Vụ tai nạn giữa tàu SE 19 với xe tải tại Thanh Hóa ngày 24-5 làm 2 người chết, 10 người bị thương, đổ đầu máy và 6 toa tàu có lỗi chủ quan của nhân viên gác chắn không đóng chắn kịp thời - Ảnh: TUẤN HÀ
Mức kỷ luật nói trên được đưa ra trong báo cáo của Cục Đường sắt gửi bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ngày 12-7 về kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân của Cục Đường sắt Việt Nam trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Cụ thể, Cục Đường sắt cho biết, liên quan đến 5 vụ tai nạn tàu hỏa, trong đó có 3 vụ có nguyên nhân chủ quan, xảy ra từ ngày 24 đến 27-5, cơ quan này đã tổ chức họp kiểm điểm, nghiêm túc xem xét, đánh giá lại trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Cuộc họp đã thống nhất đề nghị hình thức kỷ luật đối với công chức thuộc diện Bộ Giao thông vận tải quản lý gồm:
Cục trưởng Vũ Quang Khôi nhận trách nhiệm, phê bình nghiêm khắc và chịu hình thức kỷ luật của Bộ Giao thông vận tải do liên đới trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu.
Phó cục trưởng Khương Thế Duy nhận trách nhiệm, khiển trách do trực tiếp phụ trách công tác an toàn giao thông đường sắt.
Ngoài ra, lãnh đạo các phòng Tham mưu và Thanh tra an toàn của Cục Đường sắt có 3 người chịu mức khiển trách, 11 người chịu hình thức phê bình nghiêm khắc.
Báo cáo bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ông Vũ Quang Khôi - cục trưởng Cục Đường sắt - nhận định việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức thuộc Cục trực tiếp hay gián tiếp đến công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn giao thông đường sắt là cần thiết để răn đe, chấn chỉnh trong thực thi công vụ.
"Đồng thời là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình quản lý, thực thi công vụ theo nhiệm vụ được giao", báo cáo của Cục Đường sắt nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận