"Cục nợ" lưỡng đảng của Mỹ

(THEO LE MONDE) 07/08/2011 11:08 GMT+7

TTCT - Cuối cùng thì tối chủ nhật 31-7, tức một ngày một đêm trước hạn chót, Tổng thống Barack Obama cũng loan báo được rằng hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã đạt một thỏa thuận về mức trần nợ công. Chính quyền liên bang thoát nguy cơ “sập tiệm” vì cạn ngân sách.

Phóng to
Tổng thống Obama công bố đạt được thỏa thuận về mức trần nợ công vào tối 31-7 tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters

Nếu cần một thí dụ tuyệt đối của việc nắm chặt các thông số tài chính quốc gia, thì bảng đồng hồ nợ quốc gia U.S.National Debt Clock chính là “vô địch”. Cho dù nợ còn hơn chúa chổm, song ít nhất ở nước Mỹ này, nợ và chi thu chính phủ liên bang hay tiểu bang cùng các thông số khác của tình hình tài chính Mỹ cũng được công khai minh bạch, thậm chí được tính toán tự động bởi máy tính và được loan báo trong thời gian thực trên vài chục cái bảng đồng hồ điện tử không ngừng chạy tít.

Đồng hồ nợ

Bảng điện tử của website đồng hồ nợ nước Mỹ sáng thứ ba 2-8 đã chỉ trên 14.500 tỉ USD, trong đó nợ công là 14.200 tỉ. Nợ tính theo đầu người là trên 46.000 USD, chia cho từng người dân đóng thuế là trên 130.000 USD! Chi tiêu của chính quyền liên bang là 3.600 tỉ USD, trong khi thu thuế liên bang là 2.200 tỉ, thâm hụt ngân sách vượt qua 1.400 tỉ… Đồng hồ chỉ GDP lúc 9g06 là 14.818 tỉ USD, tỉ lệ nợ trên GDP là 98,2%. Trong “rừng” đồng hồ chỉ báo đó, có một đồng hồ thay vì đếm tăng lên thì lại đếm giảm, giảm đến chóng mặt: đồng hồ lượng tiền còn trong FED (Cục Dự trữ liên bang) khoảng 2.600 tỉ USD.

Từ 11,5 triệu USD vào năm 1917, mức trần nợ công của Mỹ đã tăng đáng kể theo yêu cầu của Nhà Trắng. Từ năm 1980, mức trần nợ công đã được tăng không dưới 39 lần. Thập niên vừa qua chứng kiến sự bùng nổ với 10 lần tăng mức trần, từ 5.950 tỉ USD lên 14.294 tỉ.

Các số liệu đáng chú ý nhất là bảo hiểm y tế (Medicare & Medicaid) 824 tỉ USD, ngân sách an sinh xã hội trên 716 tỉ, quốc phòng và chiến tranh ít hơn 702 tỉ… Ba khoản chi tiêu bị cắt vừa nêu này nằm trong nội dung những tranh chấp giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ bấy lâu nay.

Tỉ như ngân sách quốc phòng giảm tổng cộng 350 tỉ USD trong thời gian 10 năm tới, giảm Medicare (bảo hiểm y tế cho người lớn tuổi và tàn tật, ngân sách liên bang…) song vẫn giữ được Medicaid (bảo hiểm y tế cho người có thu nhập thấp, ngân sách địa phương), an sinh xã hội, trợ giúp cho gia đình có thu nhập thấp, hưu trí…

Không chỉ Nhà nước Mỹ mới nợ, mà dân chúng Mỹ cũng nợ ác liệt không kém. Tính đến 9g sáng thứ ba 2-8, nợ cá nhân ở Mỹ đã lên đến trên 16.000 tỉ USD, trong đó nợ do cầm cố đã gần 13.600 tỉ, nợ vay tiêu dùng 2.400 tỉ, nợ thẻ tín dụng 800 tỉ, bình quân mỗi người nợ 51.000 USD!

Nợ và nhập siêu

Nợ của Mỹ mà nước ngoài đang nắm là 4.589 tỉ USD, trong đó Trung Quốc khoảng 1.100 tỉ, Nhật 900 tỉ, Anh 300 tỉ, Brazil cùng các nước xuất khẩu dầu hỏa và vùng lãnh thổ Hong Kong, nước Nga, Canada mỗi nơi từ 100 đến 200 tỉ (1). Nợ của Mỹ bắt đầu từ nhập siêu. Thông thường, chu trình trở thành chủ nợ của Mỹ là do xuất siêu, chẳng hạn Trung Quốc xuất siêu sang Mỹ nên dùng số tiền đó để mua trái phiếu của Mỹ như một kênh đầu tư. Cũng có khi các nước mua trái phiếu Mỹ như một kênh “để dành” trữ tệ của mình. Ngoài ra còn có các nhà đầu tư cá nhân nhảy vô thị trường chứng khoán… (2).

Nói đến nhập siêu, ở nước khác sẽ nhăn mặt, nhưng ở Mỹ lại khác. Thật ra Mỹ hưởng lợi từ việc nhận đồng vốn đó, tức việc mang nợ đó, bắt đầu là nhập siêu. Chính tình trạng nhập siêu vô hạn từ Trung Quốc đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của Mỹ! Một món đồ chơi khi rời khỏi một nhà máy của Mỹ tại Trung Quốc trị giá 2 USD, trong đó có vài xu cho nhân công Trung Quốc, xuống tàu đến cảng San Diego của Mỹ giá thành đã là 3 USD, đến tay người tiêu dùng ở siêu thị Wal-Mart là 10 USD.

Như thế nền kinh tế Mỹ nhập sổ 10 USD, trừ đi 3 USD chi phí nhập khẩu (tính cho Trung Quốc), còn lại 7 USD tính vào GDP của Mỹ ngon ơ! (3). Một thí dụ của tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Con cá ba sa Việt Nam cũng thế, người nuôi cá và các chủ nhà máy chế biến, các nhà xuất khẩu Việt Nam có vất vả ngày đêm cũng không lãi bằng các hệ thống bán lẻ ở Mỹ!

Cuộc tranh chấp mức trần nợ công “được phép” giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ rõ ràng đã khiến ông Obama “kiệt quệ” quyền lực và uy tín. Trước hết, có vẻ như ông đang là “chúa chổm” trong mắt các dân biểu nghị sĩ quốc hội, nhất là Đảng Cộng hòa đối lập, phải chịu trách nhiệm về số nợ vô cùng hiện nay của nhà nước. Thật là “oan ơi, ông Địa”! Do lẽ số nợ này đã phình to từ thời ông Bush, và càng trở nên núi Thái Sơn dưới trào ông Obama cũng là do ông Bush.

Ai nợ?

Khi tổng thống Clinton nhậm chức năm 1994, tổng nợ mới là 5.216 tỉ USD. Ông đã rời nhiệm sở và để lại số nợ khiêm tốn là 5.638 tỉ USD, tức trong hai nhiệm kỳ của ông chỉ tăng có 422 tỉ! Vậy mà khi ông Bush rời Nhà Trắng tám năm sau, tổng nợ đã lên đến 8.218 tỉ USD! (4). Cuộc khủng hoảng “bong bóng địa ốc” bắt đầu dưới trào ông Bush và được khuyến khích bởi chính sách kinh tài lúc đó đã khiến ông Obama trở thành “kẻ đổ vỏ” cho những “người ăn ốc” trong tám năm của trào ông Bush.

Ngoài ra, ngân sách còn âm là do biện pháp cắt giảm thuế (cho người giàu) của ông Bush, mà nay chính quyền Obama còn phải gánh cho đến tận 1-1-2013. Thất thu ngân sách, “khủng hoảng bong bóng”, buộc ông Bush trước khi rời ngôi phải tung ra 700 tỉ USD để “giải cứu” nền kinh tế, đưa số nợ công lên đến 10.500 tỉ vào tháng 12-2008.

Một nguyên do “vỡ nợ” khác là hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq do ông Bush khởi xướng mà nay ông Obama chưa biết làm sao ra khỏi! Tổng chi phí hai cuộc chiến này tính đến 9g30 sáng 2-8 là 1.229 tỉ USD, trong đó chiến tranh Iraq ngốn hết 789 tỉ.

Và ba cái đồng hồ của website tính chi phí chiến tranh này cứ quay tít chưa biết bao giờ mới ngừng! Vậy mà hai đảng cứ tranh chấp nhau cái khoản cắt giảm ngân sách quốc phòng và chiến tranh, cuối cùng đồng thuận ở con số 350 tỉ USD trong 10 năm, cứ như thể ông Obama là “thủ phạm”! Thật ra, cắt 35 tỉ USD quốc phòng mỗi năm chẳng là bao so với ý đồ cắt giảm bảo hiểm y tế mà ông Obama đã dứt khoát không nhượng bộ (5).

Việc cả thế giới phải cùng chính quyền Obama điên đầu vì cuộc tranh chấp trần nợ công giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ chính là do “cục nợ” mang tên “lưỡng đảng”. Khi một bên lên cầm quyền, bên kia cứ thế mà “thọc gậy bánh xe”. GS Jacob S. Hacker của Đại học Yale than: “Sau khi vụ khủng hoảng nợ này kết thúc, cuộc khủng hoảng dân chủ cũng phải được phá đi. Chẳng ai được lợi gì khi hệ thống hiến định của chúng ta sai sót: tổng thống chẳng lợi lộc gì, quốc hội cũng không, và chắc chắn là dân chúng Mỹ phải gánh chịu sự trục trặc này”.

Trong khi đó, dân biểu Mỹ Heath Shuler lên án thẳng thừng: “Thay vì làm điều gì tốt nhất cho lợi ích quốc gia và nền kinh tế, cùng người lao động Mỹ, các lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã nhất quyết đeo đuổi cái trò chơi đảng phái con nít ranh này (nguyên văn: the childish, partisan games)… Dân chúng Mỹ đáng được đối xử tốt hơn”.

__________

(1) Foreign Holding of U.S. Treasury Securities, April 2011
(2) Why the Emperor has no Clothes,
http://www.globalresearch.ca/articles/FRA501A.html
(3) Blaming 'undervalued' yuan wins votes, Asia Times Online, February 26, 2004
(4) National debt by U.S. presidential terms, Wikipedia
(5) Fact Sheet Bipartisan Debt Deal, White House

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận