29/12/2017 19:21 GMT+7

Cử tri Kiên Giang tiếp tục bức xúc chuyện nuôi yến trong đô thị

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Kiên Giang ngày 29-12, nhiều đại biểu cho biết cử tri tiếp tục bức xúc chuyện nuôi chim yến tràn lan trong đô thị và nạn kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Cử tri Kiên Giang tiếp tục bức xúc chuyện nuôi yến trong đô thị - Ảnh 1.

Chim yến nuôi tràn lan trong các khu dân cư nội ô TP Rạch Giá - Ảnh: KHOA NAM

Đại biểu Trần Văn Mứng - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Kiên Giang, đặt vấn đề hiện tại, việc nuôi chim yến tràn lan trong đô thị, khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, số hộ nuôi chim yến tự phát ngày càng tăng, nhưng ngành nông nghiệp chậm xử lý.

Trả lời vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang - cho biết hiện toàn tỉnh có 700 cơ sở nuôi chim yến, trong đó chỉ riêng TP Rạch Giá đã có tới 500 cơ sở. 

Ngành nông nghiệp đã có văn bản đề nghị Cục chăn nuôi và Thú ý thuộc Bộ NN&PTNT hướng dẫn để tỉnh ban hành quy định tạm thời việc nuôi chim yến. Tuy nhiên, việc Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định này còn chậm.

"Trong dự thảo có điểm nổi bật là việc hạn chế nuôi trong nội ô TP. Rạch Giá và khuyến khích khu vực ngoại thành; người nuôi chim yến phải đảm bảo một số quy định về môi trường" - ông Tâm nói.

Bà Đặng Tuyết Em, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang, yêu cầu dự thảo quy định tạm thời, đại biểu phản ánh dùng từ "hạn chế" nuôi chim yến trong đô thị thì chưa rõ ràng. Do vậy, đề nghị Sở NN&PTNT gửi dự thảo cho đại biểu HĐND xem.

Về tình trạng kinh doanh vật tự nông nghiệp giả, gây ảnh hưởng sản xuất và bức xúc trong nhân dân, đại biểu Thái Thị Duy Ngân, chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho rằng, trong cả năm 2017, Sở NN&PTNT chỉ triển khai được 4 cuộc thanh tra, nhưng cũng đã phát hiện gần 50% số cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về quản lý chất lượng.

"Số cuộc thanh tra, kiểm tra có đảm bảo yêu cầu, việc xử lý có đủ sức răn đe, ngành nông nghiệp có giải pháp gì trong thời gian tới" - đại biểu Ngân chất vấn.

Ông Tâm xác nhận cử tri rất bức xúc vấn đề này, cả bản thân mình cũng bức xúc. Và thông tin thêm, hiện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 1.200 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. 

"Năm 2017, Sở NN&PTNT thành lập 4 đoàn, cuối năm 2017 thêm 1 đoàn. Qua kiểm tra 87 cơ sở, có 41 cơ sở vi phạm. Các cơ sở vi phạm chỉ xử lý hành chính. Việc xử lý hành chính nên răn đe chưa nhiều. Thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn ở địa phương để nông dân nhận biết hàng giả để báo cáo cơ quan chức năng." - ông Tâm cho hay.

Chưa hài lòng, đại biểu Ngân đề nghị ngành cần có biện pháp xử lý nghiêm, bởi cử tri phản ánh, khi thanh tra thì cơ sở vi phạm biết và có biện pháp đối phó.

Về vật tư nông nghiệp giả, bà Đặng Tuyết Em đề nghị ngành nông nghiệp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất. Về phía người dân cũng cần tích cực giám sát, báo cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên