21/09/2024 12:13 GMT+7

Cụm dân cư vượt lũ hoang vắng, bài giải nào cho những lô nền trơ trọi hơn 20 năm?

Sau thiệt hại khủng khiếp do mùa nước lũ lịch sử năm 2000, năm 2001 một chương trình nhân văn với tên gọi 'Chương trình cụm - tuyến dân cư vượt lũ' chính thức được Chính phủ cho ra đời đã giúp cho hơn trăm ngàn hộ dân có 'mảnh đất cắm dùi'.

Cụm dân cư vượt lũ hoang vắng, bài giải nào cho những lô nền trơ trọi hơn 20 năm? - Ảnh 1.

Khu dân cư Phan Chí Thành (xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) hiện nay chỉ còn người già và trẻ em - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tuy nhiên đến nay, sau 23 năm từ khi chương trình được triển khai tại 8 tỉnh, vẫn còn có hàng ngàn lô nền trống không, nhà vượt lũ hoang phế đổ nát không người ở, khiến ai cũng có thể cảm nhận về sự lãng phí và mong mỏi sớm tìm ra cách khắc phục.

Những lô nền trơ trọi hơn 20 năm

Là tỉnh có diện tích lớn nhất ở vùng Đồng Tháp Mười, Long An đã triển khai cụm - tuyến dân cư vượt lũ từ đầu năm 2001 có tổng mức đầu tư hơn 938 tỉ đồng với 104 cụm và 61 tuyến dân cư vượt lũ.

Qua rà soát mới nhất, thực tế đang có 34.718 lô nền, trong đó có 18.167 lô nền có sở hữu bởi các diện đối tượng của chương trình, 16.551 lô nền bán sinh lợi. Ngoài ra còn 181 lô bố trí trạm y tế, trụ sở ấp...

Các cụm - tuyến dân cư vượt lũ này được trung ương cấp hơn 765 tỉ đồng vốn tôn nền (trong đó có hơn 365 tỉ đồng vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam). Bên cạnh đó, vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 136 tỉ đồng. Đến nay các địa phương đều đã hoàn tất nghĩa vụ hoàn trả nợ vay.

Tuy nhiên, chỉ mới 136 cụm - tuyến đảm bảo đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đạt khoảng 82%. Còn lại, 29 cụm - tuyến đến nay đã xuống cấp, chưa đảm bảo hạ tầng; 12 cụm - tuyến thiếu hạ tầng giao thông; 21 cụm - tuyến thiếu hệ thống thoát nước; 9 cụm - tuyến thiếu hạ tầng cấp nước và 11 cụm - tuyến thiếu hạ tầng cấp điện.

Đặc biệt, tỉ lệ người dân vào ở trong các nhà vượt lũ chỉ đạt 59,4%. Đến nay chỉ thống kê được 20.654 hộ vào ở, gồm 13.035 hộ thuộc diện đối tượng của chương trình và 7.619 hộ sinh lợi.

Nhiều cụm dân cư vượt lũ khi được quy hoạch còn mang một mục đích lớn lao hơn là hình thành điểm dân cư thiết yếu mới cho các vùng địa giới hành chính được phân bổ lại ở vùng Đồng Tháp Mười.

Tuy vậy đến nay, đơn cử như ở huyện Mộc Hóa (địa phương từ năm 2013 đã tách một phần diện tích lớn ở trung tâm huyện lỵ để thành lập thị xã Kiến Tường), các cụm dân cư trung tâm ở xã Bình Thạnh, Bình Hòa Trung, Bình Hòa Tây dù tất cả các trụ sở hành chính đã được xây dựng, nhưng dân cư vẫn khá thưa thớt.

Cũng tại địa phương này, hai tuyến dân cư vượt lũ Bình Hòa Trung và tuyến dân cư Cây Khô Lớn (xã Bình Thạnh) cũng thưa thớt, bỏ trống rất nhiều. Thậm chí một nửa đoạn tuyến dân cư vượt lũ ở xã Bình Hòa Trung đến nay chỉ là một dải nền trống chạy dài ven đường, không có nhà dân nào.

Một số cụm - tuyến dân cư vượt lũ khác trên địa bàn tỉnh Long An cũng tương tự, nhà cửa im lìm, nhiều căn đã đổ sập không có người ở.

Cụm dân cư vượt lũ hoang vắng, bài giải nào cho những lô nền trơ trọi hơn 20 năm? - Ảnh 2.

Khu dân cư Phan Chí Thành (xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) nhiều căn nhà xuống cấp, hoang vắng không người ở - Ảnh: BỬU ĐẤU

Không còn "sợ lũ", nhưng không có việc làm

Nguyên nhân lớn nhất vẫn là người dân ĐBSCL nhiều nơi đã không còn "sợ lũ", thậm chí những năm gần đây người dân còn phải quay sang "ngóng lũ" vì mùa nước nổi cứ ít dần. Cùng với đó, hệ thống đê bao, đường nông thôn được đầu tư tốt, người dân không cần phải "chạy lũ" nữa vì ngay trên đất nhà họ, cũng có nơi khô ráo đủ để xây dựng nhà cửa khang trang.

Những lô nền vượt lũ chỉ trên dưới 100m2, dù nằm ở trung tâm xã, cũng không còn hấp dẫn với những nông dân khoáng đạt quen cảnh "trời cao đất rộng".

"Năm 2000, toàn bộ chỗ đất nhà tui chìm trong biển nước. Ban đầu khi nghe có cụm dân cư vượt lũ, cũng có ý định đưa gia đình vào ở nhưng thấy mấy lô nền ở đó nhỏ quá. Với lại sau đó đường đê bao cắt ngang đất nhà, mình đắp nền lên dựng nhà ở luôn cho thoải mái. Về sau này thì có còn nước lũ gì nữa đâu" - anh Nguyễn Hiền, người dân ở xã Bình Hòa Trung, kể chuyện trong căn nhà của mình ở cách cụm dân cư vượt lũ trung tâm xã chừng 2km.

Bên cạnh việc không có người dân vào ở dẫn đến lô nền còn để trống, nhiều căn nhà ở các cụm - tuyến vượt lũ đến nay đã xuống cấp, bỏ hoang vì người dân đi làm ăn xa không quay về hoặc đã tìm được chỗ ở mới rộng rãi hơn nhưng nhà cũ (ở cụm - tuyến vượt lũ) vẫn chưa bán được.

Tại cụm dân cư Phan Chí Thành (xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) có rất nhiều ngôi nhà không người ở đã trở nên xập xệ. Nhiều căn đã có vách nhưng chưa kịp lợp tôn đến hơn 20 năm thành nơi cho cỏ cây chen lấn. Bà Võ Thị Gõ, sống ở khu dân cư này, cho biết gia đình bà từng ở cặp bờ kênh, 8 năm trước có người bán nền với giá 30 triệu đồng nên gia đình bà mua ở để khỏi lo sạt lở.

"Nhưng ở đây không có công ăn việc làm gì hết. Cả 5 đứa con tui đã đi Bình Dương rồi, còn có tui ở đây một mình". Bà Gõ cũng cho hay một số nền đã có người mua. "Một số người ban đầu mua thêm để cho con cháu về sau. Nhưng tụi trẻ có ai chịu ở lại đâu. Ở lại cũng không biết mần ăn gì nên đi hết", bà Gõ nói thêm.

Nói về chuyện việc làm, một lãnh đạo huyện Tân Hiệp cũng kể khó. "Huyện đâu có khu công nghiệp nào. Làm nông thì giờ đã có nhiều máy móc nên việc càng ít đi. Các khu dân cư vượt lũ đa số người dân đã đi lao động ngoài tỉnh hoặc ở các khu, cụm công nghiệp lớn", vị này cho hay.

Cụm dân cư vượt lũ hoang vắng, bài giải nào cho những lô nền trơ trọi hơn 20 năm? - Ảnh 3.

Nhiều gia đình từng vào ở cụm - tuyến dân cư vượt lũ nhưng sau đó rời đi nơi khác có hạ tầng tốt hơn, rộng rãi hơn. Trong ảnh: một ngôi nhà trong cụm dân cư Nam Hang, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Khi vận động người dân vào ở khu dân cư vượt lũ thì có chuyện người vào trước lấn nền của người vào sau, dẫn đến lệch diện tích nên khó cấp giấy. Có người yêu cầu đo đạc lại nhưng người kia không chịu. Có người cũng yêu cầu khôi phục mốc ranh nhưng không được, vì xung quanh là nhà có hết rồi. Cái khó là các khu dân cư đã lệch so với bản đồ ban đầu.
Một lãnh đạo UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết

Thêm rắc rối quyền sử dụng nền nhà vượt lũ

Ngoài những chuyện khách quan như lũ không về, không có việc làm... Sở Xây dựng TP Cần Thơ còn nhận định khi thực hiện chương trình xây dựng cụm dân cư vượt lũ, các quận huyện gặp khó trong việc người dân chuyển quyền sử dụng đất.

Hiện chưa có báo cáo kết quả rà soát các lô nền đã nhận chuyển nhượng mà không xây dựng nhà ở và chưa có sự phối hợp với Ngân hàng Chính sách để thu hồi nợ vốn vay đối với các trường hợp này.

Còn tại An Giang, tình trạng cấp giấy quyền sử dụng đất cho các nền khu dân cư vượt lũ bị "tắc" với nhiều lý do khác nhau. Cụ thể, huyện Tri Tôn có tổng số 2.404 nền nhà nhưng chỉ cấp giấy quyền sử dụng đất cho 50 nền nhà, đạt tỉ lệ 2,08%. Còn huyện An Phú có 8.910 nền nhà nhưng chỉ cấp giấy đất được 2.986 nền, đạt tỉ lệ 33,51%.

Ông Đỗ Minh Trí - phó chủ tịch UBND huyện Tri Tôn - cho biết trước đây, việc thiết kế các cụm dân cư chưa đầy đủ nên phải làm lại rất chậm theo quy trình. Một số lại vướng quy trình thu hồi đất của bà con.

"Có vài tuyến dân cư họ đăng ký đầy đủ nhưng không đến ở cũng không biết tại sao. Với các tuyến dân cư đã có người vào ở thì việc cấp giấy quá chậm. Sắp tới sẽ cố gắng cấp giấy cho bà con nhưng phải làm thận trọng theo đúng quy định pháp luật", ông Trí nói. Sở Xây dựng An Giang cho hay công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn tỉnh đã đạt 26.134/51.426, tỉ lệ 50,82%.

Bên cạnh đó, trong quá trình di dời khẩn cấp một số hộ dân bị sạt lở vào ở, huyện chưa kịp xin chủ trương từ UBND tỉnh, dẫn đến không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ bị ảnh hưởng, cũng như thu tiền sử dụng đất và tôn nền đối với các trường hợp này.

Ngoài ra, địa phương cũng đang đối mặt với tình hình nhiều hộ dân vay tiền vào mua nền ở cụm - tuyến dân cư vượt lũ nhưng chưa trả được. 

Sở Xây dựng cho biết đã kiến nghị UBND tỉnh trình Chính phủ cho phép tỉnh thực hiện cơ chế xóa nợ tiền vay nền cơ bản đối với các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách đang còn nợ tiền của tỉnh đối với phần nguồn vốn tỉnh đã vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Cụm dân cư vượt lũ hoang vắng, bài giải nào cho những lô nền trơ trọi hơn 20 năm? - Ảnh 4.

Một ngôi nhà vị trí mặt tiền đầu cụm dân cư Nam Hang, tỉnh Đồng Tháp dán bảng rao bán từ nhiều năm qua - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Tìm cách tránh lãng phí đất đai

Trước tình trạng còn nhiều lô nền bị bỏ trống, hoang vắng ở các cụm - tuyến dân cư vượt lũ tại ĐBSCL, các tỉnh đang tính đến nhiều phương án lấp đầy, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Đại diện phía Bộ Xây dựng cũng có ý kiến sẽ kiến nghị để cấp vốn thêm cho các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hùng - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An - cho biết hiện nay, UBND các huyện đã tập trung rà soát lại từng cụm - tuyến dân cư vượt lũ để làm cơ sở, đề xuất bổ sung kế hoạch vốn hằng năm nhằm nâng cấp hạ tầng.

UBND tỉnh Long An cũng đã có chỉ đạo phải tiếp tục sửa chữa, nâng cấp, đặc biệt với các tuyến đường chính để thu hút người dân vào trong các cụm - tuyến này.

UBND các huyện cũng thực hiện rà soát lại, trường hợp không còn hộ gia đình thuộc diện đối tượng để bố trí chỗ ở và đã giải quyết đủ chỗ ở cho các hộ dân vùng ngập lũ thì báo cáo, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương bán đấu giá những lô nền chính sách dôi dư theo quy định, lấy tiền duy tu, bảo trì hoặc đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật theo quy định.

Đối với các cụm - tuyến bỏ trống nhiều, sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương để UBND huyện thực hiện trình tự thủ tục điều chỉnh quy hoạch nhằm bố trí các điểm hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu hút người dân vào ở, tăng tỉ lệ lấp đầy.

Cụm dân cư vượt lũ hoang vắng, bài giải nào cho những lô nền trơ trọi hơn 20 năm? - Ảnh 5.

Cụm dân cư vượt lũ trung tâm xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, Long An qua 23 năm hình thành đã trở thành khu dân cư trung tâm của xã, nhưng vẫn còn rất nhiều lô nền trống - Ảnh: AN LONG

"Hoặc rà soát xong sẽ đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch thành đất dự trữ. Nêu rõ loại hình dự trữ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ có tổng kết đánh giá và kết thúc chương trình cụm - tuyến dân cư vượt lũ, các phần đất dự trữ thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương sẽ thực hiện đấu giá để phát triển kinh tế huyện", ông Hùng nói thêm.

TP Cần Thơ cũng đã có yêu cầu quận huyện rà soát với mong muốn tương tự như Long An, đến quý 1-2023 phải báo cáo nhưng đến nay vẫn có quận huyện chưa báo cáo hoặc có báo cáo nhưng không đạt yêu cầu, Sở Xây dựng đã nhắc nhở nhưng chưa nhận được báo cáo mới.

Một phương án khác để lấp đầy các lô nền trống, theo ông Mai Như Toàn - giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, là bố trí cho các hộ dân thuộc vùng ngập lũ hoặc trong các khu vực sạt lở nguy hiểm vào ở.

Nếu hết nhu cầu mà còn nền trống thì tham mưu UBND TP Cần Thơ tổ chức bán đấu giá theo quy định. Tại An Giang, một số địa phương cũng đã linh động bố trí các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở vào các khu đất công cộng trong các cụm - tuyến dân cư vượt lũ.

Còn tại Đồng Tháp, ông Trần Ngô Minh Tuấn - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này - cho biết đã ưu tiên bố trí các hộ dân trong khu vực sạt lở khẩn cấp vào các lô nền còn trống.

"Thời gian qua, các địa phương đã điều chỉnh quy hoạch các khu chức năng không còn phù hợp thành đất ở. Đồng thời rà soát nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn và chính sách ưu đãi cho người dân có nhu cầu", ông Tuấn nói.

Mặt khác, một số tỉnh tập trung tìm kiếm giải pháp việc làm để giải quyết bài toán căn cơ nhất cho các vùng nông thôn.

"Huyện đang phấn đấu tạo những cơ sở sản xuất nông nghiệp chuyên sâu để tạo công ăn việc làm cho bà con. Người dân hiện nay không phải như ngày xưa, tức là họ có ruộng nhưng vẫn cho thuê ruộng rồi đi làm thêm.

Do đó, không thể tránh khỏi các khu dân cư đóng cửa là vậy. Huyện có quy hoạch Cụm công nghiệp Thạnh Trị nhưng chưa hoàn thiện hết", một lãnh đạo Huyện ủy Tân Hiệp (Kiên Giang) thông tin.

Hoang vắng càng thêm hoang vắng

Ông Trần Ngô Minh Tuấn - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp - cho rằng còn có nguyên nhân khiến các cụm - tuyến dân cư vượt lũ ngày càng thêm hoang vắng vì nhiều hộ dân gặp khó khăn khi không có vốn đối ứng để xây nhà.

"Chính sách cho vay vốn ưu đãi xây dựng nhà kết thúc, một số địa phương còn dành quỹ nền để bố trí tái định cư và cho các hộ trong diện bị sạt lở khẩn cấp. Thêm nữa là hạ tầng kỹ thuật cụm - tuyến dân cư một số nơi không được đầu tư đồng bộ, xuống cấp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân".

Một lãnh đạo Huyện ủy Tân Hiệp, Kiên Giang thì cho hay huyện đã từng khảo sát và thực tế các khu dân cư từ cụm - tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn rất khó để ở. "Người nào có điều kiện thì họ xây dựng lại, còn với nhà xây sẵn thì không thể ở được do đường sá, nhà cửa nhỏ hơn nên khó sống, không còn phù hợp với hiện nay.

Vừa qua, huyện có hỗ trợ mấy trăm hộ nghèo để hoàn thiện nhưng không thể hỗ trợ, sửa chữa hoàn thiện thêm nhà ở. Một căn nhà chỉ đảm bảo được khoản vay 120 triệu đồng, trong khi nhu cầu bây giờ không chỉ là nhà để che mưa che nắng như trước nữa nên khoản tiền này không đủ", vị này nói thêm.

Giai đoạn 1 chưa giải quyết xong, giai đoạn 2 tiếp tục thừa nền

Giải chuyện hoang vắng của cụm dân cư vượt lũ - Ảnh 5.

Nhiều căn nhà không có người ở, bỏ hoang hơn 20 năm qua ở tuyến dân cư vượt lũ KT1, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, Long An - Ảnh: AN LONG

Chương trình cụm - tuyến dân cư vượt lũ toàn vùng ĐBSCL được triển khai giai đoạn 1 từ năm 2001 - 2008 với tổng số vốn gần 5.770 tỉ đồng.

Tám tỉnh thành là Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ đã đầu tư xây dựng 804 dự án cụm - tuyến và bờ bao đê để đảm bảo chỗ ở cho 146.000 hộ dân đang sống trong vùng thường xuyên bị ngập lụt. Tình hình nhà vượt lũ bỏ hoang, xuống cấp như của Long An (đã nêu) xảy ra từ giai đoạn 1 và tỉnh này không thực hiện tiếp giai đoạn 2.

Năm 2008, bảy địa phương còn lại được tiếp tục giao bổ sung dự án giai đoạn 2 với mục tiêu đảm bảo chỗ ở an toàn cho 56.000 hộ dân. Bổ sung một số hạng mục thiết yếu cho một số cụm - tuyến trong giai đoạn 1. Tuy nhiên qua 16 năm triển khai giai đoạn 2, đa số các khó khăn cần khắc phục từ giai đoạn 1 vẫn chưa giải quyết xong. Và giai đoạn 2 tiếp tục tạo ra nhiều lô nền trống, nhà bỏ hoang trong các cụm - tuyến dân cư vượt lũ. Cụ thể:

- An Giang: 247 cụm - tuyến với 51.426 nền nhà đã tạo lập. Trong đó, nền cơ bản là 39.795, nền linh hoạt là 11.584. An Giang đã xét duyệt cho các đối tượng của chương trình được 39.141 nền, còn lại 654 nền cơ bản, tổng số hộ dân đã vào ở 33.001 nền. Với 11.584 nền linh hoạt, hiện đã bán 10.915 nền, có 7.367 nền dân đã vào ở, còn lại 524 nền dự kiến tiếp tục bán đấu giá.

- TP Cần Thơ: có 72 cụm - tuyến với 5.857 nền. Các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Phong Điền... đã bố trí 5.354 nền cho người dân vào cất nhà sinh sống, còn 503 nền chưa sử dụng.

- Đồng Tháp: qua hai giai đoạn đã bố trí 54.658 nền. Giai đoạn 1 có 36.547/49.870 nền có người ở ổn định. Giai đoạn 2 có 12.830/14.579 nền có người ở, 1.749 nền chưa xây dựng.

- Kiên Giang: giai đoạn 1 đã bàn giao 7.890 nền, người dân ở không thường xuyên tại 230 nền. Với các nền sinh lợi, đã bàn giao là 3.953 nền, chưa bàn giao 801 nền. Số nền còn trống chưa xây dựng nhà ở là 1.240 nền. Ngoài ra, số nền dự kiến bán đấu giá là 368 nền và dự kiến không bán đấu giá được 433 nền.

Giai đoạn 2 đã tiếp tục bàn giao 1.540 nền, còn trống 97 nền. Đối với các nền sinh lợi, đã bàn giao 587 nền, còn trống 368 nền và số nền dự kiến không bán đấu giá được là 120 nền.

Bộ Xây dựng: kiến nghị tìm thêm vốn cho các địa phương

Ông Hà Quang Hưng - cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cho hay chương trình xây dựng cụm - tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được triển khai thực hiện từ năm 2001 - 2015 đã xây dựng 976/977 dự án (đạt tỉ lệ 99,9%).

Tiếp đó, năm 2018, Thủ tướng ban hành quyết định 714 điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc chương trình tại các tỉnh liên quan nhưng sau sáu năm triển khai thực hiện quyết định 714, đến nay vẫn chưa có dự án mới nào được đầu tư, do các địa phương không cân đối bố trí được nguồn vốn.

Về tồn tại, vướng mắc thì quyết định 714 năm 2018 và quyết định 319 năm 2020 của Thủ tướng đã thay đổi chính sách theo hướng ngân sách trung ương không hỗ trợ địa phương nguồn vốn xây dựng cụm - tuyến dân cư như giai đoạn 2001 - 2015, các địa phương phải tự cân đối ngân sách và huy động nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Tuy nhiên, việc tạo nguồn vốn cho các địa phương để thực hiện chương trình thông qua hình thức xã hội hóa không thể thực hiện được do Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 (quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao) từ ngày 15-8-2020.

Để chương trình có tính khả thi, đạt được mục tiêu, yêu cầu theo quyết định 714, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng báo cáo Quốc hội bố trí nguồn vốn từ ngân sách trung ương để hỗ trợ các địa phương trong việc đảm bảo an toàn chỗ ở cho người dân tại các khu vực sạt lở, ngập lũ thuộc vùng ĐBSCL như giai đoạn 1 và 2, bởi vì đa số các địa phương trong vùng đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt là các địa phương đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang.

Giải chuyện hoang vắng của cụm dân cư vượt lũ - Ảnh 6.Cưỡng chế thu hồi đất cụm công nghiệp bỏ hoang bị cư dân lấn chiếm

UBND huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) đã tiến hành 3 đợt cưỡng chế để thu hồi 22/35ha đất cụm công nghiệp bị biến thành khu dân cư.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên