Ùn xe kéo dài từ đường Cộng Hòa đến đường Hoàng Văn Thụ, cửa ngõ Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Từ những năm trước, để giải quyết quá tải các tuyến đường xung quanh cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM đã đầu tư hàng loạt dự án giao thông tháo nút thắt kẹt xe tại đây.
Đến nay, một số công trình như cầu vượt thép tại vòng xoay Lăng Cha Cả, nút giao ngã sáu Gò Vấp, mở rộng đường Hoàng Minh Giám... đã đưa vào hoạt động và bước đầu phát huy hiệu quả.
"Chịu chết" vì mặt bằng
Thế nhưng, nhiều dự án khác vẫn còn trên giấy. Muốn đường ra vào sân bay thông suốt, TP.HCM phải sớm đẩy nhanh 6 dự án đang nằm chờ với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng.
Điển hình là dự án cải tạo đường Cộng Hòa (từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, quận Tân Bình) tổng mức đầu tư 141,8 tỉ đồng. Dự án này đã được phê duyệt cách đây 5 năm nhưng đến nay vẫn nằm im vì chờ mặt bằng. Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải cho hay nếu mặt bằng được giao, nhà thầu chỉ cần thi công 6 tháng là xong.
Một dự án khác có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng là mở đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (song hành với đường Cộng Hòa, dài 4km, thiết kế 6 làn xe), cửa ngõ thứ 2 vào sân bay Tân Sơn Nhất. Thời gian qua, UBND TP đã kiến nghị Bộ Quốc phòng giao đất để sớm triển khai thực hiện dự án này.
Không chỉ vậy, thời gian qua, Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - chủ đầu tư nhiều dự án cửa ngõ tây bắc TP - yêu cầu các quận sớm bàn giao mặt bằng bởi có những dự án thời gian thi công chỉ mất vài tháng nhưng thiếu mặt bằng nên phải đợi mấy năm. Cụ thể như dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, mở rộng đường Tân Sơn...
Tương tự ở khu vực quận 2 (nay thuộc TP Thủ Đức), dự án nâng cấp đường Lương Định Của đã được rào chắn thi công từ 5 năm qua nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành hơn 70%.
"Chúng tôi đã kiến nghị UBND quận 2 bàn giao mặt bằng của 38 hộ còn lại như đã cam kết. Sau khi được bàn giao 100% mặt bằng, chủ đầu tư sẽ tổ chức thi công hoàn thành trong vòng 9 tháng", một cán bộ Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TP cho biết.
Trong khi đó, dự án nút giao Mỹ Thủy được kỳ vọng giải quyết bài toán ùn tắc cho khu vực cảng Cát Lái tiến độ cũng chậm chạp do vấn đề giải phóng mặt bằng. Vừa qua, tổng mức bồi thường tăng từ 504 tỉ lên 1.029 tỉ đồng càng khiến công tác triển khai bị chựng lại. Dự kiến việc giải phóng mặt bằng sẽ được quận này hoàn thành vào năm 2021.
Hiện chỉ có cầu Mỹ Thủy 3, một hạng mục thuộc giai đoạn 2 dự án, đã xong hơn 90%, hoàn thành trước Tết Nguyên đán Tân Sửu. Còn các hạng mục khác vẫn chưa thể hứa hẹn ngày về đích.
Sở Giao thông Vận tải cho biết, năm 2020 đã hoàn thành xây dựng mới 14 cây cầu, làm mới 9,57km đường góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, còn nhiều dự án chủ đầu tư khởi công khi chưa có đủ điều kiện mặt bằng nên thi công dang dở, gây ảnh hưởng tới đời sống người dân các cửa ngõ đông, tây TP.
Nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chờ đợi nghị quyết 27
Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - cho biết đơn vị xác định hiện nay nhiều tuyến đường ở các khu vực cửa ngõ TP đã quá tải, các tuyến liên kết vùng chưa có, các tuyến cao tốc còn quá ít.
Do đó, mục tiêu từ nay đến hết năm 2025 là phải khơi thông được hạ tầng giao thông ở các cửa ngõ phía đông, phía tây TP, khép kín vành đai 2, hoàn thành vành đai 3, vành đai 4, nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 50, quốc lộ 22... Song song đó, đẩy nhanh tiến độ các tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Mộc Bài, Bến Lức - Long Thành.
Đây đều là những tuyến đường huyết mạch góp phần giải quyết ùn tắc giao thông ở TP.HCM, kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các khu vực lân cận.
Ông Phúc cũng cho biết hiện có hai nguyên nhân khiến các dự án bị chậm là nguồn vốn và giải phóng mặt bằng. Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông rất mong sẽ có cơ chế ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm, chính sách giải phóng mặt bằng cho phù hợp.
Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm giải phóng mặt bằng cho địa phương và các đơn vị liên quan khác.
"Điều đáng mừng là nghị quyết 27 được Chính phủ ban hành có điểm mới ưu tiên TP.HCM thí điểm cơ chế giải phóng mặt bằng mới. Hi vọng với quy định mới này, TP sẽ lập ra được quy trình giải phóng mặt bằng rút gọn thời gian, có mặt bằng sạch để thêm nhiều dự án có thể về đích", ông Phúc nói.
Mới đây, TP Thủ Đức hình thành, các đơn vị cũng đã có những kế hoạch tập trung toàn lực cho phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực cửa ngõ phía đông giải quyết các vấn nạn ùn tắc, ngập nước...
Trong đó chú trọng hoàn thiện các công trình giao thông trọng điểm như vành đai 2, đường Nguyễn Thị Định...
Hệ thống đường trục, đường xương cá như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Hoàng Hữu Nam cũng được đầu tư, nâng cấp. Ngoài ra, theo ông Phúc, trong năm 2021 các đơn vị sẽ cố gắng xây dựng xong các công trình trọng điểm khác như đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1, Q.Bình Thạnh), nút giao An Phú (TP Thủ Đức)...
Cần vận dụng cơ chế tốt hơn
Làm sao để TP.HCM tăng tốc xây dựng hạ tầng hơn nữa? TS Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM - đánh giá thời gian qua các tuyến đường cửa ngõ TP thường xuyên ùn tắc, hạ tầng đã không bắt kịp sự phát triển, công trình thi công chậm chạp. Nguyên nhân "mãn tính" của những vấn đề trên vẫn là đói vốn, vướng giải phóng mặt bằng.
Về giải pháp, ông Thắng cho rằng TP cần tập trung làm trước theo thứ tự các đường vành đai, dự án giao thông cửa ngõ phía đông, phía tây... Các công trình trọng điểm làm trước ở khu Đông TP như vành đai 2, nút giao Mỹ Thủy, đường Nguyễn Thị Định. Ngoài ra cần ưu tiên các dự án mở rộng cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, mở rộng quốc lộ 22...
"Khi đã chọn được công trình ưu tiên thì tập trung nguồn vốn, chuẩn bị mặt bằng sạch làm cho xong từng dự án, không nên đầu tư dàn trải" - ông Thắng nói.
TS Trần Quang Thắng cho rằng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cũng phải thay đổi. Hiện không ít công trình làm "cuốn chiếu", giải phóng mặt bằng đến đâu làm đến đó nên lâm cảnh dang dở, làm được một đoạn lại phải ngưng chờ mặt bằng, gây mất thời gian, tăng thiệt hại.
Thậm chí có dự án đội vốn hơn 500 tỉ đồng như nút giao thông Mỹ Thủy. Các đơn vị, chủ đầu tư, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Thực hiện báo cáo tiến độ định kỳ, có khó khăn gì cùng nhau tháo gỡ.
Theo TS Trần Quang Thắng, TP cần vận dụng tốt hơn nữa nghị quyết 27 để có những chính sách quyết liệt, có cơ chế mới trong công tác giải phóng mặt bằng. Thực tế, quá trình thỏa thuận, bồi thường hiện qua quá nhiều bước rất mất thời gian.
"Trong đó, các địa phương cam kết thời hạn giải phóng mặt bằng, trường hợp chậm trễ phải chịu trách nhiệm. Các đơn vị phải cùng quyết tâm làm tới nơi tới chốn thì giao thông TP mới có thể cải thiện được", ông Thắng nói.
Khuyến khích tư nhân rót vốn
TS Chung Thành Tiến - chuyên gia kinh tế - cho rằng nguồn vốn đầu tư công không thể đủ cung ứng cho nhu cầu phát triển mạnh mẽ của TP.HCM hiện nay. Vì vậy, TP nên học hỏi quốc tế và các tỉnh lân cận như Bình Dương là khuyến khích, thu hút tư nhân đầu tư làm giao thông.
Có thể sau khi họ xây dựng xong hạ tầng sẽ cho họ khai thác thương mại dọc tuyến trong thời gian nhất định để thu hồi vốn.
Ngoài ra, TP phải có quy định để chủ đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản, thương mại khác có trách nhiệm đóng góp các chi phí xây dựng hạ tầng, chống ngập, phát triển mạng lưới giao thông công cộng.
Kỳ vọng các dự án vành đai, liên tỉnh
Đường vành đai 4 đoạn qua thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương - Ảnh: Q.ĐỊNH
Tại cuộc họp với các tỉnh thành về phát triển hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới đây, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đã kiến nghị bộ trưởng Bộ GTVT tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông liên vùng trong bối cảnh hạ tầng khu vực này đang thiếu đồng bộ.
Theo Sở GTVT, việc các dự án quan trọng nơi chậm, nơi tắc khiến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa phát huy được hiệu quả so với thế mạnh vốn có, thậm chí có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Thời gian qua, TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước đã có nhiều kiến nghị xem xét đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông.
Theo TP.HCM, từ nay đến năm 2025 cần thiết ưu tiên đầu tư hoàn thành khép kín một số tuyến đường quan trọng. Thứ nhất là đầu tư đường vành đai 3 dài 98km đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Đến nay, dự án mới đầu tư được một đoạn dài 16km tại Bình Dương. Các đoạn đã được phê duyệt như dự án thành phần 1A (từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) và dự án thành phần 1B (cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Xa lộ Hà Nội) dự kiến khởi công cuối năm 2021. Sở GTVT TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo thẩm định báo cáo tiền khả thi các đoạn còn lại do Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long lập để sớm đầu tư khép kín tuyến đường vành đai 3.
Thứ hai là dự án vành đai 4, tuyến đường này theo quy hoạch dài 198km đi qua các tỉnh thành Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM với tiêu chuẩn đường cao tốc 6-8 làn xe, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 100.000 tỉ đồng. Sở GTVT TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu toàn diện dự án này, trong đó nghiên cứu phương án, quy mô, phân kỳ đầu tư... để dự án sớm được triển khai.
Thứ ba là tuyến trục động lực TP.HCM - Long An - Tiền Giang với chiều dài khoảng 54,5km, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án 16.197 tỉ đồng. Với tuyến đường này, năm 2020 Chính phủ đã giao Bộ GTVT xem xét bổ sung vào Quy hoạch giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam theo đúng quy định.
Thứ tư là mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. UBND TP đã có văn bản gửi Bộ GTVT thống nhất sự cần thiết mở rộng cao tốc này trong bối cảnh dự kiến tới năm 2025 sân bay Long Thành sẽ đưa vào khai thác. TP cũng kiến nghị trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT nghiên cứu hoàn chỉnh nút giao An Phú và bổ sung nút giao cao tốc với đường Long Phước để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực TP Thủ Đức.
Trong khi đó, nhằm sớm đẩy nhanh dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, UBND TP cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án. Với dự án này, Chính phủ đã giao UBND TP quyết định chủ trương đầu tư và triển khai, phê duyệt dự án. Tuyến đường dài 53km dự kiến làm trong 5 năm với tổng mức đầu tư 13.613,4 tỉ đồng và đưa vào khai thác năm 2025. Cao tốc hoàn thành sẽ giúp giảm tải quốc lộ 22, tạo tuyến đường mới kết nối TP.HCM - Tây Ninh.
Riêng tuyến vành đai 2 tổng chiều dài 64km có vai trò điều phối xe tải không đi vào nội thành TP sau nhiều năm triển khai đầu tư tới nay còn 11km (chia làm 4 đoạn) chưa được khép kín. Trong đó, đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao cầu vượt Thủ Đức đang tạm dừng thi công 2 năm qua vì chờ rà soát hợp đồng BT với nhà đầu tư. Theo Sở GTVT, trong năm 2021, TP sẽ tập trung tháo gỡ các dự án BT, trong đó có dự án này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận