Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, theo Cục Hàng không, thời gian gần đây nhiều phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội phản ánh thông tin nhiều chiều về việc giá vé máy bay tăng cao bất hợp lý.
Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị hành khách mua vé máy bay các hãng hàng không Việt Nam thời gian qua phản ánh thông tin, tài liệu xác thực về việc đã phải mua vé máy bay giá cao so với quy định.
Có nhiều cách để xác minh
Đặt vấn đề về việc trên, bạn đọc nickname Đồng Nai bức xúc: "Tại sao không yêu cầu hãng hàng không gửi mà bắt hành khách gửi? Trong khi dữ liệu giao dịch đã được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu?".
Cho rằng đây là cách làm không hợp lý của Cục Hàng không, bạn đọc có nickname Tmh cũng viết: "Cần gì phải đề nghị khách hàng cung cấp. Bản thân số liệu đã nói rõ là giá vé tăng từ 11% đến 26% là bất hợp lý rồi".
Theo bạn đọc Trần Bình Trọng, việc kiểm tra giá vé máy bay có hợp lý hay không là trong tầm tay của Cục Hàng không, sao lại đẩy cái khó về khách hàng.
"Chỉ cần mở hệ thống bán vé của các hãng là có tất cả dữ liệu lưu trữ. Không nên làm mất thời gian của nhau như thế", bạn đọc này bổ sung.
Còn bạn đọc Hoàng Xích Lô nêu ý kiến: "Sẽ không có khách hàng nào dành thời gian để làm việc này, bởi nếu có cung cấp thông tin thì chắc gì được hoàn tiền. Cục đã đẩy việc lại cho khách hàng".
Đề nghị cơ quan cấp cao hơn vào cuộc
Cho rằng giá vé máy bay cao là vấn đề gây bức xúc cho khách hàng trong thời gian dài, nhiều bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng phải quyết liệt hơn để mang lại lòng tin cho khách hàng.
"Không phải để người dân phản ánh mới kiểm tra, mà nên so sánh giá của các hãng máy bay nước ngoài họ đang làm dịch vụ, kèm theo giá du lịch đi qua nước của họ", bạn đọc Hạnh nêu ý kiến.
Bạn đọc Mr. Quang thì đề nghị: "Cơ quan cấp cao hơn nên vào cuộc chấn chỉnh các hãng hàng không, chứ để thế này chỉ kìm hãm các ngành nghề du lịch và dịch vụ với các khoản phí "trên trời"".
Cùng quan điểm, bạn đọc Hồng Mai viết: "Những điều này đã tồn tại từ lâu nay chẳng lẽ các đơn vị có liên quan không nhận ra? Nhất là việc thu thêm đủ loại phí, rồi khách hủy vé không đi mà vẫn phải trả những khoản chi phí chưa sử dụng đến, hết sức vô lý".
Thêm góc nhìn, bạn đọc nickname Người Qua Đường đề nghị: "Muốn giải quyết dứt điểm chuyện giá vé máy bay cao cần giao cho cơ quan độc lập, chứ giao Cục Hàng không hoặc các cơ quan liên quan thì khó minh bạch được".
Bao nhiêu bằng chứng, Cục Hàng không mới xử lý vụ giá vé máy bay cao?
Xung quanh việc Cục Hàng không yêu cầu hành khách nào nghĩ mình mua vé giá cao bất thường thì phải liên hệ với cục, kèm bằng chứng đầy đủ thì mới xem xét, xử lý, tôi nghĩ đây không chỉ là yêu cầu thiếu trách nhiệm, đùn đẩy cái khó về cho hành khách, mà còn cho thấy sự yếu kém trong việc quản lý của cơ quan đầu ngành.
Lẽ ra, việc tìm bằng chứng, việc theo dõi, đốc thúc các hãng đưa ra mức giá hợp lý phải là việc của cục, sao lại yêu cầu hành khách phải thực hiện việc này? Và phải có bao nhiêu bằng chứng thì cục mới xử lý, liệu có xử lý triệt để không, hay vẫn "tít mù rồi lại vòng quanh", quay về điểm ban đầu?
Các ý kiến đã chỉ ra rất nhiều bất thường trong cơ cấu giá vé máy bay, trong việc thu thuế phí chồng nhau hòng lách việc vi phạm giá trần nhưng đến nay vẫn chưa thấy bất kỳ hướng xử lý hợp tình hợp lý nào của Cục Hàng không.
Khách hàng ngán ngẩm với kiểu "con làm, cha kiểm tra" như hiện tại, dù rằng việc lập đoàn kiểm tra liên ngành là không hề khó.
Nhưng vì sao Cục Hàng không không muốn làm đến nơi đến chốn, góp phần hạ nhiệt giá vé máy bay nội địa, đưa giá vé về đúng với giá trị thật của nó?
Về việc Cục Hàng không lẫn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng thuế phí đang khá thấp, không thể làm giá vé tăng cao, nhưng không thể giải thích vì sao giá vé máy bay lại đang thật sự "trên trời" như hiện nay, tôi thấy có nhiều điểm bất hợp lý.
Để thử so sánh, tôi đã kiểm tra giá vé của ba hãng hàng không quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, với điều kiện vé khứ hồi, cùng khởi hành vào đầu tháng 6-2024, trong cùng khung giờ từ 11h-12h, có độ dài đường bay và thời gian gần như tương đồng nhau, cùng nối thủ đô và một thành phố du lịch nổi tiếng, và lấy giá vé thấp (còn đang bán vé tại thời điểm kiểm tra) vào khung giờ kể trên.
Và đây là kết quả:
| Vietnam Airlines (chặng: Hà Nội - Đà Nẵng) | Thai Airways (chặng: Bangkok Suvarnabhumi - Phuket) | Malaysia Airlines (chặng: Kuala Lumpur - Langkawi) |
Thời gian bay thực tế | ~55 phút | ~60 phút | ~65 phút |
Giá vé (chưa gồm thuế, phí) | 2.598.000đ | 3.470 baht (~2.117.498đ) | 234 MYR (~1.267.854đ) |
Phí quản trị hệ thống | 900.000đ | 0 | 0 |
Phụ phí xăng dầu | 0 | 0 | 24 MYR (~130.036đ) |
Các loại thuế thu theo quy định của quốc gia sở tại/thu hộ các đơn vị kinh doanh hàng không khác | 446.000đ | 260 baht (~158.659đ) | 44,64 MYR (~241.868đ) |
Tổng cộng | 3.944.000đ | 2.276.157đ | 1.639.758đ |
Như vậy, có thể thấy thuế phí của Vietnam Airlines nói riêng và của hàng không Việt Nam nói chung, áp dụng cho các chuyến bay nội địa, cao hơn hẳn so với hai quốc gia khác là Thái Lan và Malaysia, hoàn toàn không thấp hơn các quốc gia khác như ACV đã giải thích.
Bên cạnh đó, giá vé chưa thuế phí của Vietnam Airlines cũng cao hơn hẳn. Chưa kể khoản "phí quản trị hệ thống" là loại phí rất lạ mà hành khách đi các hãng bay của Việt Nam phải trả, trong khi tôi chưa thấy loại phí này ở những nước tôi đã từng đi qua.
* Tính theo tỉ giá niêm yết ngày 7-5-2024 của Vietcombank
MẠNH QUANG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận