Người Cuba cho rằng bị Mỹ liệt vào “danh sách đen” là “bất công” và “lỗi thời” - Ảnh: Reuters |
Đây là lúc ông Obama nhận ra Cuba không phải như người ta nói. Đây là lúc để tái thiết lập quan hệ Cuba - Mỹ |
Công dân Cuba Sara Pino |
Trong thông báo gửi Quốc hội Mỹ ngày 14-4, Tổng thống Barack Obama cho biết quyết định đưa Cuba ra khỏi danh sách đen dựa trên kết quả đánh giá kéo dài hơn một năm qua của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Đến nay, đây là vướng mắc lớn nhất trong quá trình khôi phục quan hệ giữa Washington và Havana. Giới phân tích nhận định việc đưa Cuba ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố cũng sẽ kích hoạt kế hoạch tái thiết lập đại sứ quán tại hai nước.
“Bất công và lỗi thời”
Ông Obama khẳng định việc đưa Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố dựa trên những đánh giá cụ thể.
“Chính phủ Cuba không cung cấp hay hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố quốc tế trong vòng sáu tháng trở lại đây, và Chính phủ Cuba cũng cam kết không ủng hộ hành động khủng bố trong thời gian tới".
Tổng thống Mỹ khẳng định việc tiếp tục để Havana trong danh sách này sẽ xúc phạm người dân Cuba cũng như cản trở việc bình thường hóa quan hệ hai nước.
Trong các cuộc đàm phán sau khi hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ hồi cuối năm ngoái, các quan chức Cuba nói việc Havana nằm trong danh sách đen này là “bất công” và “lỗi thời”.
Theo luật định, Quốc hội Mỹ sẽ có 45 ngày xem xét và thông qua đề xuất của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết các nghị sĩ sẽ khó gom đủ số phiếu để phủ quyết đề xuất này, trừ khi cả hai viện quốc hội thông qua một nghị quyết chung - một điều hầu như không thể xảy ra.
Đề xuất mới, thật ra đã được bàn tán nhiều ngày qua, được Nhà Trắng đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ ngày 11-4 ở Panama.
Tại cuộc hội đàm cấp lãnh đạo đầu tiên giữa hai nước trong hơn 56 năm, ông Obama nhấn mạnh đây là thời điểm để “lật sang một trang mới“ cho quan hệ hai nước.
Chủ tịch Raul Castro nói dù hai nước vẫn có những khác biệt, nhưng tinh thần chung là tôn trọng các quan điểm của nhau và quyết tâm đối thoại để đưa quan hệ song phương tiến lên phía trước.
Ngay trước cuộc họp thượng đỉnh ở Panama City, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề xuất đưa Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố và trình lên tổng thống.
“Tình hình đã thay đổi kể từ năm 1982. Khu vực của chúng ta và thế giới hôm nay rất khác so với 33 năm trước” - AFP dẫn lời Ngoại trưởng John Kerry.
Quyết định công bằng
“Chính phủ Cuba ghi nhận quyết định công bằng của tổng thống Mỹ khi đưa Cuba ra khỏi danh sách mà Cuba không bao giờ nên được đưa vào” - Reuters dẫn tuyên bố của vụ trưởng Vụ các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal.
Bà Vidal khẳng định Cuba bác bỏ và lên án tất cả hành vi khủng bố dưới mọi dạng thức cũng như các hành động xúi giục, hỗ trợ, cung cấp tài chính hay che giấu cho hành động khủng bố.
Ngoài ra, Cuba cũng là nạn nhân của hàng trăm vụ khủng bố, cướp đi sinh mạng của 3.478 người và khiến 2.099 người Cuba bị tàn tật.
Thượng nghị sĩ Dick Durbin, nhân vật cấp cao thứ hai của đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, ngay lập tức ra thông cáo báo chí khẳng định việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố là “một bước đi đáng hoan nghênh”, mở đường cho sự gia tăng giao thương của Mỹ với quốc đảo này.
Người dân Cuba cũng hoan nghênh động thái của tổng thống Mỹ và nhiều người hi vọng các nhà đầu tư sẽ sớm tìm đến nước này.
“Chúng tôi không phải khủng bố mà ngược lại. Chúng tôi ủng hộ hòa bình và tất cả những điều tốt đẹp” - một người dân Havana tên Erlinda Geroncelle nói.
Trong khi đó, chuyên gia khoa học chính trị Esteban Morales thuộc Đại học Havana cho rằng quyết định trên thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ của ông Obama.
“Bây giờ không còn trở ngại về chính trị nữa. Những gì còn lại chỉ là các vấn đề kỹ thuật về tổ chức, mà những chuyện này có thể giải quyết được”.
Mở đường cho tiếp cận tài chính Washington đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố từ năm 1982. Đến nay, các nước Iran, Sudan và Syria vẫn còn nằm trong danh sách này. Một khi được đưa ra khỏi “danh sách đen”, Cuba có thể tiếp cận trở lại các ngân hàng của Mỹ và thế giới, cũng như thoát khỏi các lệnh cấm về xuất khẩu vũ khí, kinh doanh và viện trợ của Mỹ. Giới đầu tư cũng sẽ có cái nhìn lạc quan hơn về Havana. Tuy nhiên, các lệnh cấm khác liên quan đến chính sách cấm vận kinh tế của Mỹ vẫn còn đó và chỉ Quốc hội Mỹ mới có thể xóa bỏ. Các chuyên gia cũng nhận định giới ngân hàng Mỹ sẽ thận trọng quan sát thêm một thời gian nữa trước khi vào cuộc. AFP cho biết Mỹ và Cuba vẫn đang thảo luận về việc mở lại đại sứ quán hai nước nhưng chưa xác định được thời điểm cụ thể. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận