10/12/2013 00:49 GMT+7

Cử tri kêu vướng trong tái định cư

KIM THỦY - DUY THANH - THÁI BÁ DŨNG
KIM THỦY - DUY THANH - THÁI BÁ DŨNG

TT - Trước kỳ họp HĐND cuối năm của Phú Yên và Khánh Hòa (dự kiến khai mạc hôm nay), cử tri cả hai tỉnh có chung bức xúc về những vướng mắc trong việc tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án hầm đường bộ đèo Cả.

8gXxzbyX.jpgPhóng to
Khu tái định cư số 1 rộng 8,5ha thuộc dự án hầm đường bộ qua đèo Cả tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đang thi công giai đoạn nước rút - Ảnh: Tiến Thành

Trong khi người dân Phú Yên chưa chịu vào khu tái định cư vì hạ tầng khu này chưa hoàn chỉnh, thì bên phía Khánh Hòa vẫn còn nhiều người chưa chịu di dời vì cho rằng mức đền bù thấp.

Dân chưa vào vì khu tái định cư chưa hoàn chỉnh

Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả trên quốc lộ 1 thuộc địa phận hai huyện Đông Hòa (Phú Yên) và Vạn Ninh (Khánh Hòa) được xây dựng theo hình thức BOT và BT với chiều dài 13,4km, tổng mức đầu tư 15.603 tỉ đồng. Theo kế hoạch, năm 2016 sẽ thông hầm đường bộ này.

Khu tái định cư số 1 nằm ở phía bắc đèo Cả rộng 8,5ha, có vốn đầu tư hơn 70 tỉ đồng, để bố trí nơi ở cho 72 hộ dân ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) bị ảnh hưởng bởi dự án, đang được xây dựng khẩn trương nhưng chưa có hệ thống cấp thoát nước, cầu dẫn từ quốc lộ 1 vào khu tái định cư chưa hoàn chỉnh, không có lan can bao quanh khu tái định cư để bảo đảm an toàn cho trẻ em và người già. Vì thế, người dân chưa chịu vào đây làm nhà để nhường đất cho dự án. Ông Nguyễn Tài, chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết đã yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục còn lại, đồng thời lắp đặt nhanh hệ thống nước sinh hoạt. “Nhà đầu tư cam kết hoàn thành việc thi công khu tái định cư trong tháng 12 này” - ông Tài nói.

Cử tri ở đây còn than phiền việc đơn vị thi công đường công vụ của dự án đóng cọc làm cầu gây nứt nhiều nhà dân nhưng chủ đầu tư dự án chậm bồi thường thiệt hại, mức bồi thường ít không đủ để sửa chữa lại nhà. Bà Trần Thị Nhung, ở thôn Hảo Sơn, cho biết nhà bà bị nứt vách dự tính chi phí sửa chữa phải hơn 10 triệu đồng, trong khi đó Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả chỉ bồi thường 5 triệu đồng. “Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác ở đây cũng có nhà bị nứt, chi phí sửa chữa rất cao nhưng họ chỉ nhận được từ 1-10 triệu đồng tiền đền bù, tùy theo mức độ thiệt hại, nên họ rất bức xúc” - bà Nhung nói. Trong khi đó, ông Ngô Tấn Lắm, đại diện Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, cho biết đã phối hợp với công ty bảo hiểm đánh giá mức độ thiệt hại của 63 hộ dân có nhà bị nứt và đã bồi thường cho 59 hộ với số tiền 574 triệu đồng. Hiện còn bốn hộ dân công ty đang tiếp tục thương lượng.

Mức giá đền bù thấp

Tại Khánh Hòa, nhiều người dân ở hai xã Đại Lãnh và Vạn Thọ của huyện Vạn Ninh tiếp tục nêu ý kiến về việc tiền đền bù, hỗ trợ giải tỏa, tái định cư dự án hầm đường bộ qua đèo Cả thấp. Ông Nguyễn Đức Thanh, người dân ở xã Vạn Thọ, cho biết mức áp giá bồi thường về đất quá thấp (chỉ bằng 1/3 giá thị trường), nên các hộ bị giải tỏa lại chưa thể tái định cư, một số hộ bị thu hồi đất khiến diện tích còn lại ít không thể ở được. Theo ông Thanh, đây là những kiến nghị, khiếu nại đã được nêu ra mấy năm nay nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ông Hồ Minh Hoàng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đèo Cả - cho biết chủ đầu tư phải ứng trước cho địa phương 22 tỉ đồng để giải quyết đền bù, hỗ trợ cho dân, song đến nay khu vực làm khu tái định cư số 2 vẫn còn 19 hộ không chịu nhận tiền. Ông Hồ Văn Mừng, bí thư Huyện ủy Vạn Ninh, cho biết huyện nỗ lực vận động các hộ dân nhận tiền đền bù, hỗ trợ để cố gắng có mặt bằng làm khu tái định cư và đường công vụ thi công phần thân hầm phía nam hầm đường bộ đèo Cả. Trước đó, ngày 2-12, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo UBND hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa trong tháng 12-2013 phải bàn giao mặt bằng sạch để chủ đầu tư triển khai thi công hầm đường bộ đèo Cả.

* Ngày 9-12, kỳ họp thứ 6 khóa X HĐND hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã khai mạc và bước vào ngày làm việc đầu tiên. Tại Gia Lai: Nhiều cử tri và đại biểu đề cập việc xuống cấp của hàng loạt tuyến tỉnh lộ, quốc lộ 14, quốc lộ 19 đi qua địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến việc vận chuyển nông sản của nông dân. Một vấn đề khác được đa số cử tri quan tâm là công tác quản lý an toàn các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn thời gian qua. Theo UBND tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh có 38 công trình thủy điện lớn nhỏ, sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ), UBND tỉnh Gia Lai đã cho rà soát đánh giá lại toàn bộ hồ đập trên địa bàn. Kết quả rà soát cho thấy nhiều chủ đầu tư đã tập trung đầu tư vốn để đảm bảo an toàn các hồ đập nhưng cũng có một số hồ đập mới đưa vào sử dụng đã xảy ra sự cố lớn, có hồ đập nứt toác khiến nước tràn qua thân đập. UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các đơn vị phải nhanh chóng khắc phục để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Liên quan đến công trình thủy điện An Khê - Kanak đặt trên địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê, nhiều vấn đề tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay cũng tiếp tục được cử tri kiến nghị lên hội trường HĐND. Cử tri huyện Kbang đề nghị UBND tỉnh Gia Lai có văn bản yêu cầu Ban quản lý dự án thủy điện 7 (chủ đầu tư thủy điện An Khê - Kanak) khẩn trương phối hợp với địa phương lập các thủ tục thu hồi, bồi thường toàn bộ diện tích gần 450ha đất ngập lòng hồ Kanak - thuộc Nhà máy thủy điện An Khê theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Toàn bộ 450ha đất ngập này mặc dù chưa bị nước làm ngập nhưng người dân không thể canh tác, trồng trọt vì đường sá bị chia cắt, vùng ngập có độ dốc lớn... Cử tri cũng đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các đơn vị chức năng sớm kết luận nguyên nhân trận lũ bất thường trong tháng 11, đồng thời UBND tỉnh cũng có ý kiến với chủ đầu tư thủy điện An Khê - Kanak bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề. Cử tri cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của thủy điện An Khê - Kanak trong việc xả lũ ồ ạt mà không thông báo sớm, để xảy ra hậu quả nặng nề cho dân...

Tại Kon Tum: HĐND tỉnh Kon Tum cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh tăng trên 12%, không đạt chỉ tiêu đề ra nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, thu nhập bình quân đầu người của Kon Tum đạt gần 27 triệu đồng (tăng 16% so với năm 2012). Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ giải đáp các kiến nghị của cử tri liên quan đến nhiều vấn đề được đa số cử tri quan tâm như công tác giải quyết việc làm cho người đồng bào dân tộc thiểu số, công tác quản lý bảo vệ rừng...

KIM THỦY - DUY THANH - THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên