Bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người già. Các biến chứng nguy hiểm thường gặp là viêm phổi, viêm não. Trong đó có một số bệnh nhân mắc cúm phải thở máy.
Nhiều bệnh nhân cúm mùa biến chứng nặng
Những ngày gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận số bệnh nhân mắc cúm mùa gia tăng. Mỗi ngày có khoảng 15 bệnh nhân nhập viện (cả người lớn lẫn trẻ em).
Ngày 7-2, bệnh viện tiếp nhận 13 bệnh nhân mắc cúm mùa (cả cúm A và cúm B). Đáng lưu ý, một số người cao tuổi bị biến chứng viêm phổi nặng do cúm.
Còn tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, từ tháng 10-2024 đến nay bệnh viện này đã khám và điều trị tổng số hơn 1.500 ca mắc cúm.
Trong đó số ca có biến chứng và phải điều trị nội trú là hơn 200 ca. Đặc biệt, khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận một số trẻ mắc cúm có biến chứng viêm não. Hiện tại, khoa cũng đang điều trị một ca bệnh nhi 12 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, trẻ mắc cúm có biến chứng viêm não.
Từ ngày 3 đến 7-2, tức là sau kỳ nghỉ Tết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 15-20 trẻ mắc cúm. Bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức - phó trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hà Nội - cho biết: "So với thời điểm trước Tết, số bệnh nhi mắc cúm tăng 200%".
Theo TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội: "1 tháng trở lại đây bệnh viện tiếp nhận số ca mắc cúm có xu hướng tăng lên theo từng tuần. Số liệu này chưa thể hiện sự gia tăng bất thường của cúm so với các năm trước, mà số tăng theo chu kỳ mùa hằng năm.
Thường các ca cúm sẽ gia tăng đặc biệt vào mùa đông - xuân. Khi thời tiết miền Bắc giao mùa không chỉ gia tăng bệnh cúm, mà còn gia tăng các bệnh lý khác đường hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ".
Bệnh viện Nhi trung ương cũng đang điều trị cho một số bệnh nhân cúm nặng, gặp biến chứng viêm phổi, viêm não. TS.BS Đỗ Thiện Hải - phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương - cho biết: "Trung tâm chỉ tiếp nhận những ca cúm nặng. Hiện đang có một số trẻ mắc cúm mùa phải thở máy, điều trị dài ngày".
Theo các chuyên gia y tế, thời điểm hiện nay đang trong giai đoạn mùa đông xuân, là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc các bệnh như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...
Đặc biệt, dịp Tết và sau Tết, người dân di chuyển nhiều, thường đến nơi tập trung đông người như lễ hội khiến số ca mắc bệnh cúm càng có nguy cơ gia tăng. Trong những ngày thời tiết liên tục trở lạnh, mưa, gió mùa, bệnh cúm có chiều hướng gia tăng.
Cúm không phải bệnh xoàng
GS.TS Nguyễn Gia Bình - chủ tịch Hội Hồi sức, Cấp cứu và Chống độc Việt Nam - cho biết: Cộng đồng cần phân biệt rõ triệu chứng cảm lạnh và bệnh cúm. Cảm lạnh là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi, còn cúm là một bệnh do tác nhân là vi rút cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở... và có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị.
Thuốc kháng vi rút điều trị cúm là Oseltamivir (Tamiflu) giúp điều trị giảm nhanh triệu chứng, tuy nhiên cần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
Bệnh cúm mùa đã có từ rất lâu ở hầu hết các nơi trên thế giới, thường gây ra bởi vi rút cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp. Thế giới đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm với hàng trăm triệu người mắc và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
Trong năm 2024 và tính đến thời điểm hiện nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho hàng ngàn ca bệnh cúm mùa, trong đó có nhiều trường hợp nặng và phải thở máy. Năm 2024, cả nước ghi nhận 289.214 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Cúm quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trong những năm gần gây, Việt Nam chủ yếu vẫn ghi nhận 3 chủng cúm mùa lưu hành là A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, không ghi nhận sự gia tăng độc lực hay sự thay đổi đột biến nào từ các chủng cúm mùa này.
Việc thành lập và duy trì các đơn vị chuyên nghiên cứu về cúm ở một số viện đầu ngành cho thấy cúm là mối đe dọa thường trực với sức khỏe con người mà chúng ta không thể chủ quan.
Các chuyên gia dịch tễ cũng khẳng định: Cúm mùa thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Vậy nên người dân không nên quá hoang mang.
Tuy nhiên, bệnh có thể gây biến chứng hoặc tử vong ở nhóm người nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền…
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất
Vì tâm lý coi cúm là bệnh "xoàng" nên việc chích ngừa vắc xin cúm không được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên một tín hiệu đáng mừng, đó là vài năm trở lại đây số người chích ngừa loại vắc xin này gia tăng nhanh chóng.
Đặc biệt, từ đầu năm 2025, ghi nhận ở một trung tâm tiêm chủng lớn, lượng người dân chủ động đi tiêm cúm đã gia tăng gần 200% so với trước đây. Đặc biệt trên nhóm người lớn, người cao tuổi chiếm gần 50%.
Nhiều doanh nghiệp, đơn vị (nhất là doanh nghiệp nước ngoài) chích ngừa vắc xin cúm cho hàng trăm, hàng nghìn nhân viên. Vì cúm rất dễ lây nên chỉ cần một người mắc là cả bộ phận, phân xưởng bị ảnh hưởng.
Hiện Việt Nam có hai loại vắc xin cúm tứ giá thế hệ mới, phòng 4 chủng vi rút phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn.
Hiệu quả phòng bệnh đến 90% và ngăn biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp… Vắc xin cần tiêm nhắc lại hằng năm. Giá mỗi liều vắc xin cúm là khoảng 350.000 đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận