Cụ thể, ông Lương Duyên Thống - trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái Cục Đường bộ - cho biết đã tiếp nhận những thông tin phản ánh từ người dân về phần mềm thi mô phỏng lái xe.
"Đối với phản ánh tình huống chưa thực tế, điều chỉnh khung điểm... Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có rà soát, đánh giá lại tình huống. Căn cứ vào đó, đơn vị có những điều chỉnh, nâng cấp để phần mềm hoàn thiện hơn phục vụ cho quá trình dạy và học lái xe đạt chất lượng cao nhất", ông Thống nói.
Ông Thống cho biết phần mềm thi mô phỏng lái xe có 120 tình huống giao thông áp dụng vào chương trình dạy và học lái ô tô các hạng B1, B2, C, D, E, F... từ ngày 15-6. Trước khi áp dụng, Cục Đường bộ đã cùng các đơn vị, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chuyên gia giao thông... nghiên cứu khá kỹ lưỡng.
Hầu hết tình huống được mô phỏng lại từ những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước. Thời gian qua, Cục Đường bộ vẫn luôn theo dõi, đánh giá kết quả đạt được để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện.
Về ý kiến người dân cho rằng nên bỏ phần thi này, ông Thống cho hay việc thi mô phỏng lái xe nhằm giúp người lái nhận biết được tình huống nguy hiểm khi lái xe trên đường. Ở các nước trên thế giới, họ áp dụng phần thi này từ rất lâu đem lại những hiệu quả nhất định giúp người lái tăng khả năng nhận diện nguy hiểm, nâng cao kỹ năng người lái.
Trước đó, nhiều bạn đọc báo Tuổi Trẻ nhận định phần mềm thi mô phỏng lái xe chưa sát thực tế, khung chấm điểm "đánh đố" người thi.
Một người tham gia dạy lái tại TP.HCM cho rằng Cục Đường bộ cần xem xét lại một số vấn đề về khung tính điểm cho thí sinh hợp lý hơn, bấm sớm vẫn có điểm; cơ sở nào để duyệt các tình huống này vào bộ đề, có nghiên cứu kỹ chưa?
Người này cho rằng có nhiều tình huống được chấm dựa trên ý kiến chủ quan của người viết phần mềm dù thiếu sót vô lý cần được khắc phục.
Bên cạnh đó, nên chăng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thành lập một hội đồng khách quan thẩm định lại bộ đề đang áp dụng.
Đối với các tình huống có tai nạn lật xe, người học bấm đúng thời điểm, video tình huống phải diễn biến theo hướng xe dừng an toàn. Theo đó, bấm càng chậm thì diễn biến càng xấu. Chỉ khi nào học viên không bấm thì mới để xảy ra cảnh lật xe. Như vậy, tình huống mới mang tính logic và thực tiễn thuyết phục.
TP.HCM nhận được nhiều phản ánh của thí sinh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thời gian qua, đơn vị cũng nhận được nhiều ý kiến của người dân về phần thi mô phỏng chưa sát với thực tế lái xe trên đường.
Người thi cũng nhận định khung chấm điểm theo ý kiến chủ quan của người viết phần mềm cần điều chỉnh. Bên cạnh đó một số hình ảnh mô phỏng chất lượng thấp, đường truyền kém cũng ảnh hưởng đến kết quả thi.
Do đó, sở sẽ kiến nghị Cục Đường bộ có những điều chỉnh, nâng cấp và hoàn thiện thêm phần mềm này để giúp người dân học hiệu quả, nâng cao kỹ năng lái xe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận