Hưng Yên nổi tiếng đất nhãn lồng, ai ngờ nơi đây còn xuất hiện loại vải trứng đặc sản. Quả to, vị thơm mát, cùi dày, tỉ lệ mật cao, ít nước. Thời gian thu hoạch cùng vải lai nhưng trước vải thiều, giá thành cao nên được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên ra quy định bảo vệ nguồn gene quý.
Bảo vệ nguồn gene vải quý
Nắng hè gay gắt, nhưng đi giữa vườn vải trứng của thôn Ba Đông (xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) như dịu lại. Hai bên đường, vườn vải xanh mướt đẹp như tranh vẽ.
Ông Nguyễn Văn Vì - 65 tuổi, chủ nhân cây vải tổ hơn 100 tuổi - chia sẻ: "Mùa thu hoạch vải trứng sớm hơn vải thiều khoảng một tháng, thời gian thu hoạch vải trứng cũng chỉ kéo dài chục ngày. Vườn vải nhà tôi chỉ thu hoạch bốn ngày là hết".
Cây vải tổ của gia đình ông Vì trồng cách nhà vài trăm mét, trong khuôn viên biểu trưng đẹp đẽ vừa được tỉnh đầu tư xây dựng năm 2020. Cây vải tổ không cao lớn, thân xù xì xám đen, cành tươi xanh nhưng trông hơi xác xơ như một bà mẹ vừa dốc hết sức sau sinh nở.
Từ đời ông nội ông Vì, cây đã cho quả, qua đời bố của ông đã hơn một thế kỷ mà quả vẫn trĩu cành. "Người làng vẫn quen gọi vải cụ Diệm - tên ông nội tôi, còn tên vải trứng mới được người bạn tôi từng làm cán bộ xã đặt, muốn cây sẽ là cây đặc sản của tỉnh. Nói đến vải trứng người ta sẽ nhắc tới Hưng Yên và ngược lại", ông Vì tự hào.
Cạnh cây vải có trụ đá cao tầm đầu người, bên trên đặt đôi bàn tay dáng búp sen đỡ lấy quả vải lớn - biểu trưng giống vải trứng quý giá. Trụ đá bốn mặt, một mặt khắc quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên công nhận cây vải tổ do gia đình ông Vì trồng và chăm sóc là cây vải tổ của giống vải trứng. Quyết định bảo tồn và sử dụng nguồn gene quý này để phát triển vùng nhãn và vải đặc sản của tỉnh.
Mặt còn lại khắc các bài thơ về vải trứng, trong đó có bài thơ của nguyên Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trong một lần về thăm cụ vải. "Các chuyên gia nông nghiệp từng về vườn nhà tôi để nghiên cứu nguồn gốc cây vải. Họ đang khảo sát nguồn gốc xuất xứ cây, nếu bên Trung Quốc không có giống như vải trứng Hưng Yên thì đây là loài duy nhất chỉ có ở Việt Nam", ông Vì tự hào nói.
Cuộc đời cụ vải
Lời các cụ cao niên truyền kể rằng vải trứng bắt nguồn từ loài đặc sản tiến vua. Những năm mất mùa triền miên, chỉ tiêu giao dân không hoàn thành nên đã phá bỏ cây để không còn cớ bắt nộp.
Cả vùng chỉ một phú nông giữ lại vài cây, trồng sâu trong vườn làm cảnh. "Ông nội tôi quảng giao, thấy cây quý cho quả ngon nên xin về trồng. Sau này bà con nghe tiếng đến xin chiết cành về trồng. Bố tôi là người học được kỹ thuật chiết, hai cây vải ở hai góc sân đều từ thời ông", ông Vì vui vẻ kể.
Những năm 1990, cây vải một lần nữa rơi vào cảnh suýt bị xóa sổ vì ra trái cách năm, không đem lại kinh tế cho người dân nên bị đốn hạ để thay loại cây khác. Ông Vì mê trồng cây, đất quê rộng, cây vải cũng chẳng làm ảnh hưởng gì. Hơn nữa, cây vải cổ là kỷ niệm của ông cha để lại. Thế là "cụ" vải tổ được sống.
Trải qua nhiều năm tháng, mưa nắng bão bùng nên cây không được chủ nhân chú ý vì lúc này ông còn phải lo nhiều miệng ăn và đàn con học hành. Việc trồng cây gì, nuôi con gì đều phải tính toán. Nhãn đang được giá, ông Vì đầu tư trồng và chăn nuôi thêm gà, lợn.
Dày công chăm chút từng gốc nhãn, nhưng đến ngày hái quả thì lại phải đốn hạ. "Đôi khi tính rồi vẫn thất bại, tôi phải phá bỏ 20 gốc nhãn vì bê tông hóa đường làng", ông Vì kể.
Dần dà rồi kinh tế khá hơn, người dân tìm của ngon vật lạ để thưởng thức. Quả vải của ông được đưa vào các khách sạn Hà Nội, vào phố cổ, giá bán tăng vọt. Ông Vì lặng lẽ chiết cành, nhân số lượng gốc vải lên hàng chục lần trong lúc người dân vẫn còn loay hoay chạy theo phong trào: cây nào đang "sốt" thì thi nhau chặt bỏ cây cũ, trồng cây mới.
Khi quả vải được khu nhà giàu Ecopark biết tới, ông Vì đã có một vườn vải cho thu hoạch quả ngon lành. Từ vườn ban đầu 20 gốc vải, ông mở rộng trồng vườn thứ hai 18 gốc nữa tổng là 38 gốc. Nhờ kỹ thuật chăm bón phát triển cây vải cho quả đều vụ, năng suất cao gấp đôi thậm chí gấp ba trước đây.
Bà con lúc này mới bắt đầu chú ý tới vải ông Diệm, và lại tiếp tục hành trình chặt bỏ cây cũ trồng cây mới. Lần này cây không làm bà con thất vọng. Chỉ ba năm vải đã cho ra lứa đầu tiên, quả to như trứng gà.
Đến năm 2020, Hưng Yên đã có một hợp tác xã trồng vải, đổi tên thương hiệu vải ông Diệm sang vải trứng. Giá bán cao hơn hẳn vải thiều, cầu vượt quá cung, bà con ai nấy mừng như bắt được vàng.
Hạn chế hóa chất vào môi trường
Chứng kiến thời kỳ mà ngay ở làng quê, cả đất, nước, không khí đều bị hóa chất xâm nhập, ông Vì lo lắng cho thế hệ tương lai con cháu. Môi trường cho cây cũng được ông cẩn thận bảo vệ, ưu tiên sự phát triển tự nhiên.
Giữa vườn vải, ông Vì đào ao giữ nước sạch để tưới vải. "Cái ao này cá tôm tung tăng bơi lội, thậm chí có thể lấy nước nấu uống tốt. Tôi ngăn cách nguồn nước với các sông hồ xung quanh vùng", ông Vì nhắc đi nhắc lại tác hại của hóa chất trong suốt buổi trò chuyện.
Ông cũng nhắc nhở con cháu không lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu để giữ môi trường sống sạch cho cây vải. "Ăn một quả vải tự nhiên từ tinh hoa của đất trời, chắc chắn mùi vị và độ ngon sẽ khác với quả vải có sự tác động của môi trường hóa chất", ông Vì khẳng định.
Gia đình ông Vì đã đón tiếp rất nhiều đoàn khách, từ chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp tới người dân các tỉnh từ gần tới xa tới tìm hiểu và xin giống về trồng. Có đoàn khách từ TP.HCM, Cần Thơ tới Tây Nguyên cũng bắt xe ra để nhìn tận mắt cụ vải.
Sau mùa thu hoạch, ông Vì lại cần mẫn chiết cành gửi đi khắp nơi cho bà con. Ban đầu ông chiết cho hàng xóm và cho người làng, người làng lại chiết cho người trong xã, xã lại cho huyện. HTX vải trứng Quyết Thắng là nơi bao tiêu đầu ra cho toàn bộ vải trứng của tỉnh.
Những gia đình có nhiều gốc vải và cho thu nhập lên tới 700 triệu/năm như gia đình ông Mai Văn Diện, ông Vì thì thu nhập cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần. Lão nông Nguyễn Văn Vì cũng không ngờ cây vải tổ không chỉ thay đổi cuộc sống của gia đình ông mà nhiều người dân ở địa phương cũng thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Dọn cành bên gốc vải tổ vừa mới cắt tỉa, ông Vì vỗ vỗ thân cây nói như nói với tri kỷ: "Đến thời kỳ nghỉ ngơi rồi, giờ sẽ không chiết cành từ cây mẹ nữa, để lớp con cháu làm việc". Nhìn những cây vải trứng mới xung quanh mơn mởn, ánh mắt ông Vì cười mãn nguyện.
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp, khi tới thăm cụ vải đã khẳng định đây là loại vải quý khiến ông phải giật mình về hình dáng và chất lượng đều hơn các loại vải khác.
Còn Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Phan Sào Nam thì mô tả: "Khi bóc quả vải ra, tôi không thấy nước dính tay như loại vải khác. Múi dày, màu trong ngà, cắn vào bên trong mọng nước thơm và ngọt lừ. Tôi vừa thưởng thức vừa nhắm mắt để phân biệt hương vị. Một giống vải tuyệt vời, rất ngon…".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận