23/04/2017 11:21 GMT+7

Cùng “cháy” với VUG 2017

PHƯƠNG THẢO
PHƯƠNG THẢO

TT - Giải thể thao sinh viên - Vietnam University Games (VUG) 2017 là cơ hội để hàng trăm sinh viên từ 24 trường đại học ở Hà Nội được thỏa niềm đam mê và “cháy” hết mình trên sàn đấu...

Sôi động từ trong cho đến ngoài sân đấu. Ảnh: CTV
Sôi động từ trong cho đến ngoài sân đấu. Ảnh: CTV


 

VUG 2017 là giải đấu do Trung ương Hội Sinh viên VN phối hợp với Công ty TNHH XLE được tổ chức dưới hình thức thi đấu đồng đội, với hai bộ môn chính là bóng đá trong nhà (futsal) và nhảy đối kháng (dance battle). Trải qua 5 mùa giải, đến nay VUG đã có mặt tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, thu hút sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo sinh viên.

Cảm xúc máu lửa

Là khán giả của bộ môn dance battle từ khi còn là học sinh cấp III, Lê Minh (20 tuổi) - thành viên của đội dance battle Đại học Thăng Long - đã được “truyền lửa” bởi những bước nhảy điêu luyện của các anh chị sinh viên trên sàn đấu. Khao khát được đứng trên sân đấu của VUG, Minh tham gia vào đội tuyển của Trường Thăng Long ngay khi mới bước chân vào cổng đại học.

Còn theo Đỗ Đình Nhật Anh (20 tuổi) - thành viên đội dance battle Đại học Khoa học xã hội và nhân văn: “Năm ngoái, tôi đã tham dự dance battle cùng đội Khoa học xã hội và nhân văn. Lần đầu tiên đứng trên sân thi đấu, tôi thích cảm giác được đối mặt với các đối thủ và được thử xem giới hạn của bản thân mình đến đâu. Cái cảm xúc đó rất hăng, rất máu lửa giống như mình dồn toàn bộ năng lượng của mình vào đó vậy”.

Vượt qua nỗi lo chấn thương

Tuy nhiên, để chuyển hóa đam mê thành những màn trình diễn khiến các CĐV phải bật dậy reo hò, các sinh viên phải tập luyện liên tục hàng giờ trên những sân bãi ximăng không đảm bảo an toàn. Dù chỉ sơ sẩy một chút là có thể bị chấn thương nhưng không ai chùn bước vì quá đam mê.

Cụ thể, do tập quá hăng nên Đỗ Đình Nhật Anh bị dính chấn thương ở vùng lưng. “Tôi bị đau lưng ngay trước khi đấu vòng loại đúng một tuần. Rất may, chấn thương không quá nghiêm trọng nên tôi vẫn có thể thi đấu. Nhưng dù có nặng nữa, tôi cũng chỉ giảm độ khó của bài tập xuống thôi chứ bỏ thì không đành” - Nhật Anh nói.

Nguyễn Thắng (22 tuổi) - đội trưởng đội dance battle Đại học Thương mại - cho biết trong một lần diễn trick (những động tác khó), do tiếp đất không đúng kỹ thuật, anh bị gãy xương ngón út bàn tay phải. Để tránh chấn thương, ngoài việc cẩn trọng trong lúc tập luyện, nhiều đội còn tự bỏ tiền túi để thuê các phòng tập bên ngoài hoặc mua các thiết bị bảo hộ như thảm tập, găng tay, găng bó gối...

Dương Tất Thành (22 tuổi) - chủ nhiệm CLB đội nhảy Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - cho biết các thành viên trong đội đã hùn 4 triệu đồng để mua 16 miếng thảm tập loại chuyên dụng dành cho các VĐV môn cheerleading (nhảy cổ động). Ngoài ra, đội còn đầu tư loa di động với giá 1,5 triệu đồng và thuê thêm phòng tập bên ngoài với giá 100.000 đồng/giờ để đảm bảo việc tập luyện diễn ra đúng tiến độ. Ngoài ra, sự hỗ trợ của ban tổ chức và nhà trường cũng giúp các sinh viên đỡ được phần nào chi phí.

“Chảo lửa” thu nhỏ của sinh viên

Nếu âm nhạc và những điệu nhảy của dance battle mang lại nguồn cảm hứng trẻ trung, hiện đại thì những trận cầu nảy lửa ở môn futsal cho thấy sức sống mãnh liệt của bóng đá sinh viên khi toàn bộ ghế ngồi ở nhà thi đấu Bách Khoa không còn chỗ trống. Bên ngoài lối vào nhà thi đấu, rất nhiều CĐV đến muộn chỉ có thể đứng nghe ngoài cửa, thỉnh thoảng lại lách vào đứng trên sân để quan sát...

Để có thêm chỗ, đội trưởng của các đội cổ động đã phải bắc loa yêu cầu các CĐV không ngồi mà đứng sát vào nhau để tranh thủ thêm chỗ cho những người khác. Nhà thi đấu Bách Khoa với sức chứa chỉ khoảng 2.000 khán giả nhưng thực tế phải đến hơn 3.000 CĐV đã cùng có mặt trên sân để cổ vũ cho các đội. Khi trận đấu chưa diễn ra, các CĐV không ngừng hát, hô khẩu hiệu, kèn trống cổ động để tăng thêm sĩ khí cho đội nhà. Tất cả tạo nên một bầu không khí sục sôi, một “chảo lửa” thu nhỏ dành riêng cho các sinh viên.

Dù đội nhà thắng hay thua, cả VĐV lẫn CĐV đều giữ tinh thần thể thao rất đáng khen. Sau khi dừng chân tại bán kết trước đội Đại học Giao thông vận tải, một CĐV của Đại học Thủy lợi cho biết tuy rất buồn bởi đội nhà không vào được chung kết nhưng các cầu thủ đã thi đấu hết mình để CĐV có cơ hội được cùng nhau cổ động. Đó mới chính là lý do để các CĐV luôn có mặt trên sân.

PHƯƠNG THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: VUG dance battle sinh viên