23/11/2017 17:06 GMT+7

Cục phó nói 'không phổ biến luật bồi thường oan sai’ là giả

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Phát biểu của bà Nguyễn Thị Tố Hằng - Phó cục trưởng Cục bồi thường nhà nước đã bị cắt gọt dẫn đến hiểu lầm và bị chia sẻ trên mạng xã hội gây bức xúc cho nhiều người.

Cục phó nói không phổ biến luật bồi thường oan sai’ là giả - Ảnh 1.

Tấm ảnh và câu phát biểu bị cắt xén của bà Nguyễn Thị Tố Hằng được chia sẻ gây bức xúc

Cộng đồng mạng vừa lan truyền tấm ảnh bà Nguyễn Thị Tố Hằng - Phó cục trưởng Cục bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) kèm câu trích dẫn nội dung: "Chúng ta không nên phổ biến luật bồi thường oan sai, sẽ phát sinh việc người dân đi khiếu kiện".

Bị cắt ghép ác ý

Tấm hình kèm câu trích dẫn không đầy đủ của bà Hằng được đưa lên mạng trong bối cảnh ngành tư pháp vừa xảy ra một số vụ oan sai nghiêm trọng và các cơ quan tố tụng phải bồi thường số tiền hàng chục tỉ đồng, trong khi bà Hằng là lãnh đạo của Cục bồi thường nhà nước mà lại phát biểu vô cảm, đi ngược lòng dân như thế đã khiến cộng đồng mạng chia sẻ kèm những bình luận nặng nề nhắm tới bà.

Tuy nhiên, sau khi dùng công cụ tìm kiếm cụ thể những lời phát biểu như trên của bà Hằng thì được biết đó là phát biểu của bà trong một cuộc trao đổi với báo chí về luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước được đăng tải từ năm 2015.

Đó là bài viết đăng trên báo Dân trí ngày 9-7-2015 có tiêu đề "Không phổ biến luật vì sợ người dân... phát sinh khiếu kiện(!)". Trong bài trích dẫn ý kiến của bà Hằng, có nói về những cái được, chưa được như thế nào trong thực tiễn thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

Cụ thể: "Thậm chí tại một số địa phương do chưa hiểu đúng đắn về các quy định cũng như chưa nắm bắt được những tinh thần đổi mới của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước so với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây nên phát sinh tâm lý e ngại và cho rằng nếu tuyên truyền, phổ biến luật này đến người dân thì sẽ làm phát sinh nhiều khiếu kiện yêu cầu bồi thường. Hệ quả của tình trạng này là đến nay vẫn còn một bộ phận lớn người dân không biết đến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để thực hiện yêu cầu bồi thường của mình, hoặc đến khi biết đến luật và thực hiện quyền của mình thì đã hết thời hiệu yêu cầu mà luật quy định".

Như vậy, có người đã ác ý cắt xén câu nói của bà Hằng để tạo ra một câu nói hết sức vô cảm của một lãnh đạo Cục Bồi thường nhà nước: "Chúng ta không nên phổ biến luật bồi thường oan sai, sẽ phát sinh việc người dân đi khiếu kiện".

Chia sẻ bài viết từ năm 2015 và việc phát biểu của bà Hằng bị cắt xén ác ý, nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng đã viết trên trang cá nhân của mình rằng đây là vụ "Tấn công cá nhân bằng fake news ()!"

"Tôi bất ngờ!"

Khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online về việc bị cắt ghép phát biểu trên, bà Hằng nói hết sức bất ngờ với việc thông tin bị cắt xén và lan truyền trên mạng xã hội như vậy. Bà Hằng cho rằng đây là sự xúc phạm đối với bản thân vì bà là người hết sức cẩn trọng khi phát ngôn.

Theo bà Hằng, nếu vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới bà thì sẽ đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.

Theo luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn luật sư TP.HCM), hành vi cắt ghép câu nói không đầy đủ dẫn đến hiểu lầm và việc lan truyền tấm ảnh trên mạng xã hội khiến người "ném đá" bà Hằng đã có dấu hiệu xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác.

Nếu bà Hằng thấy mình bị ảnh hưởng bởi hành vi này thì có thể tố cáo và yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ ai đã thực hiện hành vi đó.

Ngoài Hằng cũng có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu xin lỗi đối với những người sử dụng facebook, trang mạng đăng tải hình ảnh với lời lẽ miệt thị với cá nhân bà.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên