Một hình ảnh được lan truyền trên mạng có đăng hình của trẻ em trái phép - Ảnh: Mạng xã hội
Chia sẻ hình ảnh cũng là phạm pháp
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Nga - phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - cho biết trên mạng xã hội những ngày gần đây, nhiều người đăng tải, chia sẻ các thông tin, hình ảnh, tên tuổi của các em nhỏ tại “tịnh thất Bồng Lai”.
Không dừng lại, nhiều tài khoản mạng xã hội còn lan truyền một bản giám định ADN khẳng định ông Lê Tùng Vân (90 tuổi, ngụ Long An) là cha các bé.
Theo bà Nga, những hành vi trên vi phạm khoản 11, điều 6 Luật trẻ em: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.
Bên cạnh đó, điều 21 Luật trẻ em cũng nêu rõ “trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”.
"Đề nghị cộng đồng xã hội hãy giữ bí mật riêng tư cho trẻ em trong vụ tịnh thất Bồng Lai”, bà Nga nhấn mạnh.
Theo bà Nga, việc cần làm ngay là gỡ bỏ, ngừng chia sẻ thông tin chi tiết về hình ảnh, tên, tuổi của các bé và mẹ ruột tại “tịnh thất Bồng Lai” vì đây là những hành vi vi phạm điều 31, nghị định 130 năm 2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
“Việc chia sẻ rộng rãi khuôn mặt, thông tin đời tư sẽ khiến các em bị tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý, nhất là khi các em lớn lên. Khi đi học, những em nhỏ trong vụ “tịnh thất Bồng Lai” sẽ bị bạn bè kỳ thị, xa lánh, trêu chọc… Điều đó khiến các em xấu hổ, tủi thân và có thể bỏ học”, bà Nga cảnh báo.
Trong khi đó, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay việc chia sẻ, phát tán hình ảnh, thông tin cá nhân của các em trong vụ “tịnh thất Bồng Lai” là vi phạm pháp luật, vì ngay cả cha mẹ cũng không được phép đăng hình con lên mạng khi các bé chưa đồng ý.
Dừng ngay việc chia sẻ, bình luận trẻ em
Luật sư Bùi Đình Ứng nhận định trẻ em trong sự việc trên bị phân biệt đối xử dù không hề vi phạm pháp luật.
“Dường như chúng ta đang tự tỏ ra mình thông thái, hiểu biết, hỉ hả về sự việc khi chia sẻ hình ảnh các em cũng như kết luận giám định AND chưa chính thức. Việc này vô tình làm tổn thương đến tâm lý các em.
Trong lúc này, những em nhỏ đó cần sự thông cảm, bao bọc, giúp đỡ xã hội. Cộng đồng mạng cần dừng ngay việc chia sẻ hoặc nếu đã đăng tải thì gỡ bỏ tất cả hình ảnh, thông tin về các em. Thông tin trên mạng có thể khiến các em bị kỳ thị khi lớn lên”, luật sư Ứng nói.
Theo luật sư Ứng, việc mọi người cần làm ngay là động viên người thân, bạn bè xung quanh dừng ngay việc chia sẻ, bình phẩm, bình luận, phát tán thông tin của các em nhỏ. Các cơ quan chuyên môn cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho các cháu.
Vụ án mới khởi tố, chưa được xét xử công khai nên những ai phát tán tài liệu nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc làm tổn hại uy tín của người khác có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trường hợp tung tin giả sẽ bị xử lý theo nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định mới quy định rõ mức xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội.
Tiết lộ thông tin trẻ em không được phép bị phạt 20-30 triệu đồng
Điều 31, nghị định 130/2021 nêu rõ hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận