Sáng 11-1, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp Trường đại học Việt Đức tổ chức hội thảo giải pháp phát triển giao thông xanh ở huyện Cần Giờ.
Có chính sách ưu đãi khi mua xe điện
Đại diện nhóm nghiên cứu đề án phát triển giao thông xanh Cần Giờ, TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Đại học Việt Đức) - cho biết khi xây dựng đề án, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu 20-30% người dân, 30-50% du khách sử dụng giao thông công cộng tại Cần Giờ, 50-70% người dân có xe máy điện và 100% xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy nếu có phí hỗ trợ đổi xe và lãi vay ưu đãi khi mua xe, hộ nghèo của huyện sẽ có ý định mua xe điện. Với những hộ thông thường, nếu áp dụng lãi vay ưu đãi khi mua xe, giảm phí cấp biển thì sẽ tính đến chuyện mua xe điện.
Bên cạnh các chính sách ưu đãi khi mua xe điện, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất tổ chức làn đường ưu tiên cho xe máy điện trên tuyến đường Rừng Sác (đoạn từ phà Bình Khánh đến đường Duyên Hải với 36,5km). Xe máy xăng có tiêu chuẩn khí thải thấp không được phép lưu thông vào làn đường ưu tiên này.
Đồng thời phát triển dịch vụ thuê xe đạp công cộng như trung tâm TP để phục vụ người dân và du khách. Xây dựng hành lang an toàn cho người đi xe đạp và người đi bộ. Nhóm nghiên cứu đề xuất cấm xe tải có tải trọng trên 2,5 tấn lưu thông từ 22h-6h trên đường Duyên Hải (đoạn từ đường số 10 đến nút giao Đào Cử) và cấm xe khách trên 16 chỗ từ 6-8h và 16-18h và một số giải pháp khác.
Theo ông Tuấn, nếu thực hiện các giải pháp này, tỉ lệ sử dụng giao thông công cộng tại huyện ước tăng từ 10% như hiện nay lên 30-40%. Phát thải ô nhiễm không khí mỗi năm sẽ giảm từ 9.600 tấn xuống 4.800 tấn. Nồng độ chất gây ô nhiễm giảm 54% trên các trục đường chính và 12% trên đường dân sinh.
Muốn vào Cần Giờ phải là phương tiện xanh
Góp ý tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng cần đánh giá sát sự hưởng ứng của người dân khi chuyển xe xăng qua xe điện, phương án bố trí các trạm sạc, cơ sở sửa chữa xe, xử lý các pin điện thải ra...
Các chuyên gia còn cho rằng đề án phát triển giao thông xanh phải tính việc Cần Giờ định hướng phát triển cảng trung chuyển quốc tế, khu đô thị lấn biển, xây dựng cầu Cần Giờ. Bên cạnh phát triển buýt điện, cần nghiên cứu phát triển đường sắt nhẹ đến Cần Giờ.
Góp ý kiến, ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông vận tải - cho rằng song song với các chính sách ưu đãi chuyển đổi xanh thì phải có công cụ kiểm soát để "cứ vào Cần Giờ thì phải có phương tiện xanh".
"Chúng tôi từng có ý tưởng tổ chức giao thông tại huyện Cần Giờ, muốn vào thì phải là phương tiện xanh", ông Hải nói.
Người dân khi được hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh thì cũng cần có kiểm soát việc sử dụng. Du khách khi đến Cần Giờ bằng xe xăng sẽ có vùng đệm để chuyển đổi sang phương tiện xanh. Tất nhiên phải bố trí các tuyến buýt điện và các loại phương tiện xanh khác đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách.
Ngoài ra ông đề nghị cần xác định giải pháp cho từng giai đoạn khi cầu Cần Giờ, cảng trung chuyển quốc tế đi vào hoạt động. Lúc này hoạt động vận tải tại địa phương này sẽ khác.
Trình HĐND TP.HCM một số chính sách chuyển đổi xanh tại Cần Giờ
TS Trương Minh Huy Vũ - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng hướng phát triển quan trọng của TP.HCM hiện nay là "xanh" và "số". Việc thúc đẩy chuyển đổi xanh phải có công cụ, chính sách cụ thể để TP thực hiện. Nghị quyết 98 đã trao cho TP nhiều công cụ để thực hiện mục tiêu này, trong đó có việc giảm phát thải, chuyển đổi xe xăng sang xe điện…
Chủ tịch UBND TP.HCM từng chỉ đạo huyện Cần Giờ tiên phong trong chuyển đổi xanh, kinh tế xanh. Huyện Cần Giờ cũng xác định cần tiên phong thí điểm các chính sách về phát triển xanh bằng việc vận dụng nghị quyết 98. Tại kỳ họp sắp tới của HĐND TP, Viện Nghiên cứu phát triển TP dự kiến tham mưu trình một số chính sách để chuyển đổi xanh, trước mắt là tại Cần Giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận