Đó là nhận xét của đại biểu Nguyễn Đình Quyền - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - tại phiên thảo luận dự thảo nghị quyết của Quốc hội ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) sáng 14-11.
Tôi đề nghị cần công khai danh tính đại biểu khi biểu quyết tại Quốc hội. Điều đó thể hiện bản lĩnh của đại biểu Quốc hội và để nhân dân biết được quan điểm của đại biểu đó trong quá trình biểu quyết |
Đại biểu NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN |
Cả chục bài phát biểu giống nhau trong một phiên họp
“Dự thảo này chưa có quy định khắc phục tình trạng khi thảo luận đại biểu cứ đứng lên đọc một bài chuẩn bị sẵn nhưng khá trùng nhau, rất mất thời gian. Có cần thiết phải như vậy hay không?” - đại biểu Nguyễn Đình Quyền phát pháo về một chuyện bấy lâu ai cũng biết nhưng không mấy ai nói ra.
Ông Quyền cho rằng phải tranh luận mới thấy những quan điểm khác nhau của vấn đề. Có tranh luận mới nói lên được triết lý của vấn đề. “Tôi đề nghị bổ sung điều khoản để đưa Quốc hội ta thành một Quốc hội tranh luận” - ông Quyền nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng thẳng thắn: “Đúng là hiện nay có tình trạng phổ biến đại biểu Quốc hội có những bài phát biểu rất hay, hoàn chỉnh nhưng cơ cấu giống nhau, cách viết giống nhau. Thậm chí cả chục bài giống nhau trong cùng một phiên họp”.
Ông Sơn chia sẻ: “Cho nên cử tri nói với tôi nhiều khi xem đại biểu phát biểu như xem ca nhạc, các ca sĩ - đại biểu giọng nam, giọng nữ, giọng trầm, giọng bổng... khác nhau nhưng hát cùng một bài. Xem tí là chán, tắt tivi”.
“Chúng ta nên suy nghĩ điều này. Chúng ta có dám rút lại bài phát biểu khi có đại biểu trước mình đã nói tất cả vấn đề mình định nói không? Hay là cơ hội phát biểu trước nghị trường, xuất hiện tại phiên truyền hình trực tiếp làm chúng ta không dám?” - ông Sơn đặt câu hỏi.
Bấm nút mà lòng ấm ức
Phát biểu gần cuối phiên họp, khi nhiều đại biểu đã “tự vấn” trách nhiệm của cá nhân, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng để có một Quốc hội tranh luận đúng nghĩa thì không chỉ đại biểu mà chính các cơ quan của Quốc hội phải tạo điều kiện cho đại biểu làm được điều đó.
Ông Lịch cho rằng nội dung nghị quyết về nội quy kỳ họp thực tế chỉ thêm quy trình thủ tục mà không có thay đổi gì về phương thức. “Bởi vì sao? Vì chúng tôi không được trực tiếp đối thoại với ban soạn thảo mà chỉ được nghe giải trình.
Giải trình xong, đồng ý hay không đồng ý thì cũng không được nói lại” - ông Lịch nêu ra quy trình làm luật bao năm qua ở Quốc hội.
“Với quy trình như vậy, không bấm nút không được vì sẽ có lỗi với nhân dân, với Nhà nước, nhưng mà bấm nút thì lòng ấm ức” - ông Lịch nói.
Đồng cảm với sự “ấm ức” này, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng nội quy kỳ họp cần phải bố trí nhiều thời gian hơn để các đại biểu tranh luận, để khi đại biểu bấm nút biểu quyết thì không còn “ấm ức” mà cảm thấy tự tin hơn, chính xác hơn.
Tuy nhiên trong bài phát biểu của mình, bà Thụy cho thấy mong muốn “tự tin, chính xác” trong mỗi lần bấm nút vẫn còn xa khi bà đánh giá “kỳ họp kéo dài, nhiều phiên họp nặng nề, hội nghị, ít tranh luận đang tạo ra sự nhàm chán trong các đại biểu”.
Đại biểu Thụy cho rằng để có thời gian cho những cuộc tranh luận thì cần có quy định để hạn chế đại biểu vắng họp. Tiếp theo là phải cắt ngắn thời gian trình bày văn bản, bởi có những ngày Quốc hội dành nguyên cả buổi đọc báo cáo. “Chỉ nên dành không quá 90 phút/buổi đọc báo cáo, mỗi báo cáo đọc không quá 15 phút vì đại biểu đều đã được phát tài liệu cả rồi” - bà Thụy đề nghị.
Người dân phải được dự thính phiên họp Quốc hội
Đây là quan điểm chung của nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng khi Quốc hội tạo điều kiện cho người dân được tham gia các hoạt động của Quốc hội trước hết thể hiện quyền giám sát hoạt động của Quốc hội.
Thứ hai, đó là cơ sở để người dân đóng góp trí tuệ trực tiếp cho Quốc hội. Thứ ba, đây là việc làm thể hiện quan điểm dân chủ của Quốc hội. Ông đề nghị phải luật hóa cụ thể bằng việc ghi rõ cụm từ “công dân dự thính” trong nghị quyết để tạo điều kiện cho công dân được tham gia và giám sát các hoạt động của Quốc hội.
Ông Hùng cũng cho rằng nghị quyết cần phải gỡ bỏ các quy định mang tính “hạn chế” công dân dự thính kỳ họp.
Cụ thể, không nên quy định người dân đến dự thính Quốc hội phải đảm bảo an ninh trật tự an toàn. Vì đây là yêu cầu chung cho kỳ họp chứ không phải yêu cầu riêng cho mục này. Đồng thời có cơ chế để người dân đóng góp trực tiếp như hộp thư, phòng trao đổi tại Quốc hội.
Biểu quyết về phân bổ ngân sách trung ương 2016 Chỉ có 392/494 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết nội dung toàn văn nghị quyết về ngân sách trung ương năm 2016. Phần thứ nhất, các đại biểu biểu quyết về tổng số thu và chi cân đối ngân sách trung ương năm 2016. Cụ thể, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 596.882 tỉ đồng, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 417.618 tỉ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 850.882 tỉ đồng, trong đó dự toán 211.221 tỉ đồng để bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Tại nội dung này có 396 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 80,16% tổng số đại biểu). Kết quả có 395 đại biểu tán thành và 1 đại biểu không tán thành. Phần thứ hai, Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2016. Tại nội dung này, chỉ có 392 đại biểu (chiếm 79,35% tổng số đại biểu) tham gia biểu quyết, ít hơn 4 đại biểu so với nội dung đầu tiên biểu quyết vài phút(?). Kết quả, có 391 đại biểu biểu quyết thông qua và 1 đại biểu không tán thành. |
Không nên cào bằng số cơ quan báo chí Đây là ý kiến của đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) tại phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) và Luật tiếp cận thông tin chiều 14-11. Bà Trang cho rằng đối với những trung tâm báo chí sôi động như TP.HCM và Hà Nội thì cần linh động. Dự thảo luật quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc, cấp phó của người đứng đầu là phó tổng giám đốc, phó giám đốc, đại biểu Thuận Hữu (tổng biên tập báo Nhân Dân, chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng quy định như vậy là bắt chước nước ngoài, ở các nước báo chí tư nhân nên người đứng đầu tờ báo có thể được thuê về làm nên mới có chức danh tổng giám đốc. Trong khi đó ở Việt Nam là báo chí nhà nước, là tiếng nói của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị... không cần thiết chức danh này. Ông Thuận Hữu cho rằng nếu đưa chức danh này vào các cơ quan báo chí thì biên chế sẽ phình to ra. Nhấn mạnh vai trò của nguồn tin đối với hoạt động báo chí, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đề nghị dự thảo luật bỏ đoạn “nếu có hại” trong quy định “cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó”. Lý do là khi tiết lộ thì cơ quan báo chí và nhà báo không thể chắc chắn biết trước việc cung cấp đó là có hại hay không có hại, hơn nữa trong mọi trường hợp báo chí đều phải bảo vệ nguồn tin của mình theo quy định pháp luật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận