Ngoài giờ học, Ngọc Nhi làm việc nhà đỡ đần cho cậu mợ - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Sinh ra và lớn lên ở xã biên giới Tây Nam của Tổ quốc, Nguyễn Thị Ngọc Nhi (sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường đại học Cần Thơ) ngoài khó khăn về điều kiện sống còn liên tục gặp phải những biến cố lớn trong cuộc đời, phải nương nhờ cậu mợ cưu mang.
17 tuổi mồ côi cả cha và mẹ, khiến cho niềm đam mê học ngoại ngữ của Nhi có lúc gần như không còn hy vọng.
Tôi tin em sẽ học đến cùng và nỗ lực đến cùng. Bởi vì một đứa trẻ ngay từ nhỏ gần như là bơ vơ không nơi nương tựa lại có thể kiên trì đi đến ngày hôm nay cần một nghị lực phi thường, rất khó và hiếm thấy.
Cô Trương Thị Cao Hoàng (giáo viên Trường THPT An Phú, thị trấn An Phú, huyện An Phú, An Giang)
"Cố gắng học để đừng khổ giống mẹ"
Căn nhà sàn đặc trưng của nơi đầu nguồn sông Hậu, giáp biên giới Tây Nam, thuộc ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, (An Giang), là nơi che mưa che nắng cho nhà cậu mợ Nhi gồm sáu thành viên.
Từ lâu cậu mợ đã xem Ngọc Nhi như con gái lớn trong nhà, dù khó khăn đến đâu cậu cũng lo cho cháu ăn học đến nơi đến chốn. Đó không đơn thuần là lời hứa với vong linh người em gái đã mất, mà còn có cả sự gửi gắm niềm hy vọng rằng gia đình sẽ có ngày thay đổi cuộc sống nhờ vào việc học.
Anh Nguyễn Văn Hậu - người cậu mà Ngọc Nhi mang ơn nuôi dưỡng từ bé đến nay - xúc động nói về đứa cháu gái kém may mắn: "Thấy cháu ham học tôi rất mừng, cực khổ thêm một chút cũng không hề gì". Công việc hằng ngày của anh là đi vác cám heo, vào vụ lúa thì đi vác lúa mướn, ai kêu gì cũng làm. Còn vợ anh làm thời vụ cho các vườn rau màu gần nhà. "Có cháu đỡ đần trong nhà, vợ chồng tôi cũng an tâm" - anh Hậu nói.
Rồi anh Hậu kể lại quãng thời gian 18 năm đằng đẵng kia đã lấy đi biết bao nước mắt của đứa cháu thơ dại. Cha mẹ Nhi ly hôn năm cô bé mới 10 tuổi. Ba lập gia đình mới, còn mẹ đi làm công nhân may tại Bình Dương. Dù khó khăn, thiếu thốn mấy nhưng Nhi vẫn được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.
Năm Nhi 15 tuổi, cha mất. Đến cuối học kỳ I năm lớp 12, mẹ Nhi mắc bệnh viêm phổi nặng, Nhi trải qua khoảng thời gian có lẽ là gian nan nhất đời mình, tạm nghỉ học lên TP.HCM chăm sóc mẹ.
"Những đêm ngồi bên giường bệnh, mình vẫn không ngừng hy vọng rồi mọi chuyện sẽ ổn, mẹ sẽ vượt qua. Rồi bệnh tình mẹ dần trở nặng, mình chỉ được len lén nhìn mẹ qua tấm kính của phòng chăm sóc đặc biệt toàn những máy móc giúp mẹ kéo dài sự sống" - Ngọc Nhi nghẹn ngào kể lại.
Nhưng số phận lại một lần nữa cướp đi người thân yêu nhất của Nhi trên đời này. 17 tuổi, Nhi trở thành trẻ mồ côi. Ngày thường mẹ cũng hay tâm sự, bảo ban và động viên con gái học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn nghe lời cậu mợ, phụ chăm sóc các em. Dù mẹ đi làm xa nhưng mỗi dịp lễ Tết, hai mẹ con dành tất cả thời gian ở bên cạnh nói chuyện cả ngày.
Ngay cả lúc biết mình không qua khỏi, mẹ vẫn lặp lại lời căn dặn "cố gắng học để đừng khổ giống mẹ".
Quãng thời gian sau khi mẹ mất, Nhi rơi vào trạng thái hụt hẫng, chênh vênh, mọi thứ trống rỗng. Có nhiều đêm trằn trọc, mất ngủ vì nhớ thương mẹ, Nhi lại lấy sách ra học.
"Mình nghĩ về khó khăn của cậu mợ, nhìn đàn em nhỏ cần một tấm gương noi theo, điều đó lại thúc giục mình không được từ bỏ con đường đến trường" - Ngọc Nhi tâm sự.
Học ngoại ngữ qua điện thoại
Ngọc Nhi chia sẻ, niềm say mê với ngoại ngữ bắt đầu từ khi cô nhận thức được bản thân mình và những đứa em miền biên giới này thiếu thốn điều kiện để học.
"Cái ăn cái mặc hằng ngày còn phải chạy vạy, tính toan thì tiền đâu để học thêm, trau dồi thêm ngoại ngữ. Nhờ vào điện thoại, mình tự tìm tài liệu trên mạng để học thêm. Mặc dù chữ trên điện thoại hơi nhỏ nhưng được học miễn phí, đỡ tốn tiền mua sách, mình thấy may mắn lắm rồi. Cho đến nay, mình vẫn dùng cái điện thoại - "người bạn" thân thiết hơn 3 năm qua của mình - để học và thi trực tuyến", Ngọc Nhi nói.
Thành tích học tập của Nhi: điểm trung bình cả năm lớp 12 là 9,2 và cánh cửa đại học mở ra trước mắt cô học trò nghèo hiếu học.
Nhưng vẫn còn đó bao khó khăn, thiếu thốn, Nhi thương đôi bàn tay chắt chiu của cậu mợ - người cha và người mẹ thứ hai đã chăm lo cho mình như con ruột. Nhi chỉ mong một ngày mình có đủ kiến thức, rèn luyện vững kỹ năng có thể quay trở về quê nhà dạy tiếng Anh cho các em nơi vùng biên giới.
Ngọc Nhi nói cánh cửa đại học mở ra mang theo điều tốt đẹp soi sáng cho bạn vào đời.
Ngày mẹ Nhi mất, nhờ cô giáo chủ nhiệm thương, vận động được một số tiền làm sổ tiết kiệm cho cô học trò, nay số tiền đó đủ đóng học phí học kỳ I của năm nhất đại học.
154 tân sinh viên nhận học bổng
Hôm nay (31-12), tại tỉnh Sóc Trăng sẽ diễn ra lễ tuyên dương và trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 154 tân sinh viên 11 tỉnh miền Tây. Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với các tỉnh, thành đoàn khu vực miền Tây tổ chức, và là điểm trao thứ 9 của chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2021 dành cho tân sinh viên khắp cả nước.
Mỗi suất học học bổng có trị giá 10 triệu đồng và suất đặc biệt là 15 triệu đồng tiền mặt, tổng kinh phí học bổng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hơn 1,595 tỉ đồng do Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tài trợ, trong đó có 11 suất học bổng đặc biệt trị giá 165 triệu đồng).
Giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - đã ủng hộ chương trình 100 triệu đồng để tài trợ 10 suất học bổng dành cho tân sinh viên tỉnh Vĩnh Long.
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã ủng hộ quà tặng cho tân sinh viên; Quỹ khuyến học Vinacam, Công ty cổ phần Vinacam còn trao tặng 6 laptop dành cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn và còn thiếu thiết bị học tập.
Sau 18 năm thực hiện, học bổng "Tiếp sức đến trường" đã hỗ trợ 20.395 tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường đại học - cao đẳng với tổng số tiền hơn 146,5 tỉ đồng. Riêng năm 2021, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh thành đoàn tiếp tục trao học bổng cho hơn 1.000 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước với tổng kinh phí 12 tỉ đồng.
CHÍ QUỐC
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận