Hòn thạch máu ghê gớm này được xem đang trên đường trở thành "kẻ giết người mới nổi", tiếp bước tai biến mạch máu não và bệnh mạch vành.
Đông máu "trái phép"
Thói thường, cục máu đông sinh ra như cái nêm cầm máu, chỉ là cũng có những nút nêm ra đời không do xước sát nào, và đây chính là cục đông máu có sừng có mỏ được đề cập, dưới những cái tên tăm tiếng như huyết khối (thrombosis), khối máu đông (thrombus).
Cuốn theo dòng máu
Cục máu đông (gọi chung) bấy giờ, dù vô duyên nhưng chịu ở đâu yên đó thì không nói làm gì; chỉ phiền khi các vị nổi máu đi đó đi đây, lúc này chuyển thành cục thuyên tắc (embolus), báo trước cảnh mắc kẹt tại một "chạc ba" mạch máu chật hẹp nào đó, gây nghẽn tắc cả hệ thống phía sau, gọi là thuyên tắc (embolism).
Bất động sinh thái bình
Dài dòng phát mệt, bởi không làm ra nhẽ rất dễ rơi vào chuyện bùng nhùng danh tánh và đường đi nước bước của huyết khối.
Tóm lại, gạn lọc hết cỡ thì để xem một cục máu đông lành dữ thế nào, chỉ cần nắm: "Một cục máu đông không di chuyển (hoặc không vỡ ra) là cục máu đông lành, và ngược lại".
Triệu chứng huyết khối
Theo trên cũng suy ra, một cục huyết khối chỉ chịu lên tiếng khi nó gây thuyên tắc, và tùy nạn nhân mà các tiết lộ khác nhau. Cụ thể, nếu là thuyên tắc mạch máu não (yếu tay chân, khó nói, vấn đề thị lực, đau đầu dữ dội), thuyên tắc mạch vành (tức ngực, khó thở, đổ mồ hôi, chóng mặt), thuyên tắc phổi (đau ngực, tim nhanh, khó thở, ho ra máu), thuyên tắc tay chân (đau, sưng, nóng, đổi màu da)... Nghe phát khiếp, nhưng chớ lầm huyết khối lắm lời; bởi nhắc lại, đa phần cục máu đông không hó hé gì, cho đến khi gây chuyện cho khổ chủ.
Cội nguồn gây họa
Nói thêm, những hòn thạch máu xui rủi này không phải sinh ra tùy hứng. Người ta tin rằng, chỗ máu nào phạm phải bộ ba virchow - virchow's triad (tổn thương nội mạc mạch máu, ứ đọng dòng chảy máu, tăng tính đông máu) thì chỗ đó dễ hạ sinh một embolus trời đánh.
Làm gì tiếp theo?
Trường hợp biết mình có mặt trong "sổ bìa đen", thì việc tiếp theo chính là sẽ làm hoặc không làm gì cả (đa số huyết khối vô hại); hoặc cẩn tắc vô áy náy thì phải lên ngay kế hoạch đi trước một bước, có hướng dẫn của bác sĩ.
Xếp sắp này, ngoài thay đổi hành vi, thường các "ứng viên" được dùng thuốc dự phòng, quanh quẩn hai loại: ngăn huyết khối (heparin, warfarin, DOACs, aspirin, clopidogre...) và tiêu huyết khối (alteplase, urokinase...).
Cặp đôi embolism máu mặt
Trong số bị hại của huyết khối, dù xếp sau thuyên tắc ối và phổi về độ chết người, nhưng thuyên tắc mạch máu não và mạch vành vẫn đáng nhắc tới hơn cả, bởi tính phổ quát của chúng.
Cho ai chưa rõ: thuyên tắc mạch máu não, còn ai trồng khoai đất này, là đột quỵ thể thiếu máu cục bộ, vốn chiếm 85% các ca tai biến; và thuyên tắc mạch vành là cơn nhồi máu cơ tim.
Có thể danh xưng "kẻ giết người mới nổi" dành cho cục máu đông là hơi sớm. Nhưng căn cứ tình hình ngày càng nhiều người mắc phải lỗi virchow's triad - đặc biệt là lỗi ứ đọng dòng chảy do béo phì, lười vận động và long COVID chẳng hạn - thì dám đoán những hòn thạch máu sẽ sớm công thành danh toại!
Phòng huyết khối
Cũng vì hành tung im ỉm của huyết khối, mà khoản phòng bị tự nhiên có giá. Tính ra "biết người biết ta" là cách phòng ngừa hay hơn cả. Nói cách khác, nếu không thể biết "khi nào huyết khối sinh ra" thì chỉ còn nước đoán qua "thứ gì tạo điều kiện cho chúng sinh ra".
Những thứ "tạo điều kiện" này rất dễ đoán, là các yếu tố nguy cơ, và những ai không may sở hữu chúng. Danh sách báo trước này khá rườm rà (người >55 tuổi, béo phì, mang thai và hậu sản, ít vận động, bất động thời gian dài, sau phẫu thuật (chậu, bụng, hông, đầu gối), hút thuốc, dùng thuốc tránh thai, cholesterol, bệnh mãn tính (tiểu đường, rối loạn đông máu), thuốc ngừa thai estrogen và liệu pháp hormone...).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận