Cua biển nuôi chết bất thường, gây lo lắng cho nông dân - Ảnh: KHẮC TÂM
Ngày 25-3, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết qua kết quả kiểm tra, phân tích mẫu trên cua biển tại các hộ dân, bước đầu đã tìm được nguyên nhân gây ra cua biển nuôi kết hợp trong vuông tôm chết bất thường những ngày qua.
Theo Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu, hiện cua bệnh chết là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim của cua. Tỉ lệ cua nhiễm bệnh lên đến 93,1% và mật độ nhiễm cao nhất là 17 ký sinh/cua.
Ngoài ra, còn có vi khuẩn V.parahaemolyticus là tác nhân cơ hội thứ 2 hiện diện trong nước nuôi, cơ, gan cua với mật độ khá cao, trên 1.000 CFU/ml/(gram) là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua nuôi và nguy cơ gây bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi cùng môi trường.
Cơ quan chức năng Cà Mau nhận định cua nuôi tại địa phương thường được người dân thả quanh năm và không ngắt vụ nên mầm bệnh tích tụ trong môi trường nuôi, khi gặp điều kiện thuận lợi (thời tiết nắng nóng, thời điểm giao mùa) sẽ phát tán nhanh, gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả đối với ký sinh trùng giáp xác chân tơ ký sinh trên cua.
Trong khi chờ các nghiên cứu khoa học sắp triển khai nhằm có giải pháp đặc trị bệnh trên cua, ngành chức năng Cà Mau khuyến cáo nhà nông cần phải thu hoạch ngay lượng cua còn lại trong vuông nuôi để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh hiện nay; không nên thả thêm giống vào vuông nuôi để cắt vụ nuôi và cải tạo vuông nuôi…
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, bước đầu ghi nhận có trên 30.000ha cua nuôi bị thiệt hại, trong đó nặng nhất là huyện Đầm Dơi 16.606ha, kế đến là huyện Năm Căn với 13.128ha.
Cua biển là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau. Thời gian gần đây tình trạng cua nuôi kết hợp trong vuông tôm chết bất thường gây thiệt hại lớn cho người dân. Do vậy, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo kiểm tra, tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận