Vụ việc cục nóng máy điều hòa phát nổ đáng tiếc tại Vĩnh Phúc - Ảnh chụp lại từ video
Điều gì gây nổ cục nóng máy điều hòa?
Theo ThS Nguyễn Ngọc Trí - giảng viên Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, vụ tai nạn đáng tiếc do phát nổ ở Vĩnh Phúc có thể xuất phát từ một số nguyên nhân.
Khả năng cao là nhân viên kỹ thuật đã hàn xì dàn nóng và thử kín với áp suất cao. Quá trình hàn với nguồn nhiệt cao khoảng 900 - 1.000oC, làm nhiệt độ không khí ẩm bên trong đường ống tăng cao.
Video: Nổ cục nóng điều hòa trên mái nhà trong khu đô thị, một người chết
Sau đó, kỹ thuật viên nạp oxy vào để tiến hành thử xì. Áp suất thử kín của cụm dàn nóng khoảng 300 Psi và thông thường một số hệ thống có thể thử lên đến 450 - 500 Psi (thử bền).
Trong cụm dàn nóng có máy nén và có dầu bên trong dàn trao đổi nhiệt. Dầu gặp nhiệt độ cao xảy ra phản ứng cháy và làm tăng áp suất đột ngột trong cụm dàn nóng.
"Hình ảnh từ vụ tai nạn có bình oxy nên có thể thấy nguyên nhân thử kín bằng khí oxy có khả năng cao", ông Trí nêu nhận định.
Máy nén đặt trong cục nóng máy điều hòa - Ảnh chụp màn hình
Một nguyên nhân khác là có thể kỹ thuật viên đã dùng loại gas R32 lẫn khí không ngưng nhưng không có thiết bị bảo vệ máy nén.
Theo ông Trí, nếu kỹ thuật viên không thực hiện hút chân không hoặc đuổi gió đúng cách, rất dễ làm sót một lượng khí không ngưng bên trong.
Gas lạnh không có tính cháy nổ trong điều kiện thường, nhưng một số loại gas - trong đó có gas R32 - có thể cháy nhẹ trong một số trường hợp có nhiệt độ và áp suất cao.
Ở một số sự cố, có khả năng hệ thống vận hành không có rơ le bảo vệ quá dòng. Kỹ thuật viên cũng không kẹp đồng hồ ampe vào để kiểm tra.
Từ đó, hệ thống giải nhiệt không được do có khí không ngưng, làm cho áp suất trong hệ thống tăng cao. Máy sẽ quá tải và cháy động cơ.
Nguyên nhân thứ ba có thể do nghẹt cáp trong hệ thống dùng gas R32. Toàn bộ lượng gas bị nhốt lại trong cụm dàn nóng và máy nén chạy quá tải, không có thiết bị bảo vệ gây cháy động cơ, phát sinh nguồn nhiệt làm cho gas R32 bắt lửa và cháy.
Những lưu ý để đảm bảo an toàn
ThS Nguyễn Hữu Quyền - phó trưởng khoa công nghệ nhiệt - lạnh, Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - cho rằng những trường hợp cục nóng phát nổ như sự cố ở Vĩnh Phúc không hiếm.
Trước đây đã có một số vụ nổ máy nén đặt trong cục nóng máy điều hòa. Năm 2015, một vụ nổ tương tự đã xảy ra tại Bình Dương làm một người chết.
Theo ông Quyền, hiện một số hãng máy điều hòa nổi tiếng cũng rất quan tâm đến vấn đề này và đưa ra một số cảnh báo cho các kỹ thuật viên khi bảo trì hay sửa chữa. Trong đó, cần tuyệt đối tránh để không khí lẫn vào dầu trong quá trình thu hồi gas.
Nhiều nguyên tắc phải tuân thủ khi sửa chữa, bảo trì máy điều hòa - Ảnh: GETTY IMAGES
Vì vậy, các hãng khuyến cáo kỹ thuật viên không tiến hành nhốt gas trong trường hợp có khả năng trộn không khí trong hệ thống hoặc khí bị rò rỉ. Ngoài ra, nên thu hồi chất làm lạnh bằng máy thu hồi.
Trong quá trình bơm rút, nên dừng máy nén trước khi tháo hệ thống ống môi chất lạnh. Nếu máy nén vẫn chạy và van khóa đang mở trong khi bơm rút, không khí sẽ bị hút vào khi đường ống môi chất lạnh được tháo ra, dẫn đến áp suất bất thường trong mạch làm lạnh. Việc này có thể gây hư hỏng thiết bị và gây thương tích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Cảnh - giám đốc Công ty Alpha Nguyễn, chuyên ngành điện lạnh - cho rằng các kỹ thuật viên cũng cần chú ý đến loại gas khi sạc cho máy điều hòa. Thông thường, mỗi loại gas sẽ có một loại dầu bôi trơn khác nhau.
Nếu sạc nhằm gas cho máy điều hòa, có thể khiến dầu bôi trơn trong máy không hoạt động được, dẫn đến tắc nghẽn. Nghẹt dầu làm tăng áp suất trong máy, gây nguy cơ phát nổ.
"Các kỹ thuật viên ngành điện lạnh cần được đào tạo bài bản để biết và tránh được những sự cố nguy hiểm khi làm việc", ông Cảnh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận