14/07/2019 14:30 GMT+7

'Của để dành' cho con

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Bằng những câu chuyện quanh mình, người cha trong lá thư dạy cho con trẻ những kỹ năng cơ bản, cách ứng xử khi đi lạc, gặp người bị nạn và biết yêu quý đồng tiền từ sức lao động mà có...

Của để dành cho con - Ảnh 1.

(Gửi con Lưu Đức Bình Minh)

1 Con trai, chắc chắn ba sẽ không có của nhiều để lại cho con. Nhưng nếu có của nhiều, ba cũng sẽ học theo các tỉ phú thế giới, không để lại cho con của cải. Ba muốn con hiểu về giá trị của việc tự tạo dựng cuộc sống, sự nghiệp cho mình bao giờ cũng bền chắc và đáng tự hào.

Ba nhớ có lần bà cố con kể câu chuyện chàng trai lười biếng, ỷ lại vào tài sản gia đình mà lêu lổng, tiêu tiền không biết xót. Cha anh ấy là một phú hộ giàu có, đã bấm bụng đánh đuổi con trai đi khỏi nhà, không được bén mảng tới làng luôn. Anh con trai đi và bắt đầu tìm cách mưu sinh, từ đó cảm nhận giá trị đồng tiền do mình đổ mồ hôi quá quý giá. 

Sau vài ba năm, đủ trưởng thành, anh quay về sám hối cha mẹ, đưa cho cha xem thành quả về số tiền dành dụm được. Người cha trong lòng rất mừng, nhưng muốn thử con nên đã cầm tiền ấy quăng vào lửa, người con quá xót tiền mình khổ cực kiếm được toan lấy tay cứu số bạc đó mặc cho lửa cháy thì ông mới cản lại...

Đại khái câu chuyện là vậy, người cha đã dạy cho con trai mình giá trị đồng tiền và thực sự con người chỉ quý thành quả khi tự mình nỗ lực đạt được. Đó là câu chuyện ngụ ngôn, nhưng ba nghĩ luôn có giá trị trong mọi thời đại, nhất là về việc dạy con cách thức kiếm tiền, tiêu tiền. Mọi thứ phải là sự cố gắng, đổ mồ hôi để bước đến thì mới vinh quang, ba tin con sẽ hiểu điều này.

Của để dành cho con - Ảnh 2.

Những người đi đường sơ cứu cô gái bị tai nạn giao thông, sau đó gọi điện thoại thông báo cho công an phường tại nơi xảy ra tai nạn - Ảnh: T.T.D.

2 Con trai, ba sẽ dạy con việc cứu người là cần thiết, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần giúp đỡ người khổ hơn, bị nạn. Ba nhớ cách đây ít ngày, ở thành phố ba đang sống, một vụ tai nạn xảy ra và người lái taxi đã bỏ nạn nhân trong khuya vắng. Nhiều lượt người đi qua cũng bỏ mặc. Có nhiều lý do nhưng có thể có cả sự vô cảm. Ba sẽ chỉ cho con kỹ năng cứu người để vừa an toàn cho tự thân, vừa giúp được người khác, để con vào đời sống bằng lòng nhân hậu, quả cảm.

Những cái tốt, những câu chuyện tình người thấm đẫm yêu thương thường chạm vào trái tim chúng ta. Một cậu học trò nhảy xuống nước cứu các bạn nhỏ hơn bị đuối, một anh làm nghề bình thường trả tiền đánh rơi của ai đó... 

Những câu chuyện ứng xử bình thường trở nên phi thường vì cuộc sống ít người làm vậy. Ba mong con sẽ làm điều đó trong kỹ năng được trang bị. Theo đó, con sẽ không phải làm vì cảm tính rồi vướng vào rắc rối hoặc hại đến bản thân, nản lòng hoặc không còn cơ hội để tiếp tục thực thi điều lành nữa. 

Rằng con hãy cứu người bị đuối khi con biết bơi, con hãy gọi trợ giúp và gọi đúng cơ quan chức năng tới giúp nếu phát hiện ai đó bị nạn chứ không tự ý làm càn. Lòng tốt cũng cần có kỹ năng!

3 Con trai, ba cũng sẽ dạy con nhớ số nhà mình (nếu có), nhớ tên ba, tên bà, nhớ cả số điện thoại của ba để nhỡ có đi lạc trong siêu thị hay công viên, con cứ đến chỗ chú bảo vệ và nhờ chú ấy gọi.

Ba sẽ yêu con bằng sự chăm sóc, tỉ tê nói chuyện và mỗi tối đọc cho con nghe một chuyện tử tế. Kết thúc câu chuyện, ba sẽ nhắc con về đạo lý ở hiền gặp lành, về nhân quả vốn là định luật thường hằng, để con biết gieo mầm thiện và gặt về quả an vui. 

Ờ, con trai, thực sự không có gì hạnh phúc bằng sự an ổn trong tâm hồn cả. Và để có sự an ổn đó, ba nghĩ, chỉ khi nào chúng ta biết sống tử tế mỗi ngày.

Con nhớ nha! Ba rất yêu con...

Dạy con nhìn đời bằng

TTO - Trong một thời đại mà nhiều giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn... mà mô tả có thể dùng từ 'loạn chuẩn', cha mẹ có thể giúp được gì cho con?

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên