Một số cử tri đề cập về việc người dân thổi dụng cụ đo nồng độ cồn có thể gây mất vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe.
"Hết người này thổi đến người khác thổi, nếu có người mắc bệnh truyền nhiễm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi đề nghị thay đổi phương án xét nghiệm nồng độ cồn cho phù hợp", một cử tri nêu ý kiến.
Xoay quanh vấn đề xử lý nồng độ cồn trong thời gian qua, ông Trần Việt Trung - cử tri phường Trường Thọ - cho rằng không thể mang vấn đề văn hóa, phong tục tập quán để bào chữa cho những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.
"Vấn đề xử lý nồng độ cồn đã được quy định chế tài cụ thể. Tuy nhiên một số người vẫn cho rằng đó là phong tục tập quán để bao biện cho vi phạm của mình. Đó là điều không thể chấp nhận được", ông Trung nói.
Theo ông Trung, mặc dù cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý vi phạm nồng độ cồn nhưng tình trạng uống rượu bia lái xe vẫn còn nhiều. Ông kiến nghị cần tích cực lên án, đẩy mạnh các biện pháp chế tài nhằm hạn chế vi phạm nồng độ cồn.
Trả lời cử tri, ông Nguyễn Kỳ Phùng - phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức - cho biết chính quyền địa phương rất trân trọng ý kiến do người dân đóng góp xoay quanh vấn đề nồng độ cồn. Ông Phùng cũng đồng tình việc thổi chung dụng cụ đo nồng độ cồn có thể gây mất vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe và cho biết sẽ kiến nghị thay đổi cách thức kiểm tra nồng độ cồn.
Tại hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tiếp thu ý kiến của các cử tri và khẳng định sẽ có kiến nghị kịp thời, hướng đến giải quyết nội dung được đề cập, đảm bảo lợi ích của người dân Thủ Đức.
Ông Vũ Hải Quân - đại biểu Quốc hội TP.HCM, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - nói: "Chúng tôi sẽ thông tin đến lãnh đạo về những ý kiến, kiến nghị của các cử tri đối với vấn đề được đề cập. Với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ tích cực phản ánh, đóng góp cho các cấp, ngành liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận