24/04/2024 13:30 GMT+7

Cử tri phản ảnh ‘hải tặc’ bao chiếm mặt biển, phải chia đôi mới cho đánh bắt

Ngày 24-4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang tổ chức tiếp hơn 100 cử tri của xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, trước kỳ họp thứ 7. Ngư dân phản ảnh “hải tặc” bao chiếm mặt biển, chia đôi sản lượng thủy hải sản mới cho đánh bắt.

Cử tri xã Lình Huỳnh đề nghị nhà mạng thông báo trước khi ngắt mạng kết nối các thiết bị giám sát hành trình - Ảnh: BỬU ĐẤU

Cử tri xã Lình Huỳnh đề nghị nhà mạng thông báo trước khi ngắt mạng kết nối các thiết bị giám sát hành trình - Ảnh: BỬU ĐẤU

Cử tri Võ Thanh Vân, ngụ xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, cho biết thời gian trước, tỉnh Kiên Giang có chủ trương cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết. Trong khi đó hiện nay đã xuất hiện một số đối tượng bao chiếm mặt biển, dựng trại, quản lý trái phép gây khó khăn cho ngư dân đánh bắt gần bờ.

Thời gian qua UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo quy định thời gian khai thác sò lụa và các nhuyễn thể 2 mảnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngư dân lén lút khai thác gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển, sinh trưởng của các loài này. Đề nghị HĐND tỉnh và Quốc hội chỉ đạo cho các cơ quan có hành động siết lại.

"Đáng chú ý là có một nhóm đối tượng đã bao chiếm mặt biển rồi yêu cầu ngư dân phải chia đôi sản lượng đánh bắt hải sản, còn không thì ngư dân không khai thác được. Nếu không cho họ sẽ ngăn cản hoặc dùng vũ lực để không cho ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ. Đề nghị Quốc hội có biện pháp chỉ đạo xử lý", ông Vân nói.

Ông Đào Xuân Nha - phó chủ tịch UBND huyện Hòn Đất - thừa nhận có tình trạng một số đối tượng dựng trại trên mặt biển để bao chiếm mặt biển, yêu cầu ngư dân chia đôi sản lượng. Năm 2023, Công an huyện Hòn Đất đã bắt 2 vụ, khởi tố 2 trường hợp.

"Tuy nhiên, tình hình bao chiếm mặt biển, thu tiền bảo kê của ngư dân vẫn chưa chuyển biến nhiều. Năm 2024 này, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã ven biển xử lý nghiêm những trường hợp xây cất trái phép để bao chiếm, bảo kê. Cụ thể là có bao nhiêu chòi, lều trại để báo cáo về huyện. Bước đầu sẽ cho tự tháo dỡ, nếu không sẽ xử lý nghiêm", ông Nha nói.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, đại tá Nguyễn Văn Hận - giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang - cho biết ông tiếp thu các ý kiến của bà con để truyền tải đến Quốc hội. Riêng các ý kiến liên quan các sở, ngành thì các đơn vị sẽ có văn bản gửi đến địa phương để trả lời ý kiến cử tri.

Đối với quy hoạch không gian biển, nếu không có gì thay đổi thì trong kỳ họp Quốc hội lần này sẽ thông qua quy hoạch. Đặc biệt là bà con phản ảnh tình trạng bao chiếm biển rồi yêu cầu ngư dân chia sản lượng khi đánh bắt thủy sản là thông tin quan trọng.

Đại tá Nguyễn Văn Hận - giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang - yêu cầu lực lượng Công an huyện Hòn Đất phối hợp với biên phòng báo cáo gấp cho ông trong tuần này để xử lý - Ảnh: BỬU ĐẤU

Đại tá Nguyễn Văn Hận - giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang - yêu cầu lực lượng Công an huyện Hòn Đất phối hợp với biên phòng báo cáo gấp cho ông trong tuần này để xử lý - Ảnh: BỬU ĐẤU

"Tôi đề nghị trưởng Công an huyện Hòn Đất báo cáo trong tuần này. Nếu không làm được, tôi sẽ yêu cầu các phòng nghiệp vụ hỗ trợ, không thể để như vậy được.

Quyền lợi dân sinh sống nhiều đời dựa vào mặt biển nên không thể để số ít người làm như vậy được. Tôi đề nghị kiểm tra, đánh giá lại và phối hợp với lực lượng biên phòng để có biện pháp xử lý", đại tá Hận nhấn mạnh.

Xuất hiện 'bảo kê' khai thác ngư trường biển Tây NamXuất hiện "bảo kê" khai thác ngư trường biển Tây Nam

TT - Ngư dân muốn vào khai thác tại vùng biển này phải xin phép, thậm chí phải trả tiền thuê ngư trường cho "ông trùm" đã xí phần, giữ quyền lực ngầm tại đây.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên