23/10/2024 11:01 GMT+7

Cúm A/H1pdm liên quan ca tử vong ở người đàn ông Bình Định có đáng lo?

XUÂN MAI
và 1 tác giả khác

Một người đàn ông 51 tuổi ngụ tỉnh Bình Định vừa tử vong do dương tính với cúm A/H1pdm sau 5 ngày khởi phát triệu chứng. Vậy cúm A/H1pdm là gì? Có đáng lo ngại không?

Cúm A/H1 pdm gây người đàn ông ở Bình Định tử vong có đáng lo?  - Ảnh 1.

Một trường hợp nhiễm vi rút cúm A nguy kịch từng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI

Ngày 22-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định báo cáo Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Bình Định về trường hợp ông T.V.T. (51 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) đã tử vong vào ngày 17-10 do nhiễm cúm A/H1pdm, sau khi có triệu chứng khởi phát (mệt, ho, sốt, nhức mỏi toàn thân...) vào ngày 12-10.

Vậy cúm A/H1pdm là gì, có phổ biến không, mức độ gây bệnh sao?

Trao đổi Tuổi Trẻ Online sáng 23-10, PGS Đỗ Văn Dũng - giảng viên cao cấp khoa y tế công cộng Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết cúm A/H1N1 pdm09 là vi rút cúm có thành phần kháng nguyên là Hemaglutinin 1 và Neuramidase 1.

Chúng được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 (vì vậy nó có tên là pdm - pandemic 09). Tuy nhiên sau đại dịch 2009, vi rút này trở thành vi rút thông thường lưu hành trong cộng đồng.

Vì bản chất là vi rút cúm mùa nên thường chỉ gây bệnh nặng ở người lớn tuổi trên 65 tuổi, người có bệnh nền (ví dụ như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đái tháo đường, suy tim...), phụ nữ thai và trẻ em. Vì vậy ông Dũng khuyến cáo người dân không quá lo ngại về bệnh này.

"Cúm A/H1N1 pdm09 không đáng e ngại vì cúm này đã trở thành cúm mùa và là 1 trong 3 thành phần vắc xin cúm lưu hành", PGS Dũng thông tin.

Bệnh nhân từng tự dùng thuốc khi mới khởi bệnh

Ngày 23-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định thông tin về trường hợp tử vong do cúm A/H1pdm, biến chứng sốc nhiễm trùng, hội chứng Cushing do thuốc (một bệnh lý nội tiết do rối loạn chức năng vỏ tuyến thượng thận, gây tăng mạn tính hormon glucocorticoid không kìm hãm được).

Trước đó ngày 12-10, bệnh nhân T.V.T. (sinh năm 1973, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) khởi bệnh; tới khám tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh vào ngày 13-10 với chẩn đoán ban đầu là loét dạ dày, rối loạn tiền đình, viêm phế quản.

Sau đó bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên với chẩn đoán viêm phổi biến chứng suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, hội chứng Cushing, trào ngược dạ dày thực quản và theo dõi sốt xuất huyết Dengue.

Đến sáng 17-10, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định với chẩn đoán viêm phổi do vi rút. Trưa cùng ngày, ông T. mệt nhiều nên các bác sĩ hội chẩn và chuyển đến khoa hồi sức tích cực - chống độc.

Lúc này, bệnh nhân tỉnh nhưng mệt, thở co kéo nhiều, nói đứt quãng, da niêm mạc hồng nhạt, đau ngực khi ho, nhịp tim đều nhanh, khó thở…

Đầu giờ chiều, bệnh nhân lơ mơ, phải thở máy, tiếp theo là hôn mê, thở theo máy, xuất hiện co giật từng cơn ngắn, hôn mê sâu, nhịp tim xu hướng chậm dần, huyết áp không đo được. Đến tối, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi lan tỏa hai bên, sốc nhiễm trùng, hội chứng Cushing do thuốc và người nhà xin cho về. Tối 17-10, bệnh nhân tử vong tại nhà.

Theo người nhà, lúc phát bệnh ông T. sốt cao, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, ho nhiều, khò khè, người nhà tự mua thuốc điều trị (không rõ loại thuốc) nhưng không đỡ, sau đó mới đưa bệnh nhân nhập viện điều trị.

Ngày 17-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm và gửi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm xác định. Kết quả, bệnh nhân dương tính với cúm A/H1pdm, biến chứng sốc nhiễm trùng, hội chứng Cushing do thuốc.

Ngay sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh triển khai điều tra các yếu tố dịch tễ liên quan đến ca bệnh, cộng đồng và lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ.

Ngành y tế đã xử lý môi trường bằng chloramin B 2% tại nhà bệnh nhân, nơi bệnh nhân đến khám, điều trị, xét nghiệm và phương tiện vận chuyển, các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân. Ngành y tế cũng theo dõi tình hình ca bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút tại cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng...

Chủ động phòng bệnh cúm mùa

Để phòng bệnh cúm mùa, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối.

Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Dùng khẩu trang y tế khi cần thiết.

Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu), mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Cúm A/H1 pdm - Ảnh 1.Người đàn ông ở Bình Định tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm

Người đàn ông ở Bình Định vừa tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm, biến chứng sốc nhiễm trùng/hội chứng Cushing do thuốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên