Của ít lòng nhiều!

TRẦN NHẬT VY 11/08/2007 21:08 GMT+7

TTCT - Tiền Giang, trước đây là Định Tường, rồi Mỹ Tho nếu không là yết hầu thì cũng là cửa ngõ của miền Tây Nam bộ. Không tự nhiên mà trước đây chỉ có Tiền Giang và Sài Gòn mới có trường trung học và cả miền Tây chỉ có Mỹ Tho là có đường ray xe lửa chạy từ Sài Gòn xuống.

Phóng to
TTCT - Tiền Giang, trước đây là Định Tường, rồi Mỹ Tho nếu không là yết hầu thì cũng là cửa ngõ của miền Tây Nam bộ. Không tự nhiên mà trước đây chỉ có Tiền Giang và Sài Gòn mới có trường trung học và cả miền Tây chỉ có Mỹ Tho là có đường ray xe lửa chạy từ Sài Gòn xuống.

Với vị trí như vậy, Tiền Giang trở thành vùng đất địa linh nhân kiệt, xuất hiện khá nhiều người con kiệt xuất cả văn lẫn võ cho đất nước trong nhiều thời kỳ. Có thể kể một số cái tên như Lê Văn Duyệt, Trương Định, Thủ Khoa Huân, Học Lạc, Từ Dũ, Đốc Binh Kiều, sư Thiện Chiếu, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Thị Thập, Lê Thị Hồng Gấm... Cả miền Nam chỉ có vùng đất này là có mấy bà hoàng như thái hậu Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức), Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại), Đoàn Thị Giàu (vợ bác Tôn Đức Thắng)...

Với một bề dày và điều kiện không phải nơi nào cũng có như thế thì 15 nhân vật “chuyên văn” của Huỳnh Mẫn Chi rõ ràng hơi nhiều cho một cuốn sách nhưng quá ít về một vùng đất.

Trong 15 nhân vật được đề cập, phần lớn là người đương đại (trừ nhà văn Hồ Biểu Chánh) và đều là những nhân vật nổi tiếng cả nước. Với 15 nhân vật này, rõ ràng Huỳnh Mẫn Chi đã mất khá nhiều công sức để gặp gỡ, sưu tầm, tra cứu... trước khi đặt bút xuống trang giấy. Có nhân vật cô phải mất rất nhiều lần mới tiếp cận được.

Có nhân vật cô phải lục tung các kho tư liệu. Có nhân vật cô phải thế chấp cả chiếc xe duy nhất của mình chỉ để “mượn mấy xấp tài liệu mang ra tiệm photo”. Nhưng dù khó, dù cực nhưng Mẫn Chi đã phác họa tương đối hoàn chỉnh các nhân vật về tiểu sử và sáng tác. Nhiều nhân vật trong sách, nhiều người biết tên nhưng ít người biết họ là ai, hành trạng như thế nào, đã có những tác phẩm gì.

Ví như nhà văn Đoàn Giỏi, lâu nay tôi cứ đinh ninh ông là người Cần Thơ và chuyên viết văn. Nhưng khi đọc sách mới biết ông xuất thân nghề họa sĩ. Hay chỉ biết ông Năm Châu là diễn viên và người viết kịch bản cải lương, nay mới biết ông từng học nhạc và học đàn violon! Hoặc đọc sách mới thấy cuộc đời ba chìm bảy nổi của ông Trần Hữu Trang trước khi trở thành soạn giả cải lương đỉnh cao trong số các soạn giả...

Bằng tấm lòng Mẫn Chi đã góp cho Tiền Giang một bức tranh lịch sử đáng trân trọng. Rõ ràng, của ít mà lòng nhiều. Thiết nghĩ nên có thêm nhiều cuốn sách tương tự với nội dung đầy đặn hơn về các nhân vật xứng đáng được ghi vào sử sách cả văn lẫn võ của vùng đất Tiền Giang.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận