Cục diện thương mại mới hình thành

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định áp thuế quan là cơn địa chấn đối với kinh tế thế giới và hệ lụy của nó vượt xa những tác động kinh tế thông thường.

áp thuế - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp dệt may tìm cách xoay xở, ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong lịch sử kinh tế thế giới từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay chưa có lần nào thuế quan được sử dụng như vũ khí với quy mô và mức độ như hiện nay.

Việc 70 nước đã đề nghị đàm phán theo như tuyên bố của Mỹ cho thấy không ít nước lựa chọn cách thức thương lượng để tìm giải pháp.

Nhưng việc một số đối tác lớn như Trung Quốc, EU, Canada công bố các biện pháp trả đũa cũng cho thấy cũng có những nước theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn.

Nhưng từ bài học về tính bất định, bất ngờ trong việc ra quyết định của chính quyền Trump, đại đa số các nước vẫn đang tìm hiểu, thăm dò chiều hướng chính sách sắp tới của Mỹ và không muốn đưa ra các quyết định vội vàng.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế thị trường trở thành mô hình kinh tế toàn cầu nhưng từ đó đến nay chưa có cuộc chiến tranh thuế quan nào có quy mô như hiện nay.

Cùng với bài học về tính bất định, khó lường của chính quyền của Tổng thống Trump càng cho thấy khó dự báo được chiều hướng vận động của tình hình.

Do đó liệu cuộc chiến tranh thuế quan này sẽ đi xa tới đâu và hệ lụy nặng nề như thế nào có lẽ vượt ra ngoài khả năng dự báo, ngay cả với những người trong cuộc.

Tuy nhiên có thể khẳng định được là sau cuộc chiến tranh thuế quan này, kinh tế thế giới sẽ không còn vận hành như trước.

Nền kinh tế mở với toàn cầu hóa và thương mại tự do sẽ thu hẹp lại dù có thể sẽ không "chết" như lời Thủ tướng Anh Starmer.

Tính chất rủi ro gia tăng hơn, theo đó tần suất các "cú sốc kinh tế" và các biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa các nước sẽ trở nên thường xuyên hơn. Kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ "phân tách" thành những chuỗi sản xuất riêng rẽ, tách biệt với nhau.

Và nhất là kết cục mà nhiều người lo ngại là một cuộc chiến tranh kinh tế giữa hai siêu cường sẽ nổ ra, trong đó các nền kinh tế nhỏ dù không muốn cũng sẽ bị cuốn vào.

Sau tất cả, cũng giống như các cuộc chiến tranh khác, sẽ đến thời điểm cuộc chiến tranh thuế quan này sẽ tìm được điểm cân bằng mới và một cục diện thương mại mới sẽ hình thành.

Sẽ có quốc gia được hưởng lợi từ cuộc chiến thuế quan này, nhưng cũng sẽ có quốc gia khác phải gánh chịu những hậu quả không mong muốn.

Ngay cả với nước Mỹ, liệu có thể thành công trong việc thúc đẩy kinh tế nội địa với chính sách thuế quan này như Nhật Bản, Hàn Quốc và các con rồng, con hổ châu Á hay sẽ đi vào vết xe đổ thất bại của Ấn Độ và các nước Mỹ Latin trước đây?

Và cuối cùng kéo theo đó là liệu một trật tự kinh tế mới có hình thành hay không vẫn là điều còn bỏ ngỏ.

Lịch sử thế giới đã cho thấy mọi sự chuyển giao quyền lực giữa các nước đều xuất phát từ sự thay đổi sức mạnh kinh tế giữa cường quốc tại vị và cường quốc đang nổi lên.

Cách đây đúng một thế kỷ, Mỹ đã vươn lên thay thế đế chế Anh để trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới và từ đó vươn lên trở thành siêu cường như ngày nay. Trong cuộc chiến thuế quan này, sự va chạm giữa hai cường quốc sẽ là điều phải quan sát.

Cục diện thương mại mới hình thành - Ảnh 1.Mỹ hoãn áp thuế, chứng khoán Việt Nam tăng 'đỉnh nóc, kịch trần'

Thị trường chứng khoán Việt Nam sáng nay (10-4) mở cửa tràn đầy hứng khởi với loạt mã tím trần sau tin Mỹ hoãn áp thuế đối ứng, hai nước thống nhất khởi động đàm phán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên