cả nghìn tấn cà gai leo cho các công ty dược liệu. 

Thế nhưng cuộc mưu sinh chẳng có gì dễ dàng. Anh Tuệ kể: “Đợt đó, tôi xuống giống trúng mùa mưa, cây chết hết. Những người dân mà tôi đưa giống cũng vậy. Từ đó có tin đồn tôi lừa người dân trồng cà gai leo để bán cho Trung Quốc. Người dân nghe vậy chẳng ai dám trồng”.

Quyết tâm

Anh Tuệ kể: “Hồi đó tôi bỏ gần 400 triệu đồng mua giống để bà con trồng. Khi nào có thu thì trả lại, vậy mà cây chết hết nên tôi mất trắng, lại thêm người ta dị nghị. Nhưng tôi nghĩ mình không làm gì khuất tất, nếu cây trồng thành công và phát triển ổn định thì người dân sẽ tin tưởng trở lại”.

Quyết tâm, anh bỏ thời gian ra ngoài tự nhiên xem đặc tính sống của cà gai leo, thấy cây bám trong những cây tự nhiên dưới bóng râm, anh thử nghiệm theo cách này thêm một lần nữa nhưng thất bại, cây sống 100% nhưng phát triển rất chậm.

“Người ta nói chắc tôi là thằng mọt sách, chỉ biết nông nghiệp trên sách vở nên mới liều thế. Vùng đất cằn cỗi này đến cây keo còn khó sống nổi, nói gì đến cây dược liệu” - anh nói.

Anh bỏ thời gian ra tận Hà Nội gặp các chuyên gia nông nghiệp và đến Công ty TNHH Tuệ Linh - một địa chỉ tin cậy trong bào chế cây cà gai leo - để tìm kiếm thêm thông tin. Chuyến đi ấy đã cho anh nhiều kinh nghiệm.

Cây cà gai leo không đòi hỏi cao về công chăm sóc nhưng bù lại người trồng phải thật sự am hiểu nó. Sau lần đó, anh thay đổi hẳn cách trồng: “Tôi trồng theo phương thức thâm canh như các cây nông nghiệp khác với sự tư vấn của các chuyên gia trồng và chăm sóc cây dược liệu. Cứ 1.000m2 tôi trồng 10.000 cây, mùa nắng chủ yếu tưới nước cây sẽ phát triển tốt. Mùa mưa thì phải bón thêm kali cho thân cứng, không bị thúi gốc” - anh Tuệ chia sẻ.

Sau những lứa cà gai leo thành công trên chính mảnh đất cằn cỗi, anh Tuệ lập tức thu hút trở lại sự chú ý của người dân, nhất là khi các công ty dược liệu uy tín trong nước đến đặt vấn đề mua cà gai leo với số lượng lớn.

Tin đồn cũng được đánh tan từ đó. Những người một thời không tin tưởng anh đã trở lại liên hệ lấy cà gai leo về trồng.

Người dân hưởng lợi

Cho đến nay đã có gần 100 hộ dân trồng cây dược liệu này. Ai cũng vui khi có hướng thoát nghèo bền vững. Cây giống đã có công ty dược liệu cung ứng, đầu ra anh Tuệ ký hợp đồng bao tiêu. Sau một năm trồng cà gai leo, 1.500m2 đất của nhà anh Nguyễn Thế đã cho lãi ròng hơn 100 triệu đồng.

Người nông dân có khuôn mặt cháy đen vì nắng này không thể nào ngờ có thể kiếm được số tiền như vậy trên chính quê hương mình. “Lúc đầu tôi cũng sợ, giờ thì rất an tâm bởi trồng ra bao nhiêu Tuệ mua bấy nhiêu cho mấy công ty dược liệu” - anh Thế nói.

Mỗi năm anh Tuệ ký hợp đồng 400 tấn cà gai leo khô với các đối tác. Con số này còn có thể cao hơn, nhưng do không đủ hàng cung cấp nên anh Tuệ chưa dám ký.

Những người nông dân chân lấm tay bùn bao đời bỗng chốc am hiểu về GACP (tiêu chuẩn của WHO về dược liệu sạch) và thực hành rất tốt.

Nhà ông Nguyễn Khắc Lực và Nguyễn Hường (xã Hành Trung) đang phát triển cây cà gai leo cho biết: “Chúng tôi tuân thủ cách chăm sóc mà Tuệ truyền đạt theo chất lượng GACP. Chúng tôi kiếm tiền trên mảnh đất này là nhờ có Tuệ, nên bây giờ Tuệ nói cái gì tụi tôi cũng tin”.

 

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên