Tác phẩm đan xen giữa hiện thực và hư ảo, sự sống và cái chết để nói lên chủ đề muôn thuở của văn chương, đấy là lòng người.
Câu chuyện mở đầu bằng cuộc hội ngộ của sáu người bạn tại thôn Bạch Thủy.
Nơi này vốn là mỏ than giờ đã bỏ hoang và sắp bị nhấn chìm trong đợt tích trữ nước của đập thủy điện.
Chuyến thăm quê lần cuối ngỡ tưởng chỉ bình thường, nhưng tất cả đã bị cuốn vào vòng sinh tử không hồi kết.
Họ bị ép phải điều tra sự thật về cái chết của một cô gái trong thôn vào mười ba năm trước, nếu không làm sáng tỏ vụ án kịp thời tất cả sẽ bị chôn vùi cùng thôn Bạch Thủy.
Tại sao lại là thời điểm đập thủy điện trữ nước? Tại sao là sáu người này chứ không phải một ai khác? Ai là kẻ đứng sau mọi việc?
Họ liên quan gì đến cái chết của cô gái năm xưa? Khởi đi từ những câu hỏi như vậy, Cửa sinh cuốn người đọc đi đến trang sách cuối cùng dẫu sử dụng mô típ vòng lặp thời gian vốn không mới trong văn chương cũng như phim ảnh.
Mỗi khi cận kề cái chết, Giới Tâm Minh - một trong sáu người - sẽ tỉnh dậy vào thời điểm trước lúc mình bước vào thôn, mọi chuyện vẫn diễn ra theo đúng trình tự, còn anh vẫn giữ được toàn bộ ký ức của những lần trước.
Tuy không mới nhưng vòng lặp thời gian trong tiểu thuyết này không gây nhàm chán, nhờ cái tài tình của tác giả đã khiến câu chuyện trở nên hồi hộp và kịch tính hơn qua mỗi lần "tái sinh".
Từ đó dẫn dắt độc giả vào thế giới riêng của từng nhân vật, liên kết và xâu chuỗi lại sự việc trong quá khứ và đem sự thật phơi bày dưới ánh sáng.
Bởi "Con đường nào cũng có điểm cuối, dù trốn đến đâu hay trốn xa cỡ nào, nỗi sợ trong lòng cũng không rời nửa bước".
Phải chăng hai tiếng "bạch thủy" là âm vang của dòng nước thanh sạch, như dòng thời gian không ngừng chuyển động sẽ rửa trôi hết các bí mật vùi chôn dưới ba thước đất, để hiển lộ ra đây sự thật tối hậu, và cũng để tẩy uế tâm hồn con người. Vì thế, cửa tử đồng thời cũng là cửa sinh vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận