Phóng to |
Từ ngày đưa mẹ ở bệnh viện về, mọi gánh nặng mưu sinh đều đè lên đôi vai Cư - Ảnh: Tiến Long |
“Nếu không có số tiền ấy chắc giờ này em phải lang thang ngoài cảng biển như mọi ngày, chứ không lấy gì cho mẹ em ăn”. Mắt Cư ngân ngấn nước...
Năm năm trước, căn bệnh ung thư tế bào gai đã “lấy” luôn cánh tay còn lại của bà. Rồi để kéo dài sự sống bà lại phải cưa lần từng đoạn của hai chân. Cuộc sống mẹ con Cư từ đó gắn với bệnh viện. Cư một mình bươn chải để lo tiền thuốc thang cho mẹ.
Sống với người mẹ tật nguyền, cậu học trò Nguyễn Cư (lớp 12B3 Trường THPT Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) phải bươn chải hết cảng cá đến bãi biển để kiếm tiền, vừa nuôi mẹ vừa theo đuổi giấc mơ học hành.
Mùa hè hiếm hoi...
"Nếu em không vượt qua được nỗi khó nhọc này thì tương lai của cả hai mẹ con là bóng tối" Tâm sự của Cư "Điều khiến tui vui nhất là mỗi đêm đi bán ở bãi biển về, thằng Cư vẫn thức đến 1-2 giờ ngồi học" BàVĨNH (mẹ Cư) |
Gánh nặng cơm áo cứ bám riết, đeo đuổi khiến mẹ con Cư chưa có lấy một ngày thảnh thơi. Đây là mùa hè hiếm hoi trong suốt 12 năm đèn sách Cư được ở nhà. Mọi gánh nặng mưu sinh thường ngày, Cư tạm gác lại để tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học sắp tới. Một bước ngoặt trên con đường ước mơ đầy chông chênh, mà để đi đến đích Cư đã phải vượt qua bao gian khó, nhọc nhằn.
Lần đầu chúng tôi gặp Cư là ở khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Trung ương Huế. Hôm ấy mẹ Cư phải cưa chân để cứu lấy mạng sống. Thời điểm đó cũng là lúc Cư làm thủ tục đăng ký hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng, nhưng do phải tối ngày chăm sóc mẹ tại bệnh viện nên mọi việc đều nhờ các bạn trong lớp làm giùm. Điều khiến chúng tôi rất vui là khi đến thăm được nghe những lời khen ngợi ấm lòng từ các bệnh nhân cùng phòng với mẹ con Cư. Ai cũng thương Cư dù mệt mỏi sau những đêm thức trắng bên mẹ vẫn tranh thủ ôn bài vở mỗi khi có thời gian rảnh. Dăm ba bữa, nóng ruột Cư lại nhờ dì lên chăm mẹ để chạy về đi học kẻo hổng kiến thức.
Ít lâu sau, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con Cư ở xóm chài nghèo Tân Lập thuộc vùng biển Thuận An. Căn nhà tình thương do một nhà hảo tâm xây tặng là tài sản có giá trị duy nhất. Sinh ra không có cha, mẹ bị tật nguyền nên cuộc sống của Cư thiếu thốn trăm bề. Anh em bên ngoại đông nhưng cũng nghèo nên không giúp được gì. Thương cháu nên thỉnh thoảng mấy dì cậu gom góp cho cân gạo, con cá. Khó khăn nhưng bà Vĩnh, mẹ Cư, quyết không cho con thất học. Bà vẫn lam lũ, chắt chiu từng đồng nuôi con.
Đến 10 tuổi Cư mới vào học lớp 1, cuộc sống càng bế tắc hơn. Hằng ngày sau những buổi học ở trường, Cư cùng mẹ ra cảng cá dọn dẹp vệ sinh thuê, đến tối cùng nhau bán hàng rong trên bãi biển. Đêm nào cũng phải hơn 10g mới dìu nhau về nhà. Riêng ngày hè Cư quần quật cả ngày ngoài cảng cá, đến khi không còn bóng người mới lủi thủi về. Mưu sinh khó nhọc nhưng những đồng tiền kiếm được chỉ đủ để hai mẹ con sống ngày nào biết ngày ấy. Có những khi biển động, tàu thuyền không ra vào mẹ con Cư phải vay mượn khắp xóm để sống qua ngày. Dẫu vậy trong Cư luôn cháy lên khát vọng học hành. Đi bán về khuya đến mấy sáng mai Cư vẫn đến lớp học đầy đủ. Không có điều kiện học thêm, Cư thường tranh thủ giờ ra chơi để hỏi bạn bè về bài vở. Hiểu hoàn cảnh của Cư nên ai cũng vui lòng giúp đỡ.
Gắng sức cho một ước mơ
Khi chúng tôi đến, người mẹ tội nghiệp ngồi co quắp một chỗ, vồn vã chào hỏi khách. Bệnh tật đã rút dần rút mòn cơ thể bà, chỉ còn một thân hình khô quắt, khuôn mặt già rọm rị, sần sùi, thiếu sức sống. Gần đó, Cư đang cặm cụi bên bàn học. Trên bàn chỉ có một vài cuốn vở ghi chép và tài liệu photo. Cư tâm sự ba năm học vì hoàn cảnh mà nhiều lần tưởng chừng đường học bị gãy gánh giữa đường. Nhất là thời gian nhìn mẹ bị căn bệnh ung thư tế bào gai hành hạ, từng khúc chân còn lại sẽ bị cưa dần em chỉ muốn nghỉ hẳn để đi làm kiếm tiền nuôi mẹ. Nhưng nhờ thầy cô, bạn bè giúp đỡ, động viên nên Cư bình tâm trở lại. Bữa đưa mẹ từ bệnh viện về nhà, ngày nào Cư cũng lọ mọ dậy từ sáng sớm nấu cơm, múc nước cho mẹ rồi mới chạy đi học.
Thời gian này bạn bè thường xuyên tập trung ở nhà Cư để cùng ôn thi. Biết Cư không có tiền nên bạn nào có tài liệu đều photo cho Cư một bản. Cả nhóm ngoài thảo luận bài vở còn thay nhau giảng giải, bổ trợ thêm cho Cư những kiến thức bị hổng trong thời gian ở bệnh viện. Đặng Văn Dầu, bạn học cùng lớp cũng là người thường đi bán hàng rong trên biển cùng Cư, chia sẻ từ khi còn học bạn bè trong lớp đã rất quý nghị lực sống của Cư. Vừa rồi tổng kết, cả lớp tổ chức đi chơi, Cư không dám đi vì sợ mẹ ở nhà một mình. Thấy thế, bạn bè mới rủ nhau kéo đến nhà học cùng Cư. “Tuổi thơ Cư đã quá nhiều thiệt thòi, giờ bọn em ai cũng mong giúp bạn ấy thực hiện được mơ ước của mình để cuộc sống có chút thay đổi” - Dầu giãi bày.
Thầy cô phụ trách môn toán, lý, hóa ở trường thương Cư nên cho em học thêm miễn phí để Cư đi thi. Nhà xa nhưng Cư đi học chăm chỉ, không sót buổi học nào. Cư nói mọi người ai cũng hi vọng rất nhiều ở Cư trong kỳ thi sắp tới, vì vậy Cư gắng học đêm học ngày để thi đỗ vào ngành vật lý Trường đại học Khoa học Huế với ước mơ trở thành nhà nghiên cứu vật lý. Cư nói: “Nếu đậu, em sẽ vừa đi học vừa xin việc làm thêm để chữa bệnh cho mẹ. Đó là hai việc mà em phải làm trong thời gian sắp tới”.
Phóng to |
Những ngày này bạn bè thường thay nhau đến nhà để cùng Cư ôn lại bài vở chuẩn bị cho kỳ thi - Ảnh: Tiến Long |
Đi học trong niềm vui cả lớp
Thầy Đinh Kiền, hiệu trưởng Trường THPT Thuận An, bùi ngùi nói số phận mẹ con Cư đã nghèo lại ngặt. Lên THPT, Cư được nhà trường xin đặc cách vào học. Thuộc diện học sinh khó khăn nhất trường nhưng Cư luôn đầy nghị lực vươn lên và có bảng thành tích học lực khá. Cả trường tìm mọi cách quyên góp để giúp mẹ em chữa trị và giúp Cư ổn định, quyết không để em nghỉ học. “Trong lúc quá khó khăn này, nhà trường đã làm hết sức mình để giúp đỡ Cư theo đuổi việc học. Nhưng mai mốt nếu Cư đậu đại học thì không biết em sẽ tiếp tục như thế nào đây” - thầy Kiền trăn trở.
Còn cô Lê Thị Mỹ Lệ, giáo viên chủ nhiệm, cho hay hôm mẹ nhập viện Cư lên lớp nói với cô ý định nghỉ học hẳn để kiếm tiền nuôi mẹ chữa bệnh. Cả lớp hết lời động viên, khuyên nhủ. Ai cũng khuyên bảo Cư nếu nghỉ học thì có thể hiện tại mẹ em đỡ vất vả nhưng tương lai thì mờ mịt. Và Cư đã tiếp tục đến trường trong niềm vui của cả lớp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận