Phóng to |
Lao động Việt Nam tại một nhà máy sản xuất, chế biến nấm ở Nhật - Ảnh: Hồ Văn |
Lĩnh vực tăng cao nhất thuộc về ngành xây dựng và nông nghiệp, đây cũng là lĩnh vực mà người Nhật đang triển khai dự định tăng hợp đồng làm việc lên năm năm.
Tăng gấp đôi số lượng
Ông Vũ Trường Giang, trưởng phòng Nhật Bản - châu Âu và Đông Nam Á (thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước - Dolab), cho biết trong quý 1-2014, đơn hàng tuyển dụng của các doanh nghiệp gửi về Dolab thẩm định tăng mạnh. Ngoài những lĩnh vực cơ khí, điện tử... thì xây dựng và nông nghiệp là hai lĩnh vực có đơn hàng tăng đột biến.
Tại Trancimexco, ông Lê Anh Tuấn - giám đốc công ty - cho hay quý 1-2014, đơn hàng từ các nghiệp đoàn Nhật Bản đặt hàng với công ty tăng khoảng 20% so với quý 1-2013. Với việc đơn hàng tăng mạnh ngoài dự kiến, theo ông Tuấn, công ty đã mạnh dạn đưa ra chỉ tiêu đưa 250 lao động qua Nhật trong năm 2014 so với 180 lao động năm 2013. “Nhiều nghiệp đoàn ký hợp đồng với chúng tôi cho hay việc tuyển dụng lao động tăng về số lượng nhằm chuẩn bị nguồn lực phục vụ kế hoạch đầu tư, sản xuất vào Việt Nam trong tương lai của các doanh nghiệp Nhật” - ông Tuấn nói.
Bà Thân Thị Thảo - phó tổng giám đốc Công ty XKLĐ Gmas - cho biết quý 1-2014, số lượng tuyển dụng đặt hàng từ Nhật tăng gấp hai lần, lên 50 ứng viên để đào tạo đưa đi Nhật. “Năm 2013 Gmas đưa được hơn 100 lao động qua Nhật. Với tín hiệu tăng này, chúng tôi tin chắc rằng năm nay sẽ hoàn thành mục tiêu đưa khoảng 150 lao động đi Nhật” - bà Thảo hồ hởi.
Riêng Công ty XKLĐ Biển Đông, tính từ đầu năm đến nay công ty đã xuất qua Nhật gần 30 lao động và cuối tháng này sẽ có 20 lao động bay qua Nhật. Trong khi đó đơn hàng tuyển dụng vẫn đang cần khoảng 50 lao động theo yêu cầu của các nghiệp đoàn từ Nhật Bản. “Để có nguồn lao động cung cấp cho các nghiệp đoàn, chúng tôi phải cử người đi miền Trung và một số khu vực khác nhằm tìm nguồn cung ứng. Nhưng có lẽ khó tuyển đủ theo đơn hàng vì có nhiều doanh nghiệp khác cũng chạy đôn chạy đáo tìm lao động” - một cán bộ Công ty Biển Đông cho hay.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, đơn hàng tuyển dụng lao động qua Nhật tăng đột biến là do phía Nhật đang rất cần nhiều lao động. “Nhật đang cần hàng ngàn lao động trong lĩnh vực xây dựng để phục vụ Olympic 2020 mà họ được lựa chọn. Thứ hai, người Nhật cũng đang muốn đẩy nhanh tốc độ tái thiết một số vùng sau thảm họa động đất và sóng thần” - ông Liêm nói. Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp cũng đang thiếu lao động trầm trọng, vì vậy cơ hội làm nông nghiệp ở Nhật đang tăng mạnh cho lao động Việt Nam.
Tăng hợp đồng từ 3 năm lên 5 năm
Một tín hiệu đáng mừng khác cũng do ông Nguyễn Gia Liêm tiết lộ, có nhiều nghiệp đoàn phía Nhật đặt vấn đề tăng thời gian hợp đồng cho người lao động. “Họ đề xuất với chúng tôi có thể bàn thảo, đi đến thống nhất tăng thời gian hợp đồng làm việc trong một số lĩnh vực. Theo đề xuất này, các lĩnh vực đơn giản như chế biến lương thực hiện đang phổ biến với hợp đồng làm việc một năm thì tăng lên ba năm. Riêng lĩnh vực xây dựng có thể tăng từ ba năm lên năm năm”. Việc khởi động thỏa thuận này sẽ bắt đầu trong tháng 6 tới.
Tại Công ty Biển Đông, các nghiệp đoàn tuyển dụng cũng nhìn nhận xu hướng sắp tới là tăng hợp đồng làm việc lên đến năm năm là tất yếu. Các nghiệp đoàn cũng cho biết ngoài xây dựng, nông nghiệp cũng là lĩnh vực sẽ được tăng hợp đồng làm việc lên năm năm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trước tín hiệu đáng mừng này, ông Vũ Trường Giang cũng thận trọng lưu ý: “Tín hiệu đơn hàng tăng về số lượng báo hiệu một năm đầy hứa hẹn của thị trường Nhật. Nhưng đi kèm với số lượng tăng thì người Nhật cũng luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Các doanh nghiệp có cơ hội cần tuyển dụng lao động cẩn trọng, đào tạo một cách bài bản để chào hàng cho bạn. Nếu các lớp lao động đầu tiên làm việc tốt, cơ hội để giữ thị trường và gia tăng số lượng sẽ bền vững hơn. Còn ngược lại, làm ăn chụp giật, chỉ lo thu phí mà quên chất lượng lao động thì sớm muộn cũng sẽ không nắm bắt được cơ hội mà phía Nhật đang mang lại”.
Thí điểm đưa thanh niên nghèo đi Nhật Ngoài tín hiệu đáng mừng trên, Tổ chức IM Japan đang triển khai chương trình đào tạo thí điểm thanh niên nghèo không có cơ hội học lên cấp III đưa qua Nhật làm việc. Phú Thọ là tỉnh được chọn thí điểm trước 50 lao động, các ứng viên đều được miễn phí toàn bộ từ đào tạo đến dịch vụ. Ba tỉnh khác là Tuyên Quang, Quảng Bình, Đắk Nông cũng được IM Japan chọn để đào tạo mỗi tỉnh 100 ứng viên đưa qua Nhật làm việc. Các ứng viên này phải có bằng cấp III trở lên và được sơ tuyển tại địa phương trước khi ra học chính thức tại trung tâm lao động ngoài nước. Ứng viên thuộc các chương trình này đều được đào tạo miễn phí, trúng tuyển đi Nhật làm việc cũng không đóng bất cứ một khoản phí nào. Sau ba tỉnh nói trên, IM Japan sẽ triển khai rộng ra các tỉnh, thành khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận