"Đó có thể là một trong những màn trình diễn cực quang mạnh nhất được ghi nhận trong 500 năm qua", NASA nói khi đề cập đến hiện tượng cực quang do bão Mặt trời gây ra vừa qua.
"Chúng tôi sẽ nghiên cứu sự kiện này trong nhiều năm. Đây là dịp giúp kiểm tra giới hạn của các mô hình và sự hiểu biết của chúng tôi về bão Mặt trời", Teresa Nieves-Chinchilla - quyền giám đốc Văn phòng Phân tích thời tiết không gian từ Mặt trăng đến sao Hỏa của NASA, cho biết.
Theo Forbes, siêu bão Mặt trời ngày 10 và 11-5 khiến cực quang phương Bắc có thể được trông thấy từ bang Florida ở bán cầu Bắc xa đến tận phía Nam, trong khi cực quang phương Nam xuất hiện từ xa về phía Bắc đến tận New Zealand.
NASA lần đầu tiên phát hiện sự khởi đầu của bão Mặt trời vào ngày 7-5 khi hai cơn bão được tìm thấy. Bảy cơn bão ấn tượng đã xảy ra trong bốn ngày tiếp theo, tất cả đều phóng khối lượng vành nhật hoa về phía Trái đất. Chúng di chuyển với tốc độ khác nhau và đến Trái đất cùng lúc.
Elizabeth MacDonald, nhà khoa học vũ trụ tại Trung tâm bay không gian Goddard của NASA ở thành phố Greenbelt, bang Maryland, cho biết: "Tất cả các vụ phun trào nhật hoa (CME) đều đến cùng một lúc, và các điều kiện chỉ vừa vặn để tạo ra một cơn bão lịch sử thực sự".
Trong một tuyên bố, Cơ quan Khảo sát địa chất Anh cũng nói hiện tượng cực quang ở Anh vừa qua là kết quả của cơn bão địa từ cực đoan và kéo dài nhất được ghi nhận trong 155 năm qua.
Cực quang mạnh nhất có thể tiếp tục xảy ra
Cực quang là kết quả của gió Mặt trời trong không gian, trong đó các hạt tích điện từ Mặt trời được gia tốc dọc theo các đường sức từ của từ trường Trái đất.
Theo BGS, từ trường của Trái đất được so sánh bằng cách sử dụng số đo cường độ từ trường ngang của nó, ở Lerwick thuộc Quần đảo Sheland, Scotland, thường đo được khoảng 30-50 nanoTesla (nT)m. Vào tối 10-5, chúng đạt đỉnh 800 nT. Vết đen Mặt trời gây ra các cơn bão và vụ phun trào nhật hoa, được gọi là AR13364, hiện đang đối diện với sao Kim, nơi nó tạo ra một cơn bão mặt trời loại X12 khổng lồ vào ngày 20-5. Đó là cơn bão mạnh nhất trong chu kỳ Mặt trời hiện tại.
Khi Mặt trời quay lại về phía Trái đất, AR13364 được dự kiến vẫn hoạt động, dẫn đến các cảnh báo về những cơn bão địa từ mạnh hơn có thể xảy ra.
Theo một bài báo mới đăng trên tạp chí Nature, sẽ có nhiều cơn bão địa từ mạnh hơn trong một hoặc hai năm tới, khi Mặt trời tiến tới "cực đại Mặt trời", đỉnh điểm 11 năm xảy ra một lần trong hoạt động từ tính của nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận