Phóng to |
Bơi lội là một trong những cách rèn luyện thể chất cho các bé - Ảnh: Thái Bình |
Vậy theo các chuyên gia tâm lý, giáo dục, làm sao để chuẩn bị cho con trẻ vượt “cửa ải” đầu tiên?
Sức khỏe trước đã
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hoa Mai, nguyên cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, cảnh báo trẻ dưới 6 tuổi bị bắt buộc luyện viết, làm toán sẽ căng thẳng tâm lý vì “quá sức”, chưa kể lúc vào lớp 1 sẽ lơ là do đã biết trước, đến khi gặp kiến thức mới thì hụt hẫng. Ngược lại, trẻ “mới toanh” sẽ háo hức khám phá kiến thức. “Nhiều trẻ đến học kỳ II của lớp 1 đã vượt qua các bạn học trước chương trình”, bà Mai nói. Dẫu vậy, bà Mai và các chuyên gia giáo dục khẳng định việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 là rất cần thiết để trẻ ít bị sốc khi chuyển từ môi trường mầm non vốn “chơi là chính” sang môi trường học tập “nghiêm túc” - nền tảng cho các lớp trên.
"Mỗi ngày vẽ gương mặt cười, bông hoa, chim thú gì đó rồi ghi “yêu con”, “hôn con”, sau đó ghi thêm ngày tháng, số điện thoại và ký tên... vào một tờ giấy nhỏ rồi đút vào túi áo trẻ. Chỉ vậy thôi nhưng trẻ có cảm giác cha mẹ luôn bên cạnh mình" |
Chuẩn bị “tầm xa”
Không chỉ thể chất, trẻ sắp vào lớp 1 cần sẵn sàng về mặt nhận thức. Đó là khả năng hiểu biết cơ bản về thời gian, môi trường tự nhiên (cây cối, con vật), môi trường xã hội (gia đình, nhà trường)... Theo các chuyên gia, cha mẹ cần mở rộng không gian hoạt động của trẻ như tổ chức đi chơi, thăm nhà người thân, xem phim, du lịch. Để phát triển trí nhớ, cha mẹ có thể hỏi trẻ các dãy số (số nhà, điện thoại), kỷ niệm cũ, kể lại câu chuyện từng nghe.
TS Lan Hương phân tích trẻ vào lớp 1 cần sẵn sàng về mặt ngôn ngữ để có thể hiểu lời nói của người khác và nói rành mạch để người khác hiểu mình. Muốn vậy cha mẹ cần đọc sách, kể chuyện thiếu nhi hằng ngày và yêu cầu trẻ kể lại bằng lời của trẻ, ngoài ra còn dạy trẻ các bài thơ, ca dao, bài hát. Quan trọng nhất là cha mẹ biết lắng nghe, động viên trẻ nói, khen trẻ dùng câu, từ chính xác và từ mới.
Bà Hương cho rằng trẻ vào lớp 1 cần sẵn sàng về mặt cảm xúc, trước hết là tin vào bản thân: không căng thẳng khi xa cha mẹ, không sợ mắc lỗi, dám làm những việc mới... Đến trường với cảm xúc vui vẻ sẽ giúp trẻ dễ hòa đồng với bạn mới do dễ chấp nhận sự khác biệt, hợp tác, tôn trọng, giúp đỡ bạn. Bà Hương nói: “Trẻ sẽ tự tin hơn nếu cha mẹ khen khi trẻ nỗ lực tự giải quyết vấn đề, chỉ giúp đỡ khi trẻ yêu cầu”.
Sẵn sàng vượt “cửa ải”
Theo ThS Trần Thị Ái Liên, sự chuẩn bị vào lớp 1 cần tập trung vào khoảng hai tháng trước “giờ G”. Trước tiên là mua sắm trang phục và đồ dùng học tập, nhưng cần biến việc này thành sự kiện đặc biệt trong đời khiến con trẻ cảm thấy rạo rực. Việc thứ hai là chuẩn bị về mặt tinh thần. Theo bà Liên, cha mẹ có thể dẫn trẻ cùng đi chọn trường hoặc khám phá chi tiết ngôi trường đã chọn qua. Việc gặp gỡ thầy cô, giới thiệu nề nếp sinh hoạt để mai kia trẻ ít bỡ ngỡ. Bé ở trường về, cả nhà xúm lại phân vai trong trò chơi học lớp 1: chuông reo, xếp hàng vào lớp, cô giáo giảng bài, học sinh phát biểu và được khen. “Chơi một, hai lần thôi để gieo vào đầu trẻ rằng đi học là chuyện vui” - bà Liên phân tích.
Giao tiếp là kỹ năng quan trọng đầu tiên cần chuẩn bị khi đến môi trường mới, nhưng với trẻ vào lớp 1 thì đơn giản chỉ là cách bắt chuyện, làm quen và hợp tác với bạn. Cha mẹ cần dạy trẻ cách đặt câu hỏi mở để động viên bạn nói, lắng nghe ý kiến của bạn, chia sẻ thức ăn hay đồ chơi để xây dựng tình bạn. Ngoài ra, cần dạy trẻ cách tự chăm sóc bản thân: soạn cặp vở, mang giày, mặc quần áo, rửa tay đúng cách...
Về kỹ năng tự bảo vệ, cha mẹ cần dạy trẻ tránh những đồ vật có thể rớt trúng, tránh xa lửa, nguồn điện và vật nóng, không đi theo người lạ để tránh bị bắt cóc. Cha mẹ cần lưu ý trẻ không cho người khác đụng chạm những vùng cơ thể nhạy cảm (phía trước thì từ cổ đến giữa đùi, phía sau thì tránh vùng mông). Theo bà Liên, cha mẹ nên cùng trẻ lập thời khóa biểu và giúp trẻ rèn luyện theo trong ít nhất ba tuần trước “giờ G”.
Ngoài ra, hằng ngày cha mẹ cần hỏi thăm về chuyện ở trường của trẻ qua cách “làm gương” chia sẻ công việc một ngày của mình trước, sau đó đặt các câu hỏi mở: hôm nay đi học có chuyện gì vui, có bạn nào đánh bạn nào không, có bạn nào giúp đỡ con, bạn nào làm việc tốt, bạn mới quen tên gì... Bà Liên phân tích: “Trẻ sẽ an tâm đến lớp khi cảm nhận được cha mẹ luôn quan tâm và dõi theo từng bước chân mình”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận