Cử tri vây lấy ứng cử viên Ahn Cheol Soo của đảng Nhân dân trong cuộc vận động tại thủ đô Seoul ngày 8-5 - Ảnh: Reuters |
Cuộc bầu cử lần này được cho là giúp Hàn Quốc “sang trang” khỏi những bê bối liên tục, trong đó có vụ bê bối chính trị hối lộ/nhận hối lộ khiến tổng thống Park Geun Hye phải ngồi tù.
Vụ bê bối trong mối quan hệ Park - Choi Soon Sil từng khiến hàng triệu người Hàn Quốc xuống đường (gồm cả bên phản đối lẫn bên ủng hộ bà Park) nhiều tuần liền.
Sự phẫn nộ đó bắt nguồn không nhỏ từ những gì còn bất ổn trong xã hội, đặc biệt là những bất công giữa nhóm tinh hoa với đa số dân thường.
Lá phiếu chỉ mới là "khởi đầu"
Ở nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á này, vấn đề ưu ái cho các tập đoàn kinh tế “Chaebol” đã tồn tại nhiều năm qua.
Trong vụ bê bối Park-Choi, đã có nhiều lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc (như Samsung, Lotte) đã bị triệu tập trả lời thẩm vấn về những khoản tiền khổng lồ (được cho là lên đến hàng chục triệu USD) đóng góp cho hai quĩ phi lợi nhuận của bà Choi - người bạn gái thân thiết của bà Park.
Đây không phải là câu chuyện mới ở Hàn Quốc nhưng nó đã bị phản ứng mạnh mẽ khi người dân cảm thấy mình bị lừa dối, bị xem thường đến mức không còn chịu đựng nổi.
Không bất thường khi trong các cương lĩnh tranh cử lần này của các ứng viên tại Hàn Quốc đều có phần dành cho việc ngăn chặn mối quan hệ kiểu "liên minh lợi ích nhóm" chính trị - Chaebol.
Nhưng theo các chuyên gia phân tích, do các "chaebol" có sức ảnh hưởng mạnh trong đời sống kinh tế Hàn Quốc nên thông thường, một khi các ứng viên đắc cử, họ thường “quên” thực hiện lời hứa lúc vận động.
Nhưng lần này những cử tri trẻ kỳ vọng sẽ làm thay đổi những gì mà thế hệ cha ông chưa làm được.
Lâu nay, những người dưới 30 tuổi thường là nhóm người có tỷ lệ tham dự bỏ phiếu thấp nhất trong tất cả các nhóm tuổi ở Hàn Quóc, nhưng cuộc khảo sát của Gallup Korea cho thấy 93% nói rằng họ "chắc chắn sẽ đi bỏ phiếu".
"Cuộc bầu cử tổng thống do người dân đưa ra, do đó nó có ý nghĩa hơn", anh I Gyeong Eun, một sinh viên 22 tuổi tại Đại học Hanyang kỳ vọng và nhấn mạnh rằng "bỏ phiếu là điều cần thiết nhưng sẽ không dừng lại ở đó, đó chỉ là sự khởi đầu".
Cử tri Hàn Quốc theo dõi cuộc vận động tranh cử của ứng viên Moon Jae In của đảng Dân chủ Hàn Quốc tại thủ đô Seoul ngày 8-5 - Ảnh: Reuters |
Nỗi lo tin tức giả qua mạng xã hội
Theo số liệu của Văn phòng Công tố Tối cao, các công tố viên đã phát lệnh bắt giữ 264 người cho đến ngày 1-5 do vi phạm luật pháp liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Trong đó có 85 người bị cáo buộc phát tán thông tin giả, chiếm 32% số bị bắt.
Hãng thông tấn Yonhap ngày 9-5 cho biết số người bị bắt đã tăng 36% so với cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 trong khi số người liên quan đến việc phổ biến thông tin sai lệnh tăng 81%.
Cơ quan chức năng Hàn Quốc đã thắt chặt việc kiểm soát các tin tức giả và sai sự thật vì lo sợ chúng có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Chi nhánh phía tây của Văn phòng Công tố Quận Daegu đang điều tra 5 người, bao gồm các quan chức thuộc ban chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Hàn Quốc Tự do Hong Joon Pyo.
Các quan chức này bị cáo buộc phát tán kết quả thăm dò ý kiến công chúng sai lệch thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.
Thậm chí họ dám dẫn một cuộc khảo sát không có thật để khẳng định rằng ông Hong đã vượt qua ứng cử viên Ahn Cheol Soo của đảng Nhân dân (trung tả) trong bảng xếp hạng của họ.
Hãng thông tấn Hàn Quốc minh họa hình ảnh người phá hoại áp phích bầu cử - Ảnh: Yonhap News |
Ngoài ra các công tố viên cũng đang tiến hành một cuộc điều tra vi phạm luật bầu cử riêng, liên quan đến một bản tin truyền hình gần đây đã có những lời vu khống ứng cử viên Moon Jae In của đảng Minjoo.
Tuần trước, đài truyền hình SBS đã nêu nghi ngờ rằng chính phủ cố tình trì hoãn việc cứu hộ phà Sewol vì một thỏa thuận ngầm với ứng cử viên Moon. Đài SBS sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi về bản tin.
Trong khi đó Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) cho biết có tổng cộng 38.556 trường hợp bị phát hiện đã vi phạm luật bầu cử trực tuyến liên quan đến cuộc thăm dò ý kiến từ cuối tuần trước đến nay.
Thông tin sai lệnh được ghi nhận ở mức 24.177 thông tin, tăng gấp 6 lần so với năm 2012.
NEC đã nộp các khiếu nại chính thức lên các công tố viên cũng như có các hành động hành chính dựa trên mức độ nghiêm trọng của những vi phạm.
Các trường hợp vi phạm khác liên quan đến bầu cử bao gồm việc hủy hoại áp phích bầu cử, cung cấp tiền bất hợp pháp hoặc thao túng ý kiến công chúng.
Cảnh sát cho biết đến ngày 8-5 họ đang điều tra 597 người vì đã phá hoại các biểu ngữ của các ứng cử viên cũng như các cơ sở liên quan đến chiến dịch tranh cử trên khắp cả nước.
Theo luật Hàn Quốc, những người phá hoại áp phích bầu cử hoặc các trang thiết bị của chiến dịch bầu cử có thể bị phạt đến 2 năm tù giam hoặc 4 triệu won (3.500 USD).
Kết quả bầu cử dự kiến sẽ được công bố vào sáng ngày mai, 10-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận